Sau 3 năm triển khai dự án đã mở rộng quy mô trồng ớt ban đầu từ 0,6 ha với 2 hộ dân tham gia cho đến tháng 1 năm 2017 diện tích đã tăng lên 12 ha với 43 hộ dân tham gia. Tập đoàn CJ chịu trách nhiệm cung cấp giống ớt, chuyển giao công nghệ, đồng thời cam kết thu mua 100% sản lượng ớt thu hoạch theo giá đã thỏa thuận với nông dân. Giống ớt Hàn Quốc từ lúc trồng đến tháng thứ tư thì bắt đầu thu hoạch. Sau khi thu hoạch ớt khoảng thời gian để tái tạo đất, người dân có thể trồng các loại cây trồng khác như đậu, cà chua. Ớt là loại cây trồng không chỉ cho thu hoạch mà cải tạo thành phần của đất rất tốt. Năm 2016, sản lượng ớt cho thu hoạch bình quân đạt 2 tấn/sào, sau khi trừ chi phí người trồng ớt lãi từ 10 triệu đến 11 triệu đồng/sào. Nhờ trồng ớt nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, đảm bảo được sinh kế lâu dài. Ông Phan Văn Minh, gười dân tham gia dự án trồng ớt chia sẻ: “Tôi là người nông dân, luôn mong mỏi sản phẩm làm ra đạt chất lượng, có đầu ra ổn định. Người nông dân có lãi họ sẽ gắn bó với đồng ruộng của mình, có thêm thu nhập cho gia đình để nâng cao mức sống”.
Giống ớt Hàn Quốc sinh trưởng và phát triển tốt tại thôn Tầm Ngân 2
Cán bộ hỗ trợ kỹ thuật của dự án hướng dẫn bà con nông dân kỹ thuật trồng ớt
Để có được kết quả sản xuất cao, Ban điều phối dự án đã cử các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật từ Hàn Quốc đến thôn Tầm Ngân “cầm tay, chỉ việc” hướng dẫn bà con nông dân kỹ thuật trồng ớt, làm đất, bón phân, xịt thuốc. Hướng dẫn lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm. Các kỹ sư nông nghiệp thường xuyên kiểm tra tình hình sản xuất, sâu bệnh để hỗ trợ kịp thời cho người dân. Ông Long Thiên Trường, cán bộ hỗ trợ kỹ thuật dự án cho biết: “Quy trình đưa ra bà con luôn tuân thủ làm theo, một vài hộ có thể làm chậm nhưng luôn đảm bảo yêu cầu của dự án, nhìn chung bà con làm rất tốt”
Bên cạnh việc hướng dẫn kỹ thuật trồng ớt, Ban điều phối dự án hỗ trợ hợp tác xã thành lập ngân hàng nông cụ, mua sắm các loại máy cày, máy xới, máy rửa, máy sấy để cho xã viên thuê; sử dụng nguồn lợi nhuận từ việc cho thuê máy để xoay vòng nguồn vốn hỗ trợ nông dân. Đồng thời kinh doanh và cung cấp vật tư nông nghiệp cho xã viên với giá thấp hơn giá thị trường. Bên cạnh đó, hợp tác xã còn cho xã viên vay 2 triệu đồng/sào với lãi suất thấp để dùng vào những lúc khẩn cấp trong cuộc sống, đầu tư mở rộng sản xuất. Sau khi bán sản phẩm sẽ thanh toán các khoản vay cho hợp tác xã. Ông Dà Droách Ha Khiết, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ Tầm Ngân cho biết: “Trong thời gian tới, Hợp tác xã sẽ xây xưởng chế biến để sản xuất ớt được thuận lợi hơn, vận động bà con trong thôn tham gia dự án vì đây cũng là lợi ích của người dân. Mong muốn chính quyền địa phương vận động người dân trồng ớt để họ thoát nghèo”.
Mô hình Hợp tác xã trồng ớt ở thôn Tầm Ngân 2 thành công, tỉnh ta sẽ nghiên cứu nhân rộng sang các các huyện khác. Dự kiến trong năm 2017, tập đoàn CJ sẽ xây dựng nhà máy chế biến, đóng gói các sản phẩm, một phần dùng để sản xuất kim chi tại Việt Nam, số còn lại xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Hữu Phương