Để đạt được kết quả trên, huyện Thuận Bắc xác định tập trung mọi nguồn lực và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn do Trung ương và tỉnh hỗ trợ để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, các chương trình trọng điểm như thủy lợi, giao thông, nước sinh hoạt... Ngoài ra, tranh thủ nguồn vốn các Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để ưu tiên đầu tư kênh mương nội đồng, hỗ trợ đất sản xuất, phát triển các mô hình chăn nuôi cho người dân các xã miền núi, thôn đặc biệt khó khăn, nhằm tạo động lực thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững.
Nhờ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình bà Võ Thị Đến (thôn Gò Sạn, xã Bắc Phong)
đã vươn lên thoát nghèo.
Cùng với đầu tư kết cấu hạ tầng, địa phương chú trọng tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng, trên cơ sở ứng dụng khoa học-kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi. Không những vậy, các tổ chức đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên còn duy trì việc nhận ủy thác nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) giúp cho hội viên và hộ nghèo được vay các nguồn vốn để đầu tư vào phát triển sản xuất, kinh doanh, trang trải chi phí học tập cho con em. Chỉ tính riêng năm 2016, doanh số cho vay từ Ngân hàng CSXH đạt trên 39 tỷ đồng. Bà Võ Thị Đến (thôn Gò Sạn, xã Bắc Phong) bộc bạch: Trước đây, gia đình còn nghèo, nhà chỉ có 1,5 sào đất lúa, vợ chồng và các con phải đi làm thuê. Năm 2015, được Ngân hàng CSXH huyện cho vay 30 triệu đồng, mua 3 con bò về nuôi sinh sản, số vốn còn lại đầu tư nuôi heo đen. Nhờ chăm chỉ, chịu khó làm ăn, đến nay gia đình đã thoát được nghèo, phát triển đàn bò được 6 con, thu nhập ổn định.
Đồng chí Lê Vương, Phó trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Thuận Bắc, cho biết: Giải pháp quan trọng giúp địa phương giảm nghèo nhanh và bền vững, đó là tranh thủ các nguồn vốn để hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, kinh doanh; tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, xây dựng các mô hình trồng trọt và chăn nuôi, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho các xã miền núi; kêu gọi các doanh nghiệp tuyển dụng lao động, liên kết đào tạo nghề để người lao động yên tâm làm việc. Riêng trong năm 2016, huyện đã tổ chức cho 400 lao động nông thôn tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn về trồng trọt, chăn nuôi, thú y…; đồng thời tư vấn, giới thiệu việc làm cho 967 lao động làm việc tại các doanh nghiệp và giới thiệu 9 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Ngoài việc hỗ trợ phát triển kinh tế, đào tạo nghề, gắn với giải quyết việc làm, công tác chăm lo nhà ở, sức khỏe cho người dân cũng được huyện quan tâm thực hiện. Trong năm 2016, thông qua các nguồn hỗ trợ, huyện đã hỗ trợ xây mới 102 căn nhà cho hộ nghèo, với kinh phí trên 3,3 tỷ đồng. Cấp 25.828 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Hỗ trợ kinh phí học tập cho 6.633 học sinh nghèo các cấp học, với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng. Hỗ trợ tiền điện cho 3.746 hộ nghèo, với số tiền trên 2 tỷ đồng...
Đồng chí Lê Vương cho biết thêm: Từ kết quả đạt được, trong thời gian tới, huyện Thuận Bắc tiếp tục phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm từ 4-5%. Giải pháp trọng tâm mà huyện đề ra để thực hiện đạt chỉ tiêu trên, đó là: Tập trung thực hiện đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu như giao thông, điện, nước sinh hoạt, cơ sở trường học, trạm y tế. Kịp thời triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với quy hoạch sản xuất. Tiếp tục triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, mô hình liên kết phát triển sản xuất, gắn với tiêu thụ sản phẩm. Tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận các chính sách, nguồn vốn giảm nghèo; đẩy mạnh chính sách dạy nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động... qua đó từng bước cải thiện đời sống Nhân dân.
Tiến Mạnh