Các dạng năng lượng tái tạo trên biển (hay còn gọi là năng lượng biển) bao gồm các dạng sau: Năng lượng bức xạ mặt trời (năng lượng mặt trời), năng lượng gió, năng lượng thủy triều và dòng chảy biển, năng lượng sóng, năng lượng nhiệt từ nhiệt độ nước, năng lượng chiết xuất từ gradien độ mặn của nước biển và năng lượng sinh học sinh ra từ các loài sinh vật dưới biển. Với trình độ khoa học-kỹ thuật và điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay thì hầu hết các quốc gia trên thế giới đang có triển vọng phát triển các dạng năng lượng trên. Đơn cử như:
- Năng lượng bức xạ mặt trời: Là nguồn năng lượng được phát triển khá mạnh mẽ vào cuối những năm 1990, nhờ vào sự phát triển mạnh của công nghệ chế tạo tế bào quang điện (Photovoltaic – PV), từ đó đến nay nó đang chiếm một vị trí đáng kể trên thị trường điện năng thế giới. Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là giá cả điện năng của PV cần phải giảm hơn nữa mới có thể cạnh tranh với các nguồn năng lượng tái tạo khác.
- Năng lượng gió: Đây là một dạng năng lượng được chuyển đổi từ gió biển nhờ các tuốc bin. Các tuốc bin này cũng giống như tuốc bin năng lượng gió trên đất liền nhưng đã được “biển hóa” và được chế tạo với tuổi thọ cao hơn để phù hợp với điều kiện khắc nghiệt trên biển. Các tuốc bin này nói chung có kích thước to hơn cùng loại trên đất liền và có công suất lớn hơn. Các nước có công nghệ và thực hiện mạnh việc sản xuất năng lượng gió trên biển hiện nay trên thế giới có thể kể đến là Đan Mạch, Đức, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển, Mỹ và Anh. Theo đánh giá hiện trạng công suất thiết kế của các dạng năng lượng (2002) thì năng lượng gió ngoài khơi có giá cả thuộc dạng trung bình: khí đốt: 2–2,3 bảng Anh/kWh; điện nguyên tử mới xây dựng: 2,5–4 bảng Anh/kWh; gió trên đất liền: 1,5–2,5 bảng Anh/kWh và gió ngoài khơi: 2–3 bảng Anh/kWh.
Ở Việt Nam ta nói chung và Ninh Thuận nói riêng, đang sở hữu đầy đủ các điều kiện địa lý, tự nhiên để phát triển khai thác năng lượng biển khi chúng ta đang sở hữu một vùng biển Đông rộng lớn. Phía ngoài khơi chịu tác động của hai mùa gió mùa Đông Bắc và Tây Nam khá ổn định theo không gian và thời gian gió thổi, tạo mật độ năng lượng gió và sóng cao. Vùng ven bờ của tỉnh có số giờ nắng thuộc diện cao nhất ở Việt Nam, lượng mây tổng quan trung bình hàng năm không cao chỉ nằm trong khoảng 5,5–6/10 bầu trời, số giờ nắng đạt khoảng 2860,9 giờ/năm. Tốc độ gió trung bình hàng năm có độ dao động lớn giữa mùa hè và mùa đông (từ 1,5-3,2 m/s). Trên dải ven biển, tỉnh ta còn sở hữu nhiều diện tích đất chưa sử dụng, đất bạc màu rất thuận tiện cho việc đầu tư khai thác nguồn năng lượng bức xạ mặt trời và năng lượng gió. Ngoài ra, theo tính toán của các nhà khoa học, ngoài khơi xa của tỉnh ta có một vùng năng lượng dòng chảy với giá trị trung bình khoảng 40–60 W/m2. Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng các định hướng đầu tư khai thác các nguồn năng lượng biển của tỉnh.
Theo định hướng phát triển ngành năng lượng của cả nước trong giai đoạn 2016–2025, thì đến năm 2020 tổng công suất lắp đặt các nguồn điện tái tạo của nước ta là 3.859,4 MW, trong đó điện gió là 484MW (12,54%), thủy điện nhỏ (69,54%), năng lượng sinh học 400,7MW (10,3%), còn lại là các nguồn năng lượng khác. Đến năm 2025, tổng công suất lắp đạt các nguồn điện tái tạo nước ta là 4.789,8 MW (9,6%), còn lại là các nguồn năng lượng khác. Như vậy, có thể thấy Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm rất nhiều đến việc phát triển ngành năng lượng tái tạo, phục vụ cho phát triển bền vững.
Là một tỉnh được quy hoạch để trở thành trung tâm năng lượng sạch của quốc gia, phát triển mạnh các trung tâm khoa học và công nghệ. Phát huy lợi thế sẵn có, hy vọng các nguồn năng lượng biển của tỉnh sẽ sớm được đầu tư khai thác, trở thành nguồn năng lượng đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh và thúc đẩy phát triển giáo dục–đào tạo có chất lượng cao.
Đỗ Phước Vinh