Sản xuất lúa ở thôn Như Bình được đánh giá là khá “chuyên nghiệp” khi nông dân địa phương đã thực hiện cơ giới hóa trong khâu làm đất và áp dụng quy trình “1 phải, 5 giảm” trên đồng ruộng của mình. Đây là điều kiện thuận lợi để địa phương triển khai các nhóm sở thích (NST) trồng lúa nhằm mục tiêu thí điểm các mô hình giống lúa mới, nâng cao năng suất và giá trị kinh tế hơn nữa cho người nông dân.
Thành viên NST trồng lúa thôn Như Bình kiểm tra máy sạ hàng do Dự án HTTN cấp,
chuẩn bị xuống giống vụ Động xuân.
Do đó, trong năm 2015, Ban Phát triển xã đã thành lập 1 NST trồng lúa ở thôn Như Bình với 12 hộ tham gia trên diện tích 4,2 ha; hộ nghèo và cận nghèo chiếm 60%. Để nông dân phát triển sản xuất lúa theo hướng nâng cao năng suất, Ban Phát triển xã đã tăng cường tập huấn lại kỹ thuật canh tác “1 phải, 5 giảm”, hỗ trợ 2 máy sạ hàng, 3 bình xịt thuốc ắc-quy, đồng thời lưu ý nông dân chú trọng dùng phân hữu cơ bón cho lúa, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để nâng cao chất lượng hạt gạo, đồng thời hướng dẫn nông dân phương pháp sạ hàng đúng kỹ thuật. Ông Bá Khánh, Trưởng NST trồng lúa thôn Như Bình cho biết: Những năm qua, nhờ hưởng lợi từ chương trình Tam nông, nghề trồng lúa của nông dân thôn Như Bình đã phát triển hơn. Đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo tham gia vào NST được tập huấn kỹ thuật trồng lúa “1 phải, 5 giảm”; liên kết với Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Như Bình cung ứng giống, phân, thuốc và bao tiêu vụ đầu tiên là đông-xuân 2016. Đến khi dự án giải ngân tiền hỗ trợ nhóm là 84,8 triệu đồng thì các hộ mới họp lại, chia tiền giống và vật tư theo đầu diện tích rồi trả cho hợp tác xã. Vụ đông-xuân đó, nhờ có nguồn nước ổn định nên nông dân thôn Như Bình thu hoạch khá đạt; riêng các hộ trong NST năng suất bình quân 7,5 tạ/sào, cá biệt nhiều hộ tới 9 tạ/sào như Vạn Rừng, Đổng Thị Mai…
Để củng cố và phát huy hiệu quả mô hình NST liên kết các nông hộ trồng lúa trên cơ sở tiền đề có được từ Dự án HTTN mang lại, ông Khánh cho biết thêm về nguyện vọng của bà con trong nhóm là thực hiện các mô hình trồng lúa giống vì so về giá trị kinh tế, lúa giống tính ra năng suất hơn lúa thương phẩm và thị trường cần nguồn giống chất lượng lại rộng rãi hơn. NST cũng đang làm đề xuất với Ban Phát triển xã, lựa chọn lại thành viên theo hướng mở rộng số lượng và mở rộng quy mô diện tích tập trung theo cánh đồng lớn để thuận tiện cho việc thí điểm các mô hình sản xuất lúa mới.
Đánh giá tác động và mức độ hiệu quả của việc phát triển chuỗi giá trị cây lúa ở địa phương, ông Lưu Văn An, thành viên Ban Phát triển xã Phước Thái cho biết: Những hỗ trợ bước đầu từ Dự án HTTN đã tạo động lực và là cơ sở để địa phương phát huy thế mạnh về cây lúa. Không chỉ được ưu tiên về kỹ thuật canh tác mới, từ nguồn vốn của dự án đã đầu tư một số công trình hạ tầng sản xuất thiết yếu như nâng cấp, sửa chữa, bê-tông hóa đường nội đồng và xây dựng 4 sân phơi nông sản góp phần giải quyết nhu cầu phơi lúa vào vụ gặt, hạn chế tình trạng phơi tràn lan trên đường giao thông như thời gian qua bà con địa phương vẫn làm. Theo kế hoạch, trong năm 2017, Ban Phát triển xã đã chọn NST của thôn Như Bình để tiến hành trồng thử nghiệm giống lúa mới do Trung tâm Khuyến nông tỉnh cung cấp. Ưu điểm vượt trội của loại giống này là giảm lượng giống gieo sạ, kháng sâu bệnh cao. Bên cạnh đó, Ban Phát triển xã cũng đang tập trung tìm liên kết từ các doanh nghiệp về giống cây trồng để đảm bảo hỗ trợ đầu vào để bà con thực hiện các mô hình trồng lúa chất lượng cao, nâng thu nhập, phát triển kinh tế bền vững.
Diễm My