Trịnh Hữu Thuyết
Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy
Ban Nội chính Trung ương được thành lập lần đầu ngày 5-1-1966 với tên gọi ban đầu là Ban Pháp chế Trung ương. Đến ngày 23-12-1991, Ban Nội chính lại được giao chức năng, nhiệm vụ mới theo Quyết định số 17-QĐ/TW, theo đó “Đặc biệt, đối với một số vụ án quan trọng có ảnh hưởng chính trị rộng hoặc có liên quan đến cán bộ cao cấp mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần cho phương hướng chỉ đạo thì Ban Nội chính Trung ương có trách nhiệm theo dõi, chuẩn bị ý kiến đề xuất; đồng thời giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở các ngành: Kiểm sát, Tòa án, Tư pháp, Thanh tra, Hải quan, Trọng tài kinh tế nhà nước, Hội Luật gia…”. Sau vụ án Năm Cam, Ban này được hợp nhất về Văn phòng Trung ương Đảng tháng 5-2007. Ngày 28-12-2012, Bộ Chính trị quyết định tái thành lập Ban Nội chính Trung ương.
Tháng 4-1992, tỉnh Ninh Thuận tái lập. Để tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính, bảo vệ pháp luật, ngày 8-11-1993, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 122-QĐ/TV về nhân sự lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy gồm 6 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Trung Hậu, Bí thư Tỉnh ủy kiêm Trưởng ban; đồng chí Lê Quảng, Phó Trưởng Ban trực (chuyên trách); 4 đồng chí ủy viên là trưởng các ngành Công an, Quân sự, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh. Ngày 26-11-1993, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 138-QĐ/TV về việc thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy. Đối với cấp huyện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các huyện, thị ủy nghiêm túc thực hiện Hướng dẫn số 09-HD/NCTW ngày 12-1-1995 của Ban Nội chính Trung ương về “Chức năng, nhiệm vụ của cán bộ chuyên trách công tác nội chính trong Văn phòng Huyện ủy”. Theo đó, tất cả các Văn phòng huyện, thành ủy có cán bộ là chuyên viên nội chính cấp ủy, phân công đồng chí Phó Bí thư Thường trực cấp ủy phụ trách công tác nội chính. Ngoài ra đối với cấp xã, thị trấn đã thí điểm lập Tổ an ninh nội chính (do đồng chí Bí thư Đảng ủy xã là Tổ trưởng, các thành viên là Công an, quân sự, tư pháp và UBND xã) ở huyện Ninh Phước.
Ban đã nỗ lực nghiên cứu, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị 29-CT/TW ngày 8-11-1993 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật”, gắn với liên hệ kiểm điểm sâu sắc thực tế kết quả chấp hành pháp luật trong việc bắt giam giữ, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành kế hoạch, thành lập đoàn kiểm tra, sơ kết, tổng kết thực hiện chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng và bảo vệ an ninh quốc gia, chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Qua đó, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy có nhiều chủ trương biện pháp chỉ đạo sát hợp, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và bảo vệ an ninh quốc gia, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tinh thần cảnh giác cách mạng, bảo đảm tốt an ninh trật tự. Đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định về sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bắt giữ, điều tra, xử lý tội phạm; hạn chế thấp nhất thiếu sót về thực hiện pháp luật trong bắt tạm giữ, tạm giam...
Chủ trì, phối hợp tham mưu, cụ thể hóa, đôn đốc hướng dẫn, theo dõi các cấp, các ngành thực hiện hiệu quả các Chương trình, Kế hoạch của Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện Nghị quyết 14-NQ/TW, ngày 15-5-1996 của Bộ Chính trị về quan điểm chỉ đạo và một số giải pháp phòng, chống tham nhũng, Chỉ thị 06-CT/TW ngày 30-11-1996 của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy; Chỉ thị 19-CT/TW ngày 19-4-1993 của Ban Bí thư về lãnh đạo công tác Hội Luật gia Việt Nam; Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 18-3-1994 về lãnh đạo tuyển chọn, bổ nhiệm thẩm phán; Chỉ thị 30-CT/TW ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở; Nghị quyết Trung ương 8 (khóa VII) về cải cách hành chính Nhà nước. Phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo các ngành Nội chính kịp thời nghiên cứu, đề xuất Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo giải quyết hiệu quả nhiều vụ án, vụ việc quan trọng, phức tạp dư luận quan tâm. Tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác xây dựng Đảng, phát huy vai trò của Ban Cán sự Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ cơ quan nội chính trong sạch, vững mạnh.
Từ năm 2000-2012: Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa VIII) “Về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”, ngày 19-4-2000, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 559-QĐ/TU về việc “Giải thể Ban Nội chính Tỉnh ủy, chuyển giao chức năng, nhiệm vụ của Ban Nội chính Tỉnh ủy cho Văn phòng Tỉnh ủy đảm nhiệm” và Hướng dẫn số 02-HDLB/VPTW-BNCTW ngày 1-3-2002 “Về nhiệm vụ của Phòng nội chính-tiếp dân thuộc Văn phòng Tỉnh ủy, Thành ủy”. Phòng Nội chính-Tiếp dân trong Văn phòng Tỉnh ủy có nhiều mặt thuận lợi về điều kiện công tác (tiếp cận thông tin, tư tưởng chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, năng lực tổng hợp) để giúp lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy tham mưu, phục vụ hiệu quả sự chỉ đạo của cấp ủy về lĩnh vực nội chính, tiếp dân. Làm tốt công tác theo dõi, tổng hợp thông tin về tình hình an ninh trật tự, kết quả hoạt động nội chính của các cấp, các ngành; nghiên cứu, soạn thảo, biên tập hàng trăm tài liệu phục vụ Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo tại các sự kiện chính trị của tỉnh, của các ngành, các địa phương về công tác quân sự, quốc phòng địa phương, bảo đảm an ninh trật tự, cải cách tư pháp, khiếu nại, tố cáo, xây dựng Đảng. Phối hợp với các ngành Nội chính tham mưu, đề xuất cấp ủy chỉ đạo xử lý hiệu quả nhiều vụ án, vụ việc quan trọng phức tạp theo quy định tại Chỉ thị 52-CT/TW của Bộ Chính trị. Tham mưu Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 2-1-2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới; Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2-6-2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, làm tốt trách nhiệm Tổ thư ký, cơ quan giúp việc Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp của tỉnh và Tổ thư ký giúp việc Ban Chỉ đạo diễn tập khu vực phòng thủ của tỉnh và các huyện, thành phố hàng năm.
Văn phòng Tỉnh ủy phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các Đảng ủy: Quân sự, Công an và Biên phòng tỉnh để tham mưu, đôn đốc, hướng dẫn các cấp, các ngành phổ biến, quán triệt Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới, gắn với tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VII) về nhiệm vụ quốc phòng và bảo vệ an ninh quốc gia, chống “diễn biến hòa bình” của địch; tạo kết quả rõ nét về xây dựng các tiềm lực chính trị -tinh thần, kinh tế - xã hội, khoa học-kỹ thuật và quốc phòng-an ninh; gắn phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng-an ninh, nâng cao thế trận lòng dân, đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Chủ động tham mưu Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo thực hiện hiệu quả các Chỉ thị 33-CT/TW về một số nhiệm vụ cấp bách về công tác tư pháp cần thực hiện ngay trong năm 2000; Chỉ thị 15-CT/TW, ngày 7-7-2007 của Bộ Chính trị về “Sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng”; kiểm tra tổng kết Chỉ thị 29-CT/TW ngày 8-11-1993 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật”, gắn với triển khai Nghị quyết 08-NQ/TW và Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị...
Trong thời kỳ này, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, quy định của Chính phủ ,tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống tham nhũng (đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban, 1 đồng chí Phó Trưởng ban thường trực và các ủy viên gồm: Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ). Từ Bộ phận giúp việc ban đầu, năm 2010 phát triển thành Văn phòng Ban Chỉ đạo tỉnh về Phòng, chống tham nhũng. Trong đó, Văn phòng Ban Chỉ đạo đã tham mưu Ban Chỉ đạo kiểm tra, giám sát, đôn đốc 60 cuộc về công tác phòng, chống tham nhũng tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và giám sát chuyên sâu tại 17 đơn vị; thành lập nhiều đoàn kiểm tra, xác minh, xử lý nhiều vụ việc mang lại hiệu quả tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Thực hiện Quyết định 183-QĐ/TW của Ban Bí thư, ngày 13-6-2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định thành lập Ban Nội chính Tỉnh ủy là cơ quan tham mưu cho Tỉnh ủy về lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng; trực tiếp, thường xuyên là Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy. Để thực hiện tốt 5 nhóm nhiệm vụ, Ban đã nghiên cứu, đề xuất, hướng dẫn kiểm tra, giám sát, thẩm định, tham gia công tác cán bộ theo phân cấp và các nhiệm vụ khác do Thường trực Tỉnh ủy giao.
Trong quá trình xây dựng và phát triển ngành Nội chính Đảng tỉnh, từ chức năng tham mưu về một số mặt công tác, tham gia chỉ đạo, xử lý một số vụ án, vụ việc phức tạp về an ninh trật tự, đã vươn rộng tầm tham mưu về thực hiện đường lối, chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng; góp phần xây dựng Đảng, chính quyền các cấp; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tổ chức bộ máy ngành Nội chính Đảng, một trong những cơ quan tham mưu trọng yếu của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy trong lĩnh vực công tác bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong tình hình hiện nay.