1. Chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội thông qua Nghị quyết số 41/2009/QH12, ngày 25-11-2009, gồm 2 Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2; công suất lắp đặt mỗi nhà máy khoảng 2.000 MW. Từ đó đến nay, một số hạng mục của Dự án đã được triển khai gồm: (1) Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã trình Thủ tướng hồ sơ phê duyệt địa điểm và Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1; (2) Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đã được tư vấn quốc tế bổ sung, hoàn thiện và nộp cho EVN để thẩm tra; (3) Hệ thống cấp điện phục vụ thi công Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và văn phòng làm việc của Ban quản lý dự án đang trong giai đoạn xây dựng, hoàn thiện; (4) Dự án di dân tái định cư đã hoàn thành công tác khảo sát, thiết kế các khu tái định cư; (5) Từ năm 2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã cử 445 sinh viên, cán bộ đi học các chuyên ngành liên quan đến điện hạt nhân tại Nga, Pháp và Nhật Bản.
2. Hiện nay, do tình hình phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam có nhiều thay đổi so với thời điểm quyết định đầu tư dự án. Đất nước cần tập trung nguồn vốn lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội, cũng như giải quyết các vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra. Chủ trương của Quốc hội, Chính phủ là phải xem xét lại các dự án ưu tiên để dồn nguồn lực xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia như đường cao tốc Bắc Nam, đường sắt tốc độ cao, tuyến đường ven biển, hay sân bay Long Thành…
Tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIV, ngày 22-11-2016, sau khi xem xét Tờ trình số 513/TTr-CP ngày 3-11-2016 của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra số 118/BC-UBKHCNMT14 ngày 9-11-2016 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, với 92% phiếu thuận của các đại biểu, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 31/2016/QH14 về dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Thông tin về cơ sở khoa học và thực tiễn liên quan đến việc dừng thực hiện Dự án như sau:
Về tính kinh tế, nhu cầu điện và xu hướng phát triển năng lượng
Theo báo cáo của Chính phủ, việc vay vốn để triển khai cho các dự án xây dựng các nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận có khả năng vượt ngưỡng an toàn nợ công quốc gia. Theo Nghị quyết số 41 về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, tổng mức đầu tư khoảng 2,5-3 tỷ USD/1 tổ máy và giá thành điện khoảng 4,93 USCent/kWh. Nhưng hiện nay, theo Báo cáo đầu tư do tư vấn của Nga (cho dự án Ninh Thuận 1) và tư vấn Nhật Bản (cho dự án Ninh Thuận 2) lập, tổng mức đầu tư của hai dự án lên tới khoảng 27 tỷ USD (khoảng 6,75 tỷ USD/1 tổ máy) và giá thành điện khoảng 8,65 USCent/kWh (cho dự án Ninh Thuận 1). Như vậy, tổng mức đầu tư ở giai đoạn khả thi đã tăng hơn gấp đôi so với giai đoạn lập Báo cáo tiền khả thi, cùng với đó giá điện tăng 1,75 lần. Không chỉ có vậy, việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân thường bị đội chi phí rất lớn và thời gian xây dựng thường bị kéo dài. Như vậy, giá thành của điện hạt nhân không còn cạnh tranh so với các dạng năng lượng truyền thống và thậm chí so cả với năng lượng tái tạo. Điều này khiến gánh nặng đối với nợ công càng nặng nề hơn nếu chúng ta cứ tiếp tục triển khai Dự án điện hạt nhân.
Mặt khác, theo Tổng sơ đồ phát triển điện VII hiệu chỉnh được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 428/QĐ-TTg ngày 18-3-2016, trong giai đoạn 2016-2030, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP với kịch bản cơ sở là bình quân 7%/năm tương ứng với tốc độ điện thương phẩm toàn quốc ở phương án cơ sở ở giai đoạn 2016-2020, 2021-2025 và 2026-2030 là 10,6%, 8,5% và 7,5%, giảm nhiều so với dự báo vào thời điểm phê duyệt chủ trương triển khai Dự án năm 2009.
Hiện nay, nhiều quốc gia không chọn đầu tư điện hạt nhân vì lý do kinh tế là chủ yếu, nhất là các quốc gia không tạo được toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất hạt nhân (phát triển công nghệ nhà máy, xây dựng lò phản ứng, đào tạo nguồn nhân lực, sản xuất và tái xử lý nhiên liệu…). Ở Việt Nam, chúng ta lại càng có ít lợi ích kinh tế hơn và sẽ trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào sự hỗ trợ của nước ngoài. Đến nay, trên thế giới mới có 31/196 quốc gia có điện hạt nhân, có thể thấy tính phổ biến của điện hạt nhân chưa cao, độ an toàn chưa thể tuyệt đối, giá thành cao, tình hình chính trị-xã hội phức tạp, một số nước phát triển đã có chủ trương dừng phát triển hoặc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân hiện có. Hơn nữa, trên thế giới, phát triển năng lượng sạch đang là xu hướng ưu tiên, trong đó coi trọng việc khai thác, sử dụng các nguồn năng lượng như dầu đá phiến, khí đốt và năng lượng tái tạo.
Về an toàn, xã hội và môi trường
- Về an toàn địa chất, vết nứt gãy, động đất, sóng thần… cũng là vấn đề cần quan tâm. Sự cố Fukushima của Nhật Bản là một cảnh báo cho toàn thế giới, mặc dù sự cố đó theo xác suất vừa động đất, sóng thần lớn như vậy phải hàng triệu năm mới có một lần.
- Về sự quan tâm của xã hội: Các chuyên gia về năng lượng hạt nhân khẳng định rằng loạt lò phản ứng hạt nhân thế hệ 3+ và 4 (công nghệ mà chúng ta dự kiến mua của Nga và Nhật Bản) đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn cao nhất hiện nay của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), trong đó nổi bật là bẫy vùng hoạt (đối với công nghệ Nga) và cơ cấu tương tự (đối với công nghệ của Nhật Bản) cũng như sử dụng nguyên lý an toàn thụ động trong thiết kế hệ thống an toàn của nhà máy đã tính đến các sự cố nghiêm trọng nhất có thể xảy ra và công nghệ này đều có khả năng chống chịu được, không làm ảnh hưởng đến con người và môi trường. Mặc dù vậy, đã xuất hiện tâm lý lo ngại về độ an toàn của nhà máy điện hạt nhân trong Nhân dân về việc quản lý, vận hành nhà máy điện hạt nhân vẫn chưa thể loại trừ hoàn toàn những rủi ro để đảm bảo độ an toàn tuyệt đối. Bên cạnh đó, kinh nghiệm, trình độ, năng lực, kỷ cương, kỷ luật, văn hóa an toàn điện hạt nhân của nguồn lực Việt Nam vẫn là mối lo ngại có thể ảnh hưởng tới độ an toàn tuyệt đối của nhà máy điện hạt nhân. Các quốc gia đều cần phải quan tâm đến ý kiến của người dân, nhất là đối với các dự án quan trọng như dự án điện hạt nhân. Đây cũng là yêu cầu đặc thù của loại dự án này.
- Về ảnh hưởng tới môi trường: Những vấn đề lâu dài hiện chưa lường hết khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân như: Quy hoạch chôn lấp lâu dài rác thải hạt nhân có hoạt độ cao, nhiên liệu đã qua sử dụng; vấn đề tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân khi hết thời hạn hoạt động để bảo đảm tẩy xạ, làm sạch môi trường cần nhiều thời gian và kinh phí rất lớn...
3. Trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo các cấp kịp thời tổ chức thông tin, tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhằm định hướng dư luận xã hội, nhanh chóng ổn định tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân đối với chủ trương dừng thực hiện Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
- Việc dừng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận không ảnh hưởng an ninh cung ứng điện, Việt Nam có thể bổ sung các loại hình nguồn điện khác nhau như nhiệt điện than, điện năng lượng tái tạo, điện khí thiên nhiên hóa lỏng, cũng như xem xét mua điện từ láng giềng, nhất là Lào.
- Từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ xem xét đầu tư thay thế các nhà máy điện hạt nhân bằng các nhà máy nhiệt điện than có công nghệ tiên tiến, các nhà máy tua-bin khí sử dụng điện khí thiên nhiên hóa lỏng nhập khẩu với tổng công suất 6.000 MW. Sau năm 2030, bên cạnh tiếp tục phát triển các nguồn trên, Việt Nam sẽ đẩy mạnh ứng dụng năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, năng lượng tiết kiệm.
- Hướng xử lý đối với một số hạng mục của Dự án đã triển khai như giải phóng mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực và các công việc khác sẽ được tiếp tục sử dụng cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Thuận. Hệ thống điện đã xây dựng sẽ được bàn giao cho Công ty Điện lực Ninh Thuận, số sinh viên được đào tạo tại Nga, Nhật Bản tiếp tục học tập để về nước tham gia vận hành các nhà máy điện khác. Với các chi phí đã thực hiện liên quan đến dự án, Chính phủ sẽ chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền.
- Ý định dừng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cũng đã được Chính phủ Việt Nam thông tin tới đối tác Nga và Nhật Bản cùng thời điểm báo cáo Quốc hội. Các đối tác đều bày tỏ sự đáng tiếc với nhiều kết quả đã đạt được, song về cơ bản họ thể hiện quan hệ hữu nghị, cảm thông và tôn trọng quyết định của Việt Nam. Hai nước bày tỏ sự mong muốn tăng cường hỗ trợ Việt Nam một số lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng, thay thế cho đầu tư các nhà máy điện hạt nhân. Việc dừng Dự án không làm ảnh hưởng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga và quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng với Nhật Bản.