Hơn 3.000 giáo viên cốt cán được tập huấn ra đề kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm
Báo cáo của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết, đối với giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 5878/BGDĐT-GDTrH ngày 29/11/2016 về việc hướng dẫn kiểm tra và sơ kết học kỳ năm học 2016-2017.
Trong đó, nhấn mạnh việc tuân thủ xây dựng ma trận đề kiểm tra một tiết và kiểm tra cuối học kỳ, đảm bảo kết hợp một cách hợp lý giữa hình thức tự luận và trắc nghiệm khách quan gồm các câu hỏi, bài tập theo 4 mức độ yêu cầu: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao (không được áp dụng hoàn toàn hình thức trắc nghiệm khách quan đối với các bài kiểm tra một tiết và kiểm tra học kỳ).
Ngày 30/12/2016, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn số 6386/BGDĐT-GDTrH về việc ra đề và tổ chức kiểm tra đánh giá trong quá trình dạy học.
Đề nghị các sở giáo dục và đào tạo, các trường THPT trực thuộc tăng cường chỉ đạo, quản lý hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá thường xuyên và học kỳ theo đúng các quy định của Bộ; rà soát, đánh giá toàn bộ hoạt động ra đề, tổ chức kiểm tra, đánh giá trong thời gian vừa qua và xử lý nghiêm khắc, dứt điểm những sai phạm (nếu có); nghiêm cấm việc ra đề và tổ chức kiểm tra, đánh giá sai quy định, vượt quá yêu cầu của chương trình.
Cùng với đó, Bộ GD&ĐT đã tã tổ chức tập huấn cho hơn 3.000 giáo viên cốt cán của các Sở Giáo dục và Đào tạo và 10 trường ĐHSP về hướng dẫn việc xây dựng ma trận, ra đề kiểm tra, đánh giá theo hình thức trắc nghiệm khách quan, phù hợp theo quy trình ra đề chuẩn hóa và đang tiếp tục hỗ trợ việc tập huấn của các địa phương thông qua trang mạng “Trường học kết nối”.
Đã có 2.885 học viên tham gia các bài học trực tuyến trên mạng; số học viên hoàn thành 100% số bài học là 684. Danh sách cụ thể từng học viên, bao gồm họ và tên, địa chỉ, số bài đã tham gia và tỷ lệ % hoàn thành bài học, sản phẩm học tập đã nộp trên mạng được công bố công khai trên trang chủ của "Trường học kết nối" để lãnh đạo các sở giáo dục và đào tạo có thể theo dõi, giám sát.
Nhiều Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn nghiêm túc cho các cơ sở giáo dục trung học và giáo viên thực hiện việc ra đề kiểm tra, đánh giá theo quy trình ra đề chuẩn hóa đúng hướng dẫn của Bộ.
Công tác kiểm tra cũng được nhằm điều chỉnh những sai sót, lệch lạc; biến quá trình kiểm tra thành quá trình tự kiểm tra, tự đánh giá của giáo viên trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy của mình.
Lưu ý đối với giáo dục thường xuyên
Đối với giáo dục thường xuyên, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 4309/BGDĐT-GDTX ngày 1/9/2016 về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2016 - 2017, chỉ đạo các địa phương về hướng dẫn dạy học, kiểm tra đánh giá và ôn tập thi THPT quốc gia như sau:
Giao cho Giám đốc TTGDTX chủ động xây dựng kế hoạch dạy học chi tiết đối với chương trình GDTX cấp THCS và cấp THPT một cách linh hoạt phù hợp với mục tiêu và khung thời gian của chương trình (Công văn số 5842/BGDĐT-VP ngày 1/9/2011 của Bộ về hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học và điều kiện thực tế của mỗi trung tâm).
Chỉ đạo các địa phương ngay từ đầu năm học phân loại trình độ học viên để xây dựng kế hoạch tổ chức, hướng dẫn ôn tập cho những học viên có học lực yếu, kém nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học, khuyến khích sử dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực nhằm tập hứng thú và động cơ học tập cho học viên GDTX.
Tiếp tục đổi mới kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người học; coi trọng đánh giá sự tiến bộ của học viên.
Kết hợp một cách hợp lý giữa hình thức trắc nghiệm tự luận với trắc nghiệm khách quan, giữa kiểm tra lý thuyết và kiểm tra thực hành trong các bài kiểm tra; chỉ đạo việc ra câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn đúng thay vì chỉ có câu hỏi 1 lựa chọn đúng; xây dựng ma trận đề kiểm tra một tiết và kiểm tra cuối học kỳ, đảm bảo kết hợp một cách hợp lý giữa hình thức tự luận và trắc nghiệm khách quan gồm các câu hỏi, bài tập theo 4 mức độ yêu cầu: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Đa dạng các hình thức kiểm tra, đánh giá; kết hợp đánh giá cho điểm với đánh giá bằng nhận xét, kết hợp đánh giá thường xuyên, định kỳ với đánh giá tổng kết cuối kỳ, cuối năm học một cách linh hoạt, phù hợp với đối tượng học viên GDTX của từng địa phương.
Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại