Năm 2016 là năm thành công lớn của ngành Nông nghiệp khi có nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực này. Ngoài Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đông Nam là “bạn đồng hành” của nông dân lâu nay, mới đây có thêm Công ty Nông Hưng Phát ở Bình Thuận cũng đã đến tỉnh ta hợp tác làm ăn lâu dài. Huyện Thuận Bắc là một trong những địa phương có động thái tích cực khuyến khích DN tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp như: Triển khai bản đồ nông hóa thổ nhưỡng, phân tích mức độ thích nghi đất đai và quy hoạch hệ thống cây trồng đến năm 2020 của các xã... Hiện tại, trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng chuyên canh cây trồng với diện tích khá lớn, hấp dẫn nhà đầu tư. Cụ thể, vùng trồng lúa 3 vụ/năm quy mô 1.500 ha, vùng trồng bắp chủ động nước 950 ha, vùng trồng cỏ 600 ha phục vụ phát triển chăn nuôi ở các xã Bắc Phong, Lợi Hải, Bắc Sơn và Công Hải.
Giống lúa Chế biến 3988 của Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố được đưa vào sản xuất trên diện rộng. Ảnh: V.M
Từ chú trọng tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách, các nhà đầu tư vào sản xuất nông nghiệp đến với Thuận Bắc ngày càng nhiều. Chỉ tính trong năm 2016, các DN đã ký 6 hợp đồng có nội dung về cung cấp giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, tạo cơ hội lớn cho nông dân mở rộng sản xuất. Tiêu biểu như Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố ký kết với đại diện các tổ hợp tác sản xuất bắp và cung ứng giống, tổ chức tập huấn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm; Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đông Nam ký kết với nông dân xã Công Hải sản xuất lúa giống. Đồng chí Nguyễn Châu Cảnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Bằng hình thức DN cung cấp giống, phân bón, bao tiêu sản phẩm cho nông dân canh tác đã nâng cao hiệu quả kinh tế lên 30% so với sản xuất nhỏ lẻ trước đây.
Các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn… cũng đẩy mạnh hoạt động liên kết sản xuất, mở hướng phát triển mạnh cho ngành Nông nghiệp. Năm 2016, thông qua hoạt động liên kết, DN thu mua của nông dân trên toàn tỉnh 10.800 tấn lúa giống, 5.600 tấn bắp, 152 tấn mè, 1.025 tấn đậu xanh và hàng ngàn tấn mía, mỳ, rau quả các loại. Cũng từ hoạt động liên kết, nông dân đã thay đổi hình thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, mang tính tự cung, tự cấp sang tập trung hàng hóa. Ông Vũ Xuân Long, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố cho rằng, không có DN nào lại đi liên kết với nông dân chỉ để trồng vài ba sào bắp, đậu, vì diện tích sản xuất nhỏ không thể áp dụng khoa học-công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra chuỗi giá trị bền vững. Với quan điểm đó, phương châm hoạt động của công ty là hướng đến liên kết với nông sản xuất trên quy mô lớn. Chỉ riêng lĩnh vực bắp giống, mỗi vụ công ty hợp đồng với nông dân sản xuất khoảng 500 ha.
Nông dân thôn Phước An (xã Phước Vinh, Ninh Phước) chăm sóc cây bắp.Ảnh: V.M
Có thể nói, yếu tố tích cực của hoạt động liên kết là làm thay đổi hình thức tổ chức sản xuất, thúc đẩy nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững. Do mỗi cá nhân không thể liên kết với DN, mà phải thông qua các tổ hợp tác, HTX, từ đó thiết lập nên mối quan hệ chặt chẽ đảm bảo mục tiêu chung là tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm theo chiều tăng dần. HTX Dịch vụ Nông nghiệp Trường Thọ (xã Phước Hậu, Ninh Phước) là ví dụ điển hình về chuỗi liên kết sản xuất lúa giống, từ việc cung ứng giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, đến bao tiêu sản phẩm, giúp nông dân làm giàu trên chính đồng đất của mình. Ông Nguyễn Thành Anh, Giám đốc HTX, nhìn nhận: Đây là mô hình kinh tế tập thể hình thành một cách tự nhiên, nếu các hộ “quay lưng” với HTX thì việc sản xuất của họ sẽ rất khó khăn về giống và “đầu ra” sản phẩm. Do đó, liên kết sản xuất nông nghiệp là quy luật tất yếu, trong bối cảnh hội nhập quốc tế lĩnh vực nông nghiệp, nông dân muốn tồn tại, phát triển chỉ có con đường duy nhất là liên kết với DN.
Năm 2017, ngành Nông nghiệp tập trung thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành. Để hướng tới mục tiêu tái nâng cao giá trị gia tăng, thông điệp đầu năm của đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh gửi đến các địa phương trên toàn tỉnh là chú trọng liên kết trong sản xuất nông nghiệp, nhất là liên kết ở những vùng chuyển đổi cây trồng cạn để đảm bảo đầu ra ổn định cho bà con nông dân.
Anh Tùng