Chuyện “Quà tết-cả nhà đều vui”

(NTO) Tết đến, xuân về, ai ai cũng mong muốn được tặng quà, nhất là bậc cao niên như ông bà nội, ngoại, kế tiếp là cha mẹ rồi trẻ nhỏ. Bởi vậy, những người con xa quê hương, dù là sinh viên chưa làm ra tiền, người lao động phổ thông… hay doanh nhân đều chuẩn bị cho mình túi quà tết tặng những người thân yêu trong gia đình. Thế nhưng, mua quà gì, tặng chung cả gia đình hay riêng từng người không phải ai cũng suy nghĩ thấu đáo vẹn cả đôi đường để cả nhà đều vui!

Cô bạn du học sinh theo học tiến sĩ tại Hàn Quốc. Đang là nghiên cứu sinh nhưng bản thân có tham gia một số đề tài nghiên cứu khoa học thực nghiệm mà trường liên kết với một số trường đại học tại Mỹ, Úc nên thu nhập cũng dư dả kha khá. Tết này về thăm quê, đối với những đứa bạn thân cô hiểu tính nết, sở thích từng đứa nên có quà riêng, còn gia đình mình? Nhớ lại, tết năm trước ông bà nội bảo, tết nhất đừng mua quà cáp chi tốn kém, ông bà già rồi không cần đâu, cháu dành tiền để chi trả học hành cho giỏi. Cha mẹ thì động viên: Con học giỏi, có học bổng, không phiền cha mẹ là phúc lắm rồi, nếu mua quà tết chỉ cần vài hộp bánh, kẹo để tiếp khách. Bởi vậy, cô nghĩ tốt nhất là một số bánh mứt, đồ gia dụng, nhất là thiết bị hiện đại giúp cha mẹ bớt lao động chân tay mà gia đình hiện không có, làm quà tết cho cả nhà. Được thông báo trước ngày giờ chuyến bay về Việt Nam nên ai ai cũng mong ngóng cô hai “tiến sĩ”. Trên chuyến xe từ sân bay về nhà, cô mường tượng cảnh gia đình vui mừng chào đón, nhất là cha mẹ khi nhận được chiếc máy rửa dĩa, chén tự động. Chiếc xe vừa dừng trước cổng nhà, cả gia đình hồ hởi ùa ra chào đón... Sau khi kể chuyện học hành nơi xứ người, cô mở thùng quà khoe cả nhà. Nhìn qua các đồ vật, mẹ khen con gái giỏi biết mua những vật dụng thiết thực phù hợp nhu cầu bếp núc gia đình. Cảm xúc dâng trào lúc mới về qua đi, bữa cơm chiều vẫn rộn rã nhưng có gì đó trên nét mặt ông bà nội mà cô không sao lý giải nổi. Gặng hỏi, mẹ cho biết: Cô học cho lắm, tiến này, tiến nọ nhưng chưa hiểu tâm lý ông bà nội. Mẹ đã đỡ lời cô, cháu nó vội quá để quên quà ông bà nội, bạn nó mang về sau. Cô nhanh nhanh mua cho hai cụ mỗi người chiếc áo ấm thật đẹp, thiếu tiền mẹ đưa, gió bấc sắp ùa về lạnh lắm. Thì ra thế, cô thầm cảm ơn mẹ và tự hứa sẽ nhanh chóng có quà riêng cho nội, cha mẹ, nhưng hàng hóa của nước ngoài biết tính sao đây?

Cũng là con gái, cô công nhân làm việc cho một nhà máy sản xuất thiết bị điện tử của hãng nước ngoài tại thành phố. Chuẩn bị quà tết, cô nhớ đến cha mình năm nay hạn hán, mưa lũ, việc trồng nho, táo có lẽ thất bại, mẹ thì làm thuê cột cành nho, làm cỏ ruộng rẫy, đứa em trai đang làm nghĩa vụ quân sự. Gia đình mình tết này ra sao, không nợ nần là may lắm rồi lấy đâu tiền mua sắm tết. Cô suy nghĩ mông lung rồi quyết định mua cho cha mẹ mỗi người cái áo khoác gió để khi đi chơi tết, lúc làm ruộng rẫy khỏi bị lạnh. Tiền lương dành dụm cả năm cô quyết định đem về cho mẹ chi tiêu gia đình dịp tết. Trên chuyến xe khuya đêm, cô về đến nhà gần 5 giờ sáng. Gặp gỡ cha mẹ, gửi quà tết biếu hai cụ, kể đôi chuyện nơi làm việc… Cha mẹ cô bảo: Ráng tranh thủ chăm sóc sào nho trồng trên vùng đất cao ven sông, hy vọng ra giêng có tiền trả nợ người ta. Tối về kiểm tiền, mẹ bảo cô cho mẹ mượn sau này trả để cô lo chồng, con. Nghe mẹ nói cô ứa nước mắt: Cha mẹ vất vả nuôi con khôn lớn, có chút tiền lương sao mẹ lại nói trả!!! Mẹ cười vui: Dù con có lớn bao nhiêu, có gia đình riêng thì vẫn là cô bé con ngày nào của mẹ! Tết chưa về nhưng gia đình cô thật sự ấm cúng, vui vẻ và mọi người tin tưởng rằng năm Đinh Dậu trời đất thuận hòa, làm ăn sẽ gặp nhiều may mắn.

Quà tết cho ông bà, cha mẹ, người đã sinh thành, nuôi dưỡng mình, cho các cháu nhỏ, người thân yêu trong gia đình mỗi dịp tết đến, xuân về đã trở thành nét đẹp truyền thống của người Việt. Không chỉ những người con xa quê mà mỗi người hằng ngày sống bên nhau họ tặng nhau chút quà tết như khẳng định sự kết giao tình người, là lời cảm ơn vì đã giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Đó là nét đẹp tình người để trong mỗi chúng ta, từng gia đình khi xuân về, tết đến đều tràn ngập yêu thương, hạnh phúc.