Nỗ lực phát triển kinh tế ngay từ tháng đầu năm mới

(NTO) Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 theo tinh thần Nghị quyết của Tỉnh ủy và Nghị quyết HĐND tỉnh, ngay từ tháng đầu của năm kế hoạch, các ngành, địa phương, đơn vị đã khẩn trương bắt tay vào sản xuất, kinh doanh với quyết tâm đạt kết quả cao nhất trên các lĩnh vực.

Về sản xuất nông nghiệp, nông dân các địa phương tập trung thu hoạch dứt điểm diện tích lúa mùa chậm năm 2016, đồng thời khẩn trương xuống giống sản xuất vụ đông-xuân năm 2017 theo đúng kế hoạch thời vụ, kết thúc đến ngày 20-1-2017. Theo thống kê, tổng diện tích cây hàng năm vụ đông-xuân năm 2017 đạt trên 25.300 ha, tăng 9,7% so với cùng vụ năm trước, vượt 3,5% kế hoạch. Trong đó, diện tích một số cây trồng tăng cao như: lúa 16.224 ha, tăng 9,9% so với cùng kỳ; cây bắp đạt 2.802 ha, tăng 17,7%; cây mía trồng mới đạt 181 ha, tăng 57,4% so với cùng kỳ; cây có hạt chứa dầu đạt 306 ha, tăng 25,9%; cây rau đậu đạt 4.293 ha, tăng 6,2% so với cùng kỳ, trong số này, riêng đậu các loại đạt 1.427 ha, tăng 17,3% so với vụ đông-xuân trước, trong đó diện tích đậu xanh tăng cao nhất 16,7% do chuyển nhiều diện tích lúa sang trồng đậu xanh. Cây hàng năm khác chủ yếu là cỏ trồng đạt 965 ha, tăng 14,7% so với cùng kỳ, vượt 24,8% so với kế hoạch... Đáng nói là nhiều nông dân đã chủ động chuyển đổi các giống cây trồng đầu ra không ổn định như cây lấy củ, thuốc lá... sang các cây trồng hàng năm khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong vụ này, nông dân nhiều địa phương tiếp tục nhân rộng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, gắn với việc đưa các giống lúa kháng sâu bệnh, dễ chăm sóc, năng suất cao, chất lượng tốt như các giống hạt dài VNĐ 95-20, OM 4900, IR 64, KD 18, OM 4498, OMCS 2000; hạt bầu tròn ML202, TH41 phục tráng, TH6, ML48, ML214. Tổng đàn vật nuôi trong tháng ổn định, sinh trưởng bình thường, dịch bệnh không phát sinh. Đàn gia súc có xu hướng tăng cao trở lại từ các tháng cuối năm trước và tiếp tục phát triển như đàn bò đạt gần 112.610 con, tăng 22,9% so với cùng kỳ; đàn heo đạt trên 92.530 con, tăng 14,3%; đàn dê đạt 127,7 nghìn con, tăng 54,7%; đàn cừu đạt 165,7 nghìn con, tăng 73,6% so với cùng kỳ.

Nhà máy Bia Sài Gòn- Ninh Thuận hoạt động hiệu quả, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương.

Sản xuất thủy sản tuy không được thuận lợi do thời tiết và chưa vào vụ chính nhưng qua ra quân sản xuất đầu năm, ngư dân trong tỉnh đã khai thác biển đạt 3.036,4 tấn với nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế, tiêu thụ mạnh nhất là dịp giáp tết nên đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Sản lượng nuôi trồng đạt 517 tấn, tăng 3,5% so với cùng kỳ; trong đó sản lượng tôm đạt 451 tấn, tăng 33,2%, năng suất bình quân 11 tấn/ha.

Nông dân Xuân Hải (Ninh Hải) chăm sóc nho.

Trong tháng, sản xuất giống thủy sản phát triển khá tốt do nhu cầu tiêu thụ miền Tây Nam Bộ tăng lên. Sản l­ượng thủy sản giống xuất bán trong tháng đạt gần 969 triệu con, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó tôm sú giống đạt trên 303 triệu con.

Sản xuất công nghiệp có chuyển biến, tuy là tháng tết nhưng một số ngành vẫn duy trì sản xuất bảo đảm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu thực hiện trong tháng tăng so với cùng kỳ: chế biến tôm đông lạnh ước đạt 633 tấn các loại, tăng 4,8%; sản xuất bia đóng lon ước đạt 5 triệu lít, tăng 10,8%; quần áo may sẵn ước đạt 252 ngàn sản phẩm, tăng 31,6%...

Nông dân thôn Văn Lâm 2 (xã Phước Nam, Thuận Nam) sản xuất đầu năm. Ảnh: V.Miên - M.Dũng

Có thể nói, một trong những “điểm nhấn” của tháng đầu năm mới là hoạt động khá hiệu quả của các Ngân hàng thương mại. Trong tháng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tiếp tục bám sát sự điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước, diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tình hình thanh khoản và cung cầu ngoại tệ của thị trường để ấn định tỷ giá mua, bán phù hợp; nhu cầu giao dịch ngoại tệ được đáp ứng đầy đủ, kịp thời, thông suốt; diễn biến thị trường vàng, ngoại hối tiếp tục phát triển theo hướng ổn định. Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, ước tính đến cuối tháng, tổng nguồn vốn huy động đạt 9.000 tỷ đồng, tăng 1,34% so với cuối năm 2016 và đạt 9% kế hoạch năm 2017. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm từ dân cư đạt 6.600 tỷ đồng, chiếm 73,33% trong tổng nguồn huy động và tăng 0,53%; tiền gửi các tổ chức kinh tế đạt 2.240 tỷ đồng, chiếm 24,89% và tăng 3,94% so với cuối năm 2016... Từ các nguồn vốn huy động nêu trên, ước tính đến cuối tháng 1-2017, các Ngân hàng đã đầu tư vào nền kinh tế của tỉnh với tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 14.950 tỷ đồng, tăng 0,9% so với cuối năm 2016. Trong đó, dư nợ tín dụng ngắn hạn đạt 7.180 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 48,03% trong tổng dư nợ, tăng 1,03%; trung, dài hạn đạt 7.770 tỷ đồng, chiếm 51,97% và tăng 0,87% so với cuối năm 2016.

 

Tàu cá ngư dân Cà Ná sẵn sàng vươn khơi.

Hoạt động thương mại tăng trưởng đáng kể với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt trên 1.406,4 tỷ đồng, tăng 7,1% so với tháng trước và tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, nhờ lượng hàng hóa phong phú, quản lý tốt thị trường của ngành chức năng... nên giá cả không có nhiều biến động mặc dù là tháng áp tết, nhu cầu mua sắm tăng cao, góp phần đáng kể trong việc bình ổn thị trường, tạo thêm điều kiện cho người dân đón tết thêm đủ đầy, no ấm, vui tươi...

Với những khởi đầu thuận lợi như đã nêu trên sẽ tạo đà để kinh tế của tỉnh phát triển bằng quyết tâm mới, đột phá mới.