Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ đã làm thơ và xem thơ ca là một phương tiện tuyên truyền trong Nhân dân, một vũ khí chiến đấu chống kẻ thù. Dựa vào tình hình trong nước, quốc tế, những đường lối, chiến lược, bài thơ chúc Tết mỗi dịp Xuân về của Bác như là lời hiệu triệu, phương châm chiến đấu, lao động, sản xuất cho toàn dân tộc trong từng năm. Năm nay Tết Đinh Dậu, chúng ta đọc lại bài thơ năm Kỷ Dậu 1969 của Bác, đây là bài thơ chúc Tết cuối cùng của Bác.
Bài thơ chúc Tết năm Kỷ Dậu ra đời trong hoàn cảnh Nhân dân tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ chống Mỹ, cứu nước. Sau năm 1968, trên chiến trường miền Nam quân và dân ta đã gặt hái nhiều thắng lợi lớn, nên bước vào năm 1969, Bác tiên đoán:
Năm qua thắng lợi vẻ vang,
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân miền Bắc đã hăng hái lao động sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất để phát triển đất nước và làm hậu phương lớn cho sự nghiệp giải phóng ở miền Nam. Trong khi đó, nhân dân miền Nam tiếp tục chống Mỹ với mong ước giành lại độc lập, thống nhất đất nước:
Vì độc lập, vì tự do,
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.
Ở đây phương châm, mục tiêu lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ mà Bác Hồ lãnh đạo là giành lại độc lập, tự do, thống nhất cho đất nước, dân tộc: “Vì độc lập, vì tự do”; nên đối với kẻ thù, tư tưởng của Bác rất rõ: “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Đánh cho kẻ thù xâm lược Mỹ về nước, chính quyền Sài Gòn sụp đổ. Tư tưởng này là kế thừa tư tưởng hiếu sinh, hòa hiếu của dân tộc ta từ Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi. Còn nhớ, chiến lược “tâm công” Nguyễn Trãi đã thực hiện trong kháng chiến chống Minh, chỉ đánh vào lòng người. Khi quân Minh bại trận, Nguyễn Trãi cũng như Lê Lợi đã chủ trương không giết để trả thù, mà tạo điều kiện cần thiết cho quân Minh rút về nước một cách an toàn và không mất thể diện. Trong thư gửi Vương Thông, Nguyễn Trãi viết: “Cầu đường sửa xong, thuyền xe sắm đủ, hai đường thủy lục, tùy theo ý muốn, đưa quân ra cõi, yên ổn muôn phần”, “Dùng binh cốt lấy bảo toàn cả nước làm trên hết. Để cho bọn Vương Thông trở về nói với vua Minh trả lại đất đai cho ta, đó là điều ta cần không gì hơn thế nữa” (Nguyễn Trãi toàn tập, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1976).
Cuối bài thơ, Bác viết như một lời hiệu triệu, cũng là ao ước cháy bỏng suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác:
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,
Bắc-Nam sum họp, xuân nào vui hơn!
Lời thơ thật giản dị nhưng chứa đựng một chân lý: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, “Bắc-Nam sum họp”. Bước vào năm Đinh Dậu, chúng ta hy vọng và đặt trọn niềm tin năm 2017 sẽ là: “...xuân nào vui hơn!”.
Đình Hy