Các địa phương ra quân sản xuất đầu xuân mới

(NTO) Sau những ngày nghỉ Tết cổ truyền của dân tộc, ngay sáng Mùng 4 Tết, bà con nông dân, ngư dân toàn tỉnh khẩn trương ra quân sản xuất đầu xuân mới, với hy vọng sự khởi đầu may mắn, đem lại mùa màng bội thu, kết quả tốt đẹp cho cả năm….

Tp. Phan Rang-Tháp Chàm

Trong không khí vui tươi, phấn khởi, ngay những ngày đầu Xuân mới, nông dân Tp.Phan Rang-Tháp Chàm đã bắt tay ngay vào việc chăm sóc cây trồng với mong ước mùa vụ tốt tươi. Chúng tôi về HTX Rau an toàn (RAT) và HTX Dịch vụ tổng hợp Văn Hải (phường Văn Hải, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), trong làn nắng ửng của ngày đầu Xuân, nông dân khẩn trương ra đồng từ sớm chăm sóc và thu hoạch cây màu vụ đông-xuân. Anh Nguyễn Văn Trinh, Phó Giám đốc HTX cho biết: Từ Mùng 4 Tết, bà con xã viên đã bắt tay vào thu hoạch cây trồng. Hiện HTX có 15 ha rau các loại đang thu hoạch, trong đó diện tích lớn nhất là các loại rau ăn lá như cải, xà lách, quế, ngò... Mỗi ngày, HTX cung cấp khoảng 1 tạ rau các loại cho Siêu thị Co.opmart Thanh Hà nhưng giá thu mua còn thấp. Riêng tỏi có giá cao hơn từ 120.000 – 130.000 đồng/kg nên nông dân cũng nhờ đó mà tranh thủ thu hoạch bán lấy “lộc”. Trong năm mới, bà con tiếp tục áp dụng khoa học-kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, từng bước giữ vững thương hiệu “rau sạch” cung cấp cho thị trường… Trên những luống hoa cúc vàng, vạn thọ chưa nở kịp trong Tết, bà con phường Mỹ Bình, Văn Hải cũng khẩn trương ra rẫy chăm sóc vụ hoa gối đầu chuẩn bị bán vào dịp Rằm tháng Giêng. Nông dân xã Thành Hải, Đô Vinh cũng thăm đồng để chuẩn bị bón phân cho lúa vụ đông-xuân đang phát triển khá tốt…

 
Không khí nhộn nhịp tại cảng cá Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) trong ngày đầu Xuân mới. Ảnh: V.M

Có mặt tại Cảng cá Đông Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), ngay sau Tết không khí mua bán nhộn nhịp hẳn lên. Ngay từ sáng sớm, một số tàu thuyền đánh bắt hải sản gần bờ đã ra khơi. Các ngư dân tập trung tu sửa tàu thuyền, chuẩn bị ngư lưới cụ cần thiết để sẵn sàng cho những chuyến vươn khơi... Với những thuận lợi trong ngày đầu Xuân mới, các ngư dân ai cũng mong một năm “thuận buồm xuôi gió”, làm ăn phát đạt.

Ninh Hải

Hòa chung khí thế đó, tại huyện Ninh Hải, sáng Mùng 4 Tết, tiết trời râm mát, chúng tôi cùng ông Nguyễn Văn Thái (thôn Hộ Diêm, xã Hộ Hải) ra thăm đồng. Đang là vụ đông-xuân, thời tiết thuận lợi nên cây lúa phát triển khá tốt, không bị sâu bệnh. Nhìn cánh đồng bát ngát của thôn, ông Thái cho biết: “Vui Tết xong, giờ bắt tay vào việc đồng áng. Hy vọng năm Đinh Dậu này nông dân gặp nhiều thuận lợi, bớt đi thiên tai, hạn hán để mùa màng tốt tươi, người dân có của ăn của để, sung túc hơn năm ngoái là mừng!”. Là địa phương trọng điểm nông nghiệp của huyện Ninh Hải, Hộ Hải có vùng canh tác lúa rộng lớn với diện tích canh tác hằng năm gần 800ha; có vùng trồng rau an toàn; vùng nuôi trồng thủy sản đa dạng, nhất là tôm, ốc hương… Ngoài ra còn có nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bước sang Xuân mới 2017, bà con hăng hái sản xuất, hy vọng năm mới ngành Nông nghiệp gặt hái được nhiều thắng lợi, có nhiều hộ thoát nghèo và địa phương giữ vững danh hiệu xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Còn tại các làng biển trong huyện, không khí lao động những ngày xuân mới cũng thật nhộn nhịp. Tàu thuyền tại bến cảng, bến cá Ninh Chử, Mỹ Tân, Vĩnh Hy sau nhiều ngày neo đậu đã hoạt động trở lại. Nhiều chủ tàu đã ra khơi từ Mùng 3 Tết để “lấy lộc biển” đầu Xuân. Lão ngư Lê Văn Bảy (thôn Mỹ Tân, xã Thanh Hải) chia sẻ: Xuất hành đầu Xuân mới chúng tôi mong “trời yên, biển lặng”, ghe tàu “thuận buồm, xuôi gió” và trúng nhiều luồng cá lớn. Được như vậy ngư dân mới có thu nhập và yên tâm bám biển.

Thuận Bắc

Trước Tết, huyện Thuận Bắc đã chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai sản xuất vụ đông-xuân, đến nay, 100% diện tích gieo trồng đã xuống giống. Do thực hiện theo đúng kế hoạch sản xuất, bà con xuống giống đồng loạt nên hầu hết diện tích gieo đều phát triển tốt. Đến ngày Mùng 4 Tết, lúa đã được 15-20 ngày tuổi. Từ sáng Mùng 4 Tết nông dân ra thăm đồng. Nhiều nông dân tất bật bắt tay vào công việc… người thì dặm lúa, người rải phân, xịt thuốc trừ sâu cho lúa. Vì thời tiết thuận lợi nên cây trồng phát triển khá tốt, ông Lê Văn Giang (thôn Mỹ Nhơn, Bắc Phong) cho biết: “Tôi đã xuống giống 7 sào lúa trước Tết, đến nay lúa phát triển tốt. Tranh thủ nghỉ Tết xong, Mùng 4 Tết, tôi ra đồng thăm ruộng lúa, dẫn nước vào ruộng, tôi thấy bà con trong thôn cũng hối hả ra đồng, chăm sóc lúa”. Ông Katơ Lâm (thôn Bà Râu 2, xã Lợi Hải) chia sẻ: “Nhà tôi làm 6 sào lúa, mới xuống giống trước Tết Nguyên đán hơn 10 ngày, mặc dù vẫn còn Tết nhưng tôi và người nhà vẫn ra đồng, phun thuốc cỏ. Vì vụ trước do mưa lũ nên thất thu, tôi mong rằng vụ lúa này sẽ được mùa, được giá”.

 
Nông dân huyện Thuận Bắc ra quân sản xuất đầu năm. Ảnh: Minh Khai

Bác Ái

Riêng tại huyện Bác Ái, sau những ngày vui Xuân, đón Tết Đinh Dậu vui tươi, lành mạnh, nông dân ở các xã phấn khởi ra đồng chăm sóc cây trồng, mang theo ước vọng một mùa bội thu.

 
Nông dân huyện Bác Ái ra quân sản xuất đầu xuân. Ảnh: Hồng Lâm

Ngày đầu Xuân, thời tiết nắng đẹp, trên những cánh đồng Phước Trung, Phước Chính, Phước Đại… không khí lao động rất nhộn nhịp, bà con ai nấy đều vui tươi, hớn hở. Chị Ka-tơ Thị Mang (thôn Tà Lú 1, xã Phước Đại) vui vẻ: Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, nên hơn 8 sào mỳ của gia đình phát triển rất tốt. Tranh thủ ăn Tết xong, ngay trong sáng Mùng 4 Tết, gia đình đã tranh thủ ra đồng chăm sóc cây mỳ, đồng thời khẩn trương thu hoạch hơn 1 sào đậu xanh còn trước Tết…

Ninh Phước

Sau những ngày đón Tết cổ truyền vui tươi, sáng Mùng 4 Tết, nông dân huyện Ninh Phước phấn khởi bước vào sản xuất đầu Xuân...

 
Chị Nguyễn Thị Thu Tuyết, thôn Thuận Lợi chăm sóc cho cây súp lơ của gia đình. Ảnh: Trần Phương

Tại thôn Nhuận Đức (xã Phước Hữu), ngày lao động đầu Xuân mới rất nhộn nhịp, nông dân hớn hở theo nước vào ruộng, dặm lúa, phun thuốc ngừa sâu bệnh... Anh Nguyễn Chí Công cho biết: Năm nào tôi cũng chọn ngày Mùng 4 Tết ra đồng thăm ruộng. Gia đình có hơn 1 ha lúa gieo trước Tết nên tôi tranh thủ ra đồng để kiểm tra theo nước cho kịp mùa vụ. Không khí sản xuất đầu Xuân ở những khu vực trồng cây màu cũng rất sôi động, là vụ chính trong năm nên vụ sản xuất đông – xuân luôn được nông dân chăm sóc tốt. Chị Nguyễn Thị Thu Tuyết đang tranh thủ làm cỏ, phun thuốc tránh sâu bệnh cho hơn 1,5 sào súp-lơ. Chị chia sẻ: Trước Tết do thời tiết thay đổi thất thường, mưa kéo dài nên súp-lơ chưa thu hoạch được. Súp lơ là loại cây ngắn ngày, dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp. Nếu bán với giá 6.000 đồng/kg, sau khi trừ tất cả chi phí gia đình cũng lãi khoảng trên 10 triệu đồng.

Ngoài ra, nông dân ở các xã Phước Thuận, An Hải, Phước Hải, Phước Hậu… cũng đã ra đồng sản xuất đầu Xuân mới với niềm tin có một vụ mùa bội thu. Anh Trần Văn Minh (ở thôn Từ Tâm 1, xã Phước Hải) đang làm đất chuẩn bị trồng 1,2 sào cải. Anh chia sẻ: Trước Tết vườn cải gia đình tôi thu hoạch đạt năng suất, bán được giá nên gia đình cũng có một cái Tết sung túc hơn. Sau khi nghỉ Tết, tôi chuẩn bị gieo lại cho vụ sau, ngoài ra nhà cũng trồng hơn 1 sào đậu phộng, nhờ đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm nên năng suất đạt cao.

Thuận Nam

Ngay Mùng 2 Tết, với thời tiết khá thuận lợi, đặc biệt là nguồn nước thủy lợi khá dồi dào, nhiều nông dân huyện Thuận Nam đã ra đồng chăm sóc lúa vụ đông- xuân với mong ước sẽ đạt mùa bội thu-vì đây là vụ sản xuất chính trong năm.

 
Nông dân thôn Văn Lâm 2 (xã Phước Nam, Thuận Nam) sản xuất đầu năm.
 
 
Ngư dân xã Cà Ná chuẩn bị các vật dụng cần thiết để ra khơi. Ảnh: Mai Dũng

Theo kế hoạch, huyện sẽ tập trung điều tiết sử dụng nguồn nước hợp lý đảm bảo cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, phòng chống dịch bệnh đối với vật nuôi và cây trồng, bảo vệ sản xuất một cách hiệu quả nhất. Được biết, trong năm 2017, toàn huyện phấn đấu đạt tổng diện tích gieo trồng trên 5.145 ha, trong đó có 4.035 ha cây hàng năm, 1.100 ha cây lâu năm. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 16.350 tấn, tăng 2.750 tấn so với thực tế thực hiện của năm 2016. Riêng vụ đông-xuân, để đảm bảo sản xuất ổn định và ưu tiên nước cho sinh hoạt và chăn nuôi, huyện Thuận Nam chỉ đạo chuyển đổi 394 ha/1.659 ha trồng lúa sang cây trồng cạn. Theo đó, nông dân chủ yếu chuyển sang trồng đậu xanh và một số cây trồng khác có giá trị kinh tế như bắp, mía, dưa hấu và rau quả các loại, tập trung tại các xã Phước Ninh, Phước Hà, Nhị Hà và Phước Nam… Thủy sản là một trong những thế mạnh của huyện. Năm 2017, toàn huyện nỗ lực thực hiện đạt tổng sản lượng thủy sản trên 50.370 tấn; trong đó chủ yếu là sản lượng đánh bắt với trên 45.080 tấn, còn lại là sản lượng nuôi trồng thủy sản 5.290 tấn... Có mặt tại 2 xã vùng biển là Cà Ná và Phước Diêm vào sáng Mùng 4 Tết, hầu hết tàu thuyền công suất lớn đang chuẩn bị các điều kiện để “xuất hành” ra khơi đánh bắt vào Mùng 6 Tết. Riêng ngư dân làm nghề câu lại rất phấn khởi bởi “được lộc” vào đầu xuân mới với nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao như cá gáy, cá mú đỏ, mú đen, bóp... có giá bán từ 120.000 - 400.000 đồng/kg tùy loại cá, mang lại thu nhập đáng kể cho ngư dân. Ông Phan Thanh Trung, chủ tàu cá công suất 500 CV (thôn Lạc Sơn 1, xã Cà Ná) cho biết: Những ngày gần đây, thời tiết tốt, biển êm nên có thể ra khơi để đánh bắt hải sản được nhiều hơn, các đàn cá nổi như cá cơm, cá nục, mực và cá ngừ đã bắt đầu xuất hiện với số lượng lớn... Hy vọng đây là "điềm" báo hiệu cho một năm làm ăn thuận lợi cho ngư dân.