Tôi đã đọc những tác phẩm của anh Văn Công An được xuất bản trong những năm gần đây như H.50 ngày ấy, H.50 theo dòng trường ca, Hàm Liêm ngày ấy- bây giờ. Đến tiểu thuyết Dòng đời đong đưa, tôi lấy làm bất ngờ trước sự đầy đặn của tác phẩm, một sự đầy đặn đến tận cùng về nghệ thuật và tư tưởng. Tác giả đã dồn nén kịch tính của tác phẩm theo bước chân “đong đưa” giữa dòng đời lưu lạc của nhân vật Tiến. Người đọc bị cuốn hút bởi cách dẫn truyện mạch lạc, miêu tả khúc chiết về tính cách, thân phận của Tiến. Một cậu học trò lớp đệ ngũ vừa tròn mười sáu tuổi, gốc gác nông dân nghèo ở làng quê ven đô thành Phan Thiết. Tiến ngoan hiền, học giỏi, đẹp trai được thầy cô giáo và bạn bè rất mực yêu quý. Anh lớn lên giữa vùng đất dày đặc bóng áo lính “quốc gia”. Đôi mắt có hàng lông mi cong như mắt con gái của Tiến sưng húp vì “phát tát” bằng còng số 8 của tên lính nghi Tiến cùng nhóm bạn làm liên lạc cho Việt Cộng.
Bìa tập 1 của tiểu thuyết Dòng đời đong đưa, tác giả Văn Công An.
Để có tiền vừa nuôi thân ăn học vừa giúp cho người mẹ nghèo bệnh tật chạy chữa thuốc thang, Tiến được Tùng giới thiệu làm gia sư cho cô học trò lớp đệ lục tên Mỹ. Tại đây, anh bị “cuốn hút” vào hoạt động của những người làm cơ sở cách mạng giữa nội thành Phan Thiết. Cơ sở bị lộ, bị địch vây ráp, Tiến đã thoát thân khỏi nhà Mỹ và bước vào hành trình lưu lạc về phương Nam. Để tránh sự bắt bớ từ phía quốc gia, Tiến đành lặng lẽ ra đi không một lời từ biệt với người cha già ốm yếu, người mẹ bệnh tật triền miên, người chị gái thân yêu. Anh nuối tiếc bỏ lại bạn bè nơi ruộng đồng, bỏ lại bạn học thương quý dưới mái trường bán công Phan Chu Trinh và cô học trò tên Mỹ. Trên chuyến xe đò Lưu Văn, Tiến bắt đầu cuộc đi không hẹn điểm đến, đi để bảo toàn, đi để thử vào đời. Với thái độ sống chân thành sẵn lòng quên mình vì người khác, với kiến thức học vấn đệ ngũ, Tiến đã được những người lao động nghèo miền Nam đùm bọc, yêu thương.
Từ người phụ nữ tên Thủy giàu lòng thương người đã cho Tiến tá túc trong những ngày đầu dừng chân trên vùng đất đỏ bazan tỉnh Long Khánh. Đến mẹ con người bán mì gõ ở bến xe thành phố Biên Hòa tuy nghèo nhưng nhân hậu đã cưu mang Tiến và giới thiệu anh làm gia sư luyện thi lớp nhất cho con trai ông bà Bảy. Với bản tính hiền lương, kiến thức vững chắc, Tiến đã dốc lòng ôn luyện cho cậu con trai cưng của ông bà Bảy thi đậu tiểu học. Đồng thời, anh mở lớp nhận dạy kèm cho ba đứa trẻ quanh xóm nhà ông bà Bảy. Trong số đó có cô bé Kim Trinh mến Tiến nên xin phép mẹ mời anh đến nhà thăm chơi và có ý định mời thầy về làm gia sư. Trong ngôi biệt thự sang trọng của người sĩ quan cảnh sát, Tiến tình cờ nhìn thấy cảnh bà Ngọc, mẹ Kim Trinh, “cắm sừng” cùng người đàn ông không phải là ba của cô học trò nhỏ dễ mến. Thế rồi như “định mệnh” giữa dòng đời đong đưa, chính Tiến cũng bị bà Ngọc dùng “ma thuật” biến anh thành thú vui của người đàn bà đang độ khát tình.
Để tránh hiểm nguy sau lần “đụng độ” thân xác với bà Ngọc, Tiến đón xe Phi Mã đến với thành phố hoa lệ Sài Gòn. Bước chân của anh học trò lớp đệ ngũ gốc gác ruộng đồng lần đầu tận mắt nhìn thấy chiếc xích lô máy như đầu con trâu mộng đực chiến. Tiến gặp người lái xích lô máy tên Đức giàu lòng hiệp nghĩa đưa anh về nhà tá túc qua đêm bên bờ sông Sài Gòn. Ông Đức đã từng cưu mang nhiều đứa trẻ lang thang tìm được việc làm bảo đảm cuộc sống lương thiện giữa thành phố tráng lệ nhiều cạm bẫy. Ông Đức nhờ ông Nghĩa mai mối cho Tiến xin làm tại Công ty chuyên chở ô tô buýt nhưng việc bất thành do anh chưa đủ mười tám tuổi. Tiến gia nhập vào nhóm trẻ đường phố bán báo, đánh giày. Mỗi đứa một hoàn cảnh, một thân phận bọt bèo, nghiệt ngã. Thằng Tèo biệt danh “Họa Mi” may mắn sống sót sau trận bom càn cướp đi sinh mạng ba mẹ và người chị gái thân yêu. Trong nhóm trẻ bán báo đường phố có người âm thầm hoạt động cách mạng phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Nhóm trẻ được ông bà Hiếu cưu mang cho ngủ trong ngôi nhà ẩm thấp chật hẹp mà ấm áp rộng mở tình yêu thương con người. Tiến được vợ chồng ông Hiếu chăm sóc tận tình giúp anh vượt qua cơn bạo bệnh trên bước đường lưu lạc. Tiến sẽ đi đâu, về đâu gặp điều gì bất trắc đến với anh sẽ được tác giả “giải mã” trong những tập tiếp theo của tiểu thuyết Dòng đời đong đưa.
Đọc Dòng đời đong đưa, ta như chạm tay vào những con người rất thực giữa cuộc đời đầy biến động của xã hội miền Nam trước 1975. Với cách thể hiện từng trải và chiêm nghiệm, tác giả đã tinh tế dẫn dắt người đọc đi từ hiện thực cuộc sống đến thế giới nội tâm nhân vật tạo nên sự hấp dẫn của tác phẩm. Như lời giới thiệu của Nhà xuất bản Hội Nhà văn:” Đây là một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn, cảm động, tính thuyết phục đầy đặn. Và, với một bố cục chặt chẽ, xuyên suốt, một phương pháp diễn tiến mang tâm trạng, hồn vía khác lạ. Tiểu thuyết chỉ với hơn 100 trang, tuy mỏng nhưng dày nặng về nội dung tư tưởng. Các tuyến nhân vật tự thốt, mỗi người một vẻ, tạo thành dòng chảy, mạch ngầm của tư duy hình tượng nghệ thuật. Văn Công An, bước đầu, có thể thành công ở thể loại tiểu thuyết. Một thể loại đòi hỏi, rất cần ở người viết tìm ra cho mình lối riêng. “Dòng đời đong đưa” đạt tới những gì có trong tập sách sẽ được độc giả mến mộ”.
Thái Sơn Ngọc