Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 60 HTX hoàn thành chuyển đổi (đạt 100%), trong số này có 43 HTX nông nghiệp, thủy sản; 7 HTX tiểu thủ công nghiệp; 3 HTX vận tải; 3 Quỹ tín dụng nhân dân và 4 HTX dịch vụ tổng hợp. Tổ chức bộ máy quản lý HTX sau chuyển đổi được củng cố, một số mô hình HTX kiểu mới bước đầu phát huy hiệu quả.
Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bảo An.
Để tạo điều kiện cho các HTX hoạt động thuận lợi, chỉ tính trong năm 2016, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các nhóm giải pháp hỗ trợ phát triển HTX nói riêng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại các Nghị quyết 19/NQ-CP, Nghị quyết 35/NQ-CP và Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, tạo thuận lợi hơn cho các HTX trong hoạt động sản xuất - kinh doanh... Đơn cử như, về tín dụng, số HTX được vay vốn đều tăng hơn so với năm 2015, tính đến tháng 12-2016, có 8 HTX được vay vốn, với tổng dư nợ 1.131 triệu đồng. Trong số này, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho vay 576 triệu đồng/3 HTX Bảo An, Bình Quý, Tân Hà; Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 555 triệu đồng/5 HTX Trường Thọ, Hoài Nhơn, Ninh Quý, Phước Thiện, Vạn Phước. Hay như về hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, trong năm 2016, các Sở, ngành của tỉnh đã tổ chức 17 lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho 555 lượt cán bộ quản lý, nhân viên của các doanh nghiệp, HTX trên các lĩnh vực: hội nhập quốc tế; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu; xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng; quản trị hợp tác xã. Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư mở 1 lớp/55 thành viên các HTX tham dự và cấp phát miễn phí 275 cuốn tài liệu hướng dẫn liên quan đến công tác quản lý, hoạt động của HTX; Liên minh HTX mở 1 lớp/60 thành viên các HTX… Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức nhiều Hội thảo chuyên đề về kết nối cung-cầu công nghệ, liên kết sản xuất, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm trong nông nghiệp, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của HTX trên địa bàn tỉnh.
Thông qua các hỗ trợ đã nêu và bằng chính sự năng động từ các HTX đã ngày càng mang lại hiệu quả đáng kể. Theo thống kê, năm 2016, doanh thu bình quân ước đạt 1.400 triệu đồng/HTX, tăng 9% so với cùng kỳ; lợi nhuận bình quân trên 115 triệu đồng/HTX, tăng 9,5% và thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX đạt 29 triệu đồng/năm, tăng 7,4% so với năm 2015. Tổng giá trị sản phẩm khu vực kinh tế tập thể năm 2016 ước đạt 1.438 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm trước, chiếm 7,9% GRDP của tỉnh.
Những kết quả nêu trên là rất đáng ghi nhận và rõ ràng kinh tế hợp tác ngày càng thực sự là “bà đỡ” của nông dân trong việc liên kết sản xuất với doanh nghiệp nhằm giảm chi phí đầu vào, giải quyết tốt vấn đề đầu ra cho nông sản và đặc biệt là nâng cao chất lượng, số lượng hàng hóa để đủ sức cạnh tranh trên thị trường, hạn chế phụ thuộc vào sự định đoạt của tư thương… Thực tế cho thấy, trong phát triển kinh tế nông nghiệp hiện nay, chỉ có liên kết lại mới có thể có khối lượng hàng hóa lớn với chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn nhiều HTX thiếu chiến lược trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa thực sự trở thành tổ chức kinh tế đủ mạnh để góp phần đắc lực trong công cuộc xây dựng và phát triển nông nghiệp - nông thôn. Nguyên nhân của tình trạng trên là hầu hết các HTX sản xuất kinh doanh với quy mô nhỏ lẻ, cơ sở vật chất thiếu thốn... Bên cạnh đó, việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, đưa công nghệ cao vào quá trình sản xuất chưa được nhân rộng cũng như chưa chú trọng đúng mức. Đặc biệt, mối liên kết “4 nhà” (nhà nước – nhà nông – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp) còn rất lỏng lẻo, dẫn đến người dân phải “tự bơi” trong biển lớn của cơ chế thị trường với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Trong khi đó, năng lực của phần lớn cán bộ ở các HTX chưa bắt kịp với xu thế phát triển, nhất là khả năng lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tìm hiểu nhu cầu của thị trường và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Một trong những khó khăn và cũng là “rào cản” cho các HTX phát triển đó là thiếu vốn hoạt động trầm trọng nhưng lại khó tiếp cận tín dụng, cụ thể là số HTX được vay vốn tín dụng chưa nhiều, số tiền vay quá thấp, nhất là chưa được hưởng những ưu đãi theo quy định.
Các thành viên HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú (An Hải, Ninh Phước) trồng cây măng tây xanh đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, mấu chốt của vấn đề là phải tăng cường năng lực tổ chức sản xuất, kinh doanh; không chỉ cung cấp dịch vụ giá rẻ, chất lượng cao, an toàn cho nông dân mà HTX còn phải là đối tác về mặt kinh tế, kết nối với các doanh nghiệp trên thị trường; xây dựng năng lực tiếp cận thị trường theo chuỗi giá trị… Mặc khác, các Sở, ngành, địa phương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho HTX trong tiếp cận đất đai và các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh trên các lĩnh vực như: về khoa học công nghệ, về xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, đào tạo nguồn nhân lực... Chủ động trao đổi, nắm bắt tình hình hoạt động, các vấn đề khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của HTX để có biện pháp hỗ trợ, giải quyết kịp thời. Công khai hóa thủ tục cho vay và mở rộng các hình thức cho vay tín dụng, nhất là hình thức cho vay không có bảo đảm bằng tài sản trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các HTX trong tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Mai Dũng