Theo đồng chí Vũ Minh Tuyên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong hơn 5 năm qua, tỉnh ta đã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; đào tạo nghề cho lao động, nhất là lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm đã đạt được những kết quả bước đầu, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng theo từng năm, đến cuối năm 2015 chiếm 50,4% (vượt 0,4%), trong đó đào tạo nghề chiếm 33,5% (vượt 0,5% so với chỉ tiêu đề ra); tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp giảm từ 53% năm 2010 xuống còn 45,6% năm 2015 (giảm 7,4%), góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; công tác đào tạo cán bộ có trình độ thạc sĩ trở lên đạt và vượt chỉ tiêu (đào tạo 339 cán bộ, vượt 13%); công tác phổ cập giáo dục tiếp tục được củng cố và duy trì.
Học sinh Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn trao đổi bài trước giờ học. Ảnh: V.M
Từ năm 2011 đến nay, quy mô học sinh các cấp học được duy trì; chất lượng giáo dục từng bước được nâng cao, đặc biệt là giáo dục miền núi được chú trọng, tình trạng học sinh bỏ học ở các cấp học giảm, tỷ lệ học sinh khá, giỏi được tăng lên. So với năm học 2011-2012, năm học 2015-2016 ở bậc THCS đạt 55,2%, tăng 30,6%; THPT đạt 42,32%, tăng 18,32%. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tăng cả về số lượng và chất lượng. Cơ sở vật chất trường lớp của các cấp học được quan tâm đầu tư theo hướng kiên cố hóa và đạt chuẩn quốc gia, từ năm 2011-2015, đã đầu tư xây mới 12 trường phổ thông, nâng tổng số trường phổ thông trong toàn tỉnh lên 235 trường, tăng 15 trường so với năm 2010; xây dựng, nâng cấp, sửa chữa 1.363 phòng học, 62 nhà công vụ cho giáo viên và học viên. Toàn tỉnh có 30,2% trường phổ thông, 10,1% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia; 54,8% số học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Đến nay, tất cả các cụm dân cư đều có trường tiểu học hoặc điểm trường, 90,76% xã, phường có trường THCS, 7/7 huyện, thành phố có trường THPT. Mạng lưới cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh được phát triển (gồm Phân hiệu Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận, Viện Đào tạo và Khoa học ứng dụng miền Trung, Trung cấp Y tế, Trung cấp Việt Thuận, Phân Hiệu Trường Trung cấp Y Dược Hà Nam tại Ninh Thuận, Trung cấp Kinh tế-Kỹ thuật Tân Bách Khoa) nhằm đáp ứng việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Đối với lĩnh vực đào tạo nghề, trong giai đoạn 2011-2015, tổng số lao động qua đào tạo nghề 43.617 người (khoảng 60-70% lao động có việc làm sau khi học nghề), trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp gắn với xuất khẩu lao động 4.851 người, chiếm 11,12%; dạy nghề ngắn hạn và trình độ sơ cấp nghề cho 38.766 người, chiếm 88,88%. Một số mô hình dạy nghề phi nông nghiệp có hiệu quả như: Nghề chế biến và bảo quản thủy sản, may công nghiệp, sản xuất gốm và dệt thổ cẩm, đan mây tre (xã Phước Chiến, Thuận Bắc; xã Phước Thành, Bác Ái), thêu tay (phường Kinh Dinh, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), đính kết cườm (xã Nhị Hà, Thuận Nam)... Tuy nhiên, các nhóm lao động qua đào tạo nghề của 6 nhóm ngành kinh tế trụ cột 17.723 người, chỉ đạt 13,7% so với chỉ tiêu đề ra. Mạng lưới dạy nghề tiếp tục được mở rộng theo hướng xã hội hóa, toàn tỉnh hiện có 20 cơ sở dạy nghề, trong đó có 13 cơ sở công lập và 7 cơ sở dạy nghề ngoài công lập. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở dạy nghề tiếp tục được quan tâm đầu tư nâng cấp.
Một trong những yếu tố góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đó là UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức giai đoạn 2011-2015; Đề án Đào tạo sau đại học ở nước ngoài giai đoạn 2010-2015; Đề án Đào tạo ngoại ngữ cho cán bộ, công chức. Tính đến nay, đã có 12 trường hợp được chọn được đào tạo ngoại ngữ trong nước và đang tiếp tục đào tạo sau đại học ở nước ngoài theo trình độ Thạc sĩ-chuyên ngành Luật, Quản lý Tài chính công; có 39 cán bộ, công chức đi bồi dưỡng ngắn hạn, dài hạn ở nước ngoài về quản lý nguồn năng lượng, quản lý kinh tế, quản lý-bảo vệ môi trường, nâng cao trình độ ngoại ngữ; có trên 58,5% lượt cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị các cấp được cử đi đào tạo, bồi dưỡng, trong đó cấp xã có 21,6% lượt người...
Công tác tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức được quan tâm, chú trọng. Từ năm 2011 đến nay, đã tuyển dụng được 225 trường hợp tốt nghiệp đại học (trong đó có 4 trình độ Thạc sĩ), tuyển dụng mới 708 viên chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, công vụ của các cơ quan, đơn vị. Công tác quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo được tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo theo quy định. Về chính sách thu hút nguồn nhân lực có chất lượng, đã xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Đào tạo và hỗ trợ các thí sinh trúng tuyển Đại học Y, Dược, diện đào tạo hệ chính quy theo địa chỉ sử dụng giai đoạn 2009-2020; Đề án Chế độ khuyến khích cán bộ y tế tỉnh giai đoạn đến năm 2015 (từ năm 2011-2015, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí đào tạo cho 89 bác sỹ, dược sỹ; thu hút 75 cán bộ y tế gồm: 1 Tiến sĩ, 1 Thạc sĩ bác sĩ, 3 Bác sĩ CKI, 63 Bác sĩ, 2 Kỹ thuật viên cao cấp, 6 Cử nhân Điều dưỡng).
Đồng chí Vũ Minh Tuyên cho biết thêm: Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong 4 khâu đột phá nhằm phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Để thực hiện có hiệu quả và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài; đào tạo người lao động có trình độ kỹ thuật cao, có kỹ năng nghề nghiệp theo yêu cầu; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để dự báo, theo dõi, đánh giá, phát triển nguồn nhân lực, định hướng và hoạch định chính sách nhân lực của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Thế Quang