TS. Trương Tiến Hưng
Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh
Thực vậy, từ Chỉ thị số 06, ngày 7-11-2006 về tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Bộ Chính trị khóa X, đến Chỉ thị 03, ngày 14-5-2011 về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Bộ Chính trị khóa XI, và gần đây nhất là Chỉ thị số 05 ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã cho thấy đó là những giá trị to lớn và thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, là những nội dung chuẩn mực, cốt lõi để xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong điều kiện hiện nay.
Chỉ thị 05 nêu rõ: Tổ chức học tập, quán triệt và tuyên truyền sâu rộng, thường xuyên, liên tục và có hệ thống bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động các nội dung chủ yếu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Đó là là hệ thống quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về quyền làm chủ của Nhân dân, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về xây dựng, phát triển kinh tế và văn hóa; về đạo đức cách mạng; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng...
Có thể thấy, hệ thống quan điểm tư tưởng Hồ Chí Minh là toàn diện, nhất quán và kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội.
Ngay từ khi bắt đầu bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, Người luôn đau đáu về câu hỏi lớn là làm sao cho dân tộc được độc lập, Nhân dân được tự do, hạnh phúc. Cho tới khi Người đọc được “Sơ khảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lênin đã giải đáp cho Người về con đường giành độc lập cho dân tộc, tự do cho Nhân dân, và Người đã kiên định tin theo Lênin, tin theo Quốc tế III. Đó là con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và con người, là con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Đạo đức Hồ Chí Minh là các quan điểm và tấm gương đạo đức về: Tuyệt đối trung thành, kiên định lý tưởng cách mạng, đặt lợi ích của Đảng, của đất nước, dân tộc lên trên tất cả; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, tận trung với nước, tận hiếu với dân; hết lòng yêu thương đồng bào, đồng chí, yêu thương con người...
Đầu năm 1946, sau thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam độc lập và Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành Chủ tịch chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người đã nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì với vòng danh lợi”. Thực tế đã chứng minh trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người đã thực hiện đúng như vậy. Một vị anh hùng dân tộc, một danh nhân văn hóa thế giới, nhưng cho đến khi đi gặp các cụ Các Mác, Lênin và các bậc tiền bối cách mạng khác, trên ngực áo Người vẫn không một tấm huy chương.
Phong cách Hồ Chí Minh, phản ánh những giá trị cốt lõi trong tư tưởng, đạo đức của Người và được thể hiện vô cùng sinh động, tự nhiên, có sức thu hút, cảm hóa kỳ diệu trong hoạt động, ứng xử hằng ngày. Đó là: Phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, luôn gắn chặt lý luận với thực tiễn; phong cách làm việc dân chủ, khoa học...; phong cách ứng xử văn hóa, tinh tế, đầy tính nhân văn, thấm đậm tinh thần yêu dân, trọng dân, vì dân; phong cách nói đi đôi với làm, đi vào lòng người; nói và viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm; phong cách quần chúng, dân chủ, tự mình nêu gương...
Có lần, một đồng chí giúp việc hỏi Bác một câu: “Thưa Bác, Bác có kinh nghiệm gì mà Bác viết ngắn lại hay đến vậy? Bác nói ngắn mà lại hay như vậy?”. Bác rất khiêm nhường và bảo rằng Bác không có kinh nghiệm gì cả, các chú cứ làm việc đi, tự khắc công việc sẽ mách bảo kinh nghiệm, và Bác nói thêm: “Nếu các chú gọi là kinh nghiệm thì Bác chỉ mách nhỏ các chú mấy câu: việc gì Bác cũng phải trực tiếp làm”. Bác giải thích là có trực tiếp làm mới thấu hiểu nỗi khó nhọc của cán bộ, mới biết thương cán bộ, mới biết sự phức tạp của công việc. Và Bác đã tổng kết thành mấy câu rất đơn giản, ai cũng có thể hiểu và áp dụng vì dễ nhớ, dễ thuộc những lại rất biện chứng và như là một chân lý. Đó là: Thực hành sinh ra hiểu biết, hiểu biết tiến lên lý luận, lý luận lãnh đạo thực hành.
Trong học tập, rèn luyện và làm việc, chúng ta còn học được ở Bác phương pháp tư duy sáng tạo, bổ sung vào lý luận, làm cho lý luận gần hơn với thực tiễn. Trong việc sử dụng cán bộ, Lênin đề ra công thức: “Chọn đúng người, giao đúng việc, kiểm tra thường xuyên”. Bác bổ sung thêm là phải “Đãi ngộ xứng đáng”. Trong việc đãi ngộ, trả công cho người lao động, Lênin đề ra công thức: “Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng”, Bác bổ sung thêm là: “Trừ người già và trẻ em”. Trong phong cách học tập, làm việc của Bác rất sâu sắc, rất thấu lý đạt tình, đạt nghĩa, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cụ thể. Đó chính là tầm cao tư tưởng, với tư duy biện chứng sâu sắc, với tấm lòng bao dung, độ lượng và tình yêu bao la Bác dành cho dân tộc Việt Nam.
Có thể thấy rằng, hệ thống tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh rất đời thường, rất dung dị và hòa với cách nghĩ, lối sống của Nhân dân nhưng lại bao hàm những tư tưởng nhân sinh rộng lớn, như là bó đuốc kỹ vĩ soi lối, dẫn đường cho chúng ta đi. Trong cuộc sống hiện tại, để đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn cho dân tộc ta, mỗi chúng ta ai cũng cần, ai cũng đều có thể học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác được, miễn là người đó xác định và quyết tâm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác để cho “...đời ta trong sáng hơn”.