Chuyện “đồng chí” và tình đồng chí

(NTO) Em chào bác đồng chí! Nghe, anh chép miệng: Chà bữa nay chú chào lạ quá ta? Chẳng là nghe bác bảo lúc nào cũng xưng hô đồng chí, cứng nhắc, nên em sửa cho mềm chút. Nghe tôi thanh minh, anh gật đầu: Ừ, đồng chí xưng hô lúc họp hành, hết giờ gọi anh em cho thân mật. Rồi anh kể tôi nghe chuyện “đồng chí” mà bản thân đã chứng kiến và trải nghiệm.

Trong lần mình dự hội nghị tổng kết mua công trái xây dựng Tổ quốc ở phường vùng ven thị xã, ông Chủ tịch UBND phường biểu dương và mời “đồng chí” đã có công vận động nhiều người mua công trái vượt chỉ tiêu lên phát biểu. Cả hội trường ngỡ ngàng khi người được mời: Thưa ông Chủ tịch phường, thưa quý vị, trước hết tôi không phải là đồng chí… Chuyện xảy ra đã lâu và là bài học để sau đó các cấp trong thị xã chỉ xưng hô với nhau là đồng chí khi sinh hoạt Đảng, họp nội bộ. Chuyển sang thời kinh tế thị trường, không biết có phải tại hội nhập không mà hai từ “đồng chí” được dùng khá phổ biến trong những cuộc họp, mít-tinh… Nghe dần dần thành quen, mọi người cho đó là chuyện bình thường, nhưng nếu ở đâu đó lại có người như vừa nêu trên thưa lại, tôi không phải là “đồng chí”… thì không biết phải ứng xử như thế nào!? Nghe anh kể, tôi mới nhận thấy bản thân mình nhiều lúc sử dụng từ đồng chí trong các mối quan hệ hằng ngày chưa đúng với bản chất của nó.

Dừng một chút như để nhớ lại điều gì rồi anh tiếp tục câu chuyện: Mình có thời gian tại ngũ trong quân đội hơn mười năm, có hai năm làm nghĩa vụ quốc tế ở nước bạn nên thấu hiểu tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng như thế nào. Trong những lúc hy sinh, gian khổ, ác liệt thì chỉ huy đơn vị, người khỏe hơn nhường cho thương binh, bệnh binh ly sữa, chén cháo, ít hạt muối, có khi chỉ là ngụm nước (lúc lạc đường không có nước uống nơi rừng khộp già mênh mông vào mùa khô ở nước bạn). Vì thế, dù hoàn cảnh khắc nghiệt thế nào, lúc chiến đấu hay sinh hoạt hằng ngày của bộ đội ta hai chữ “đồng chí” nghe trìu mến, thân thương gần gũi biết bao. Kể đến đây giọng anh bỗng nhỏ hẳn xuống: Bây giờ thời bình nhưng phức tạp hơn thời chiến rất nhiều. Nếu trong chiến tranh ta dễ dàng nhận diện ra kẻ thù, người thiếu bản lĩnh, kẻ cơ hội… thì thời kinh tế thị trường những kẻ cá nhân chủ nghĩa, tạo bè kéo cánh, vụ lợi cho bản thân… rất khó nhận biết bởi những thủ đoạn che giấu hết sức tinh vi, xảo quyệt nhưng họ vẫn là “đồng chí” của ta. Chuyện cơ quan mình, có đồng chí là Bí thư chi bộ, tập thể xếp loại trong sạch, vững mạnh tiêu biểu được trình cấp trên khen thưởng chi bộ và bí thư, nhưng kết quả chỉ có tập thể được khen thưởng. Việc đó lặp đi, lặp lại các năm sau, đảng viên chi bộ băn khoăn, anh giải thích: Tập thể đoàn kết thống nhất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được cấp trên ghi nhận là quý nhất rồi. Năm anh gần về hưu, chi bộ bầu anh là đảng viên xuất sắc nhưng không hiểu vì sao không được cấp trên duyệt. Sau này, mọi người mới biết việc anh không được khen thưởng đảng viên xuất sắc là do có đồng chí cùng chi bộ đã thay tên anh bằng bản thân trong văn bản báo cáo cấp trên. Cá nhân đó đã được giới thiệu kiểm điểm nghiêm túc rút kinh nghiệm. Sau sự việc trên, anh trải lòng: Là con người khó tránh khỏi sai sót, quan trọng là nhận ra và quyết tâm sửa chữa. Thế nhưng, chỉ được thời gian ngắn sau đó vốn bản chất cá nhân, vụ lợi anh ta lại tiếp tục “ngựa quen đường cũ”. Mọi người cho rằng, không hiểu sao đối xử với đồng chí của mình như vậy mà hằng ngày gặp mặt nhau anh ta vẫn cười vui vẻ như chưa có gì xảy ra và cứ đồng chí, anh anh, em em ngọt như mía lùi, nhất là đối với đồng chí bí thư chi bộ.

Chuyện khi nào gọi nhau là đồng chí có lẽ ai cũng biết nhưng cư xử với nhau bằng tình đồng chí đòi hỏi cái tâm trong sáng. Chỉ đơn giản vậy thôi nếu ta biết để cái tôi trong tập thể và luôn gìn giữ trái tim nóng của mình vì sự nghiệp chung.