Nhìn lại hoạt động khuyến nông năm 2016

(NTO) Vượt qua khó khăn của nắng hạn, kết thúc năm 2016, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt thắng lợi lớn, diện tích, năng suất và sản lượng đều vượt kế hoạch và tăng so với năm 2015. Vụ đông-xuân 2015-2016 đánh dấu hoạt động chuyển đổi cây trồng phát triển mạnh với quy mô 1.377 ha. Sang vụ hè-thu diện tích chuyển đổi có giảm do thiếu nước tưới, nhưng cũng đã thực hiện được 659 ha, nâng diện tích chuyển đổi cả năm đạt 2.036 ha.

Thành công này có sự đóng góp lớn của Trung tâm Khuyến nông tỉnh trong việc tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật, hướng dẫn nông dân phương pháp canh tác các loại cây trồng ứng phó với hạn hán theo kế hoạch của tỉnh. Trong năm, đơn vị đã mở 42 lớp tập huấn biện pháp canh tác cây trồng cạn, với 1.648 lượt nông dân tham gia. Đây là con số lớn nhất kể từ trước đến nay, cách thức tổ chức tập huấn ngay tại đồng ruộng, nông dân được cán bộ hướng dẫn trực tiếp kỹ thuật canh tác cây trồng là cách làm mới, đạt hiệu quả cao. Kết quả trên các vùng chuyển đổi, hộ trồng cây đậu xanh, bắp lai… lợi nhuận cao hơn 1,6 lần so với trồng lúa cùng trên chân ruộng đã tạo niềm tin để nông dân an tâm thực hiện chương trình ở những vụ tiếp theo với quy mô ngày càng lớn.

 
Cán bộ khuyến nông về cơ sở hướng dẫn nông dân chăm sóc cây trồng.

Thêm niềm vui về công tác triển khai các mô hình chuyển giao khoa học-kỹ thuật do đơn vị thực hiện đã làm thay đổi tập quán canh tác lạc hậu của nông dân. Nhờ hướng dẫn kịp thời của cán bộ khuyến nông, lần đầu tiên cây đậu xanh được trồng trên quy mô lớn, năng suất bình quân đạt 1 tấn/ha. Cán bộ khuyến nông tích cực về cơ sở giúp dân với tinh thần trách nhiệm cao, đến từng thôn tuyên truyền để nông dân an tâm chuyển đổi cây trồng cạn. Với phương châm “Sát cánh cùng bà con”, đội ngũ cán bộ khuyến nông đã làm tốt công tác theo dõi, nắm bắt tình hình tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện công tác chuyển đổi cây trồng đảm bảo có hiệu quả.

Hướng tới mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với điều kiện khí hậu khô hạn của tỉnh, với vai trò là đơn vị chuyển giao khoa học-kỹ thuật cho bà con, năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai nhiều mô hình mới, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp. Nhiều giống cây được khảo nghiệm đưa vào sản xuất, góp nên thành công chung của nông nghiệp tỉnh nhà. Ngoài việc phối hợp với các địa phương hướng dẫn chuyển từ cây lúa sang cây trồng tiết kiệm nước, Trung tâm còn xây dựng mô hình trồng mè trong vụ hè-thu 2016, với diện tích 17 ha ở địa bàn các huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Bác Ái, mang lại lợi nhuận cao cho bà con vùng hạn. Đồng chí Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, cho biết: Cùng với cây bắp, đậu xanh thì hiện nay, cây mè cũng đã được đưa vào trồng ở các vùng khô hạn. Qua thực tế sản xuất cho thấy, đây là đối tượng cây trồng mới phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở tỉnh ta. Cây mè sử dụng ít nước, khả năng chống chịu nắng nóng cao, năng suất và lợi nhuận không thua kém các loại cây trồng khác. Những kết quả khả quan bước đầu từ sản xuất mè đã tạo được bước đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng các loại giống cây trồng.

Một năm đi qua với bao khó khăn, thách thức, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã làm tròn trách nhiệm, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương của tỉnh về ứng phó hạn hán gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Bước sang năm mới 2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập trung triển khai các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao. Trước mắt, trong vụ đông-xuân này, đơn vị chủ trì phối hợp với các ngành chức năng, địa phương rà soát, tổng hợp diện tích, đối tượng cây trồng chuyển đổi phù hợp với nguồn nước, đặc điểm sinh thái từng vùng. Hiện nay, đơn vị đã cử cán bộ bám sát địa bàn tổ chức tập huấn, hướng dẫn phương pháp canh tác cây trồng cạn; triển khai mô hình trình diễn cây đậu xanh, cây mè trên địa bàn huyện Bác Ái, Thuận Nam, Thuận Bắc và Ninh Phước. Đồng chí Nguyễn Tin chia sẻ: Để hoàn thành kế hoạch chuyển đổi cây trồng vụ đông-xuân 2016-2017 với diện tích gần 1.300 ha, đơn vị đã đề xuất giải pháp tiếp tục hỗ trợ giống để nông dân có điều kiện chủ động thực hiện đúng theo kế hoạch; đồng thời, đẩy mạnh mô hình liên kết sản xuất trên quy mô lớn, từng bước hình thành cánh đồng lớn.