Sáng mùng 3 Tết (ngày 30-1), tại làng nghề gốm Bàu Trúc, có rất đông du khách đến tham quan, mua sắm. Anh Hoàng Đình Kê, ở Bà Rịa – Vũng Tàu chia sẻ: Đã nghe tới làng nghề Dệt Mỹ Nghiệp từ lâu nhưng chưa có dịp ghé thăm. Nhìn các sản phẩm ở đây tôi rất thích, sản phẩm đẹp, nhiều mẫu mã, giá cả phải chăng. Tôi thật sự ấn tượng với các sản phẩm gốm và thổ cẩm độc đáo mang đậm nét văn hóa của đồng bào Chăm nơi đây. Nếu có dịp tôi nhất định sẽ quay lại đây lần nữa.
Du khách tham quan và mua sản phẩm gốm Bàu Trúc.
Tại làng dệt Mỹ Nghiệp, du khách tỏ ra rất thích thú khi tận mắt chứng kiến những nghệ nhân dệt vải bằng đôi bàn tay khéo léo của mình. Chị Nguyễn Trần Phương Chi, ở quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Lần đầu tiên theo chân nhóm bạn về quê, em được nghe rất nhiều và cũng đã đọc rất nhiều về Ninh Thuận trên mạng. Nhưng được tận mắt nhìn những đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân làm ra sản phẩm vải thủ công, em thấy rất ấn tượng.
Du khách thích thú xem các sản phẩm tại làng dệt Mỹ Nghiệp.
Ông Phú Hữu Minh Thuần, Giám đốc Hợp tác xã Gốm Bàu Trúc cho biết: Sau khi mở cửa đón khách từ ngày mùng 2 tết, lượng khách du lịch đến tham quan và mua sắm rất đông. Chủ yếu là khách từ TP. Hồ Chí Minh, có một số khách của Nhật Bản rất thích thú với các sản phẩm gốm Chăm. Hợp tác xã cũng tổ chức biểu diễn nhạc cụ truyền thống của người Chăm khi có khách yêu cầu và chuẩn bị sẵn nguyên vật liệu cho du khách tham gia thử làm gốm…
Ngoài 2 làng nghề, tại trang trại nho Ba Mọi, xã Phước Thuận, ngay từ sáng sớm cũng có rất nhiều đoàn du khách đến tham quan. Mỗi ngày trang trại đón gần 1.000 lượt khách đến tìm hiểu quy trình canh tác và thưởng thức các sản phẩm chế biến từ nho. Để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách, trang trại đã sắp xếp, bố trí thêm nhân viên hướng dẫn để khách có những trải nghiệm thú vị tại vườn nho.
Trần Phương – Kim Thanh