Huyện miền núi Bác Ái có hơn 26.000 dân, trong đó trên 95% là đồng bào dân tộc Raglai sinh sống. Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp có trên 13.600 ha, nhưng phần lớn là đồi núi, không chủ động nước tưới, nên việc trồng trọt của nông dân gặp không ít khó khăn. Đồng chí Mẫu Thái Phương, Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, cho biết: Để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, năm 2011, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/HU về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Theo đó, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân đổi mới cách làm kinh tế, tích cực chuyển đổi các loại cây trồng truyền thống sang trồng các cây có giá trị kinh tế cao theo hướng mở rộng quy mô sản xuất, giúp nâng cao thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống cho nhân dân địa phương.
Nông dân xã Phước Hòa tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại nguồn thu nhập ổn định.
Từ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, nhiều vùng đất hoang hóa, cằn cỗi trước đây nay đã trở nên trù phú, tạo nên những cánh đồng sản xuất ổn định. Đơn cử như xã Phước Hòa, nhận thấy cây mỳ phù hợp với đồng đất địa phương, những năm gần đây, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng mỳ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Chamaléa Xuân, thôn Chà Panh, chia sẻ: Trước đây, với 1,8 ha đất, chỉ quen trồng lúa và bắp địa phương, mang lại hiệu quả thấp, có nhiều vụ phải ngừng sản xuất. Được cán bộ xã vận động, gia đình cải tạo đất, chuyển qua trồng mỳ gần 2 năm nay, sau mỗi vụ thu hoạch đều cho năng suất khá, gia đình có thu nhập ổn định hơn. Anh Hán Công Tâm, cán bộ nông nghiệp xã Phước Hòa, nhìn nhận: Mặc dù, có thời điểm giá cây mỳ còn bấp bênh, nhưng đây là cây trồng có vốn đầu tư vừa tầm với bà con, dễ chăm sóc…, nên có rất nhiều hộ tham gia trồng mỗi vụ đạt trên 120 ha. Ban đầu, khi mới phát triển, cây mỳ chỉ cho năng suất từ 18-20 tấn/ha, nay sản lượng bình quân mỗi vụ đạt gần 25 tấn/ha, với các loại giống cao sản như KM 228, KM 419, KM 140…
Không chỉ thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Bác Ái còn tranh thủ có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình như: 135, 167, 30a… Qua đó, không chỉ giúp người dân tiếp cận được các phương thức sản xuất mới, giảm đáng kể chi phí đầu tư, mà con làm thay đổi tập quán canh tác manh mún, nhỏ lẻ, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung theo hướng bền vững. Đến nay, ngoài diện tích hơn 1.300 ha lúa ở những vùng hưởng lợi từ công trình thủy lợi hồ Sông Sắt, Trà Co, Phước Trung, địa phương đã chuyển đổi, mở rộng vùng trồng bắp lên 3.285 ha, mía 300 ha, mỳ 761 ha, đậu các loại trên 1.000 ha… tập trung chủ yếu ở các vùng đất phù sa ven sông, thung lũng. Chỉ tính riêng trong năm 2016, dù thời tiết nắng hạn kéo dài nhưng nông dân địa phương vẫn gieo trồng được 9.707 ha, tổng sản lượng lương thực đạt trên 10.691 tấn, đạt 59% so với kế hoạch.
Đồng chí Mẫu Thái Phương cho biết thêm: Thời gian tới, huyện xác định tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp theo quy hoạch từng vùng, nhân rộng các mô hình sản xuất ít sử dụng nước, đẩy mạnh luân canh cây trồng và từng bước hình thành cánh đồng lớn; tăng cường nâng cao kiến thức sản xuất cho nông dân…, phấn đấu trong năm 2017, tổng sản lượng lương thực đạt trên 14.000 tấn.
Hồng Lâm