Nhằm tạo nguồn vốn cho chị em có điều kiện phát triển kinh tế, Hội PN xã đã phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ vốn cho hội viên. Đến nay, tổng dư nợ của PN xã trên 23 tỷ đồng, với 1.089 hộ PN vay. Ngoài nguồn vốn này, để chị em có thêm điều kiện phát triển sản xuất, Hội còn duy trì 6 tổ tiết kiệm góp vốn xoay vòng ở 6 chi hội thôn, với 60 chị tham gia, mỗi tháng đóng 200 ngàn đồng/chị. Hằng tháng, các tổ sinh hoạt, bình xét, tạo điều kiện cho các thành viên gặp khó khăn vay vốn đầu tư sản xuất, chăn nuôi, buôn bán nhỏ. Hội còn vận động thành lập 8 nhóm tín dụng tiết kiệm trong khuôn khổ nguồn vốn Quỹ Phát triển kinh tế PN (thuộc Dự án Hỗ trợ Tam nông), với mức vay 10 triệu đồng/hộ. Nhờ các nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều chị em đã thoát nghèo và xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiêu biểu.
Con đường cây xanh được các chị em PN trồng nhằm tạo cảnh quan "xanh- sạch-đẹp" tại thôn Phú Thủy.
Trước đây, gia đình chị Trương Thị Cảnh, thôn Phú Thạnh, thuộc hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Năm 2010, bằng nguồn vốn hỗ trợ từ các cấp Hội PN đã tạo động lực cho gia đình chị vươn lên thoát nghèo. Chị Cảnh chia sẻ: Cuộc sống gia đình trước đây chỉ trông chờ vào 4 sào ruộng, nhờ Hội PN xã hỗ trợ cho vay 20 triệu đồng mua bò về nuôi và được hỗ trợ các nguồn vốn vay ưu đãi khác, đến nay gia đình có được cơ ngơi gồm 8 con bò, 3 sào đất trồng bắp... Từ nguồn vốn tích cóp xây được nhà khang trang, gia đình đã thoát nghèo, có điều kiện để nuôi 2 con ăn học.
Bên cạnh các mô hình sản xuất, Hội PN xã còn duy trì thường xuyên phong trào tiếp bước đến trường; tiết kiệm vì PN nghèo. Hằng năm, Hội duy trì 4 hũ gạo tình thương, cấp 40 kg gạo cho 4 PN nghèo; nuôi 2 con “heo đất” giúp đỡ số tiền 2 triệu đồng cho 2 chị khó khăn. Hội còn phối hợp với trường học, các ngành, đoàn thể vận động chị em đưa trẻ đến trường đúng độ tuổi, vận động 30 học sinh nghỉ học trở lại trường học tập. Tại thôn Mỹ Hiệp, từ năm 2015, Hội thành lập và thực hiện mô hình "Nuôi heo nái nhân giống" cho PN nghèo từ số tiền hơn 5 triệu đồng vận động của các chi hội. Qua mô hình, Hội đã cấp 3 cặp heo nái cho 3 hội viên và hỗ trợ mỗi hội viên 1 triệu đồng tiền mua thức ăn; sau 1 năm nuôi, Hội sẽ nhận lại 2 heo con để chuyển cho hội viên tiếp theo.
Trong hoạt động phong trào, Hội PN xã duy trì 14 CLB (với 280 thành viên) như: CLB “5 không, 3 sạch”, “Gia đình hạnh phúc”, “Nữ thanh niên”, “Phổ biến pháp luật”, “PN cao tuổi’, CLB đặc thù "Dòng tộc PN Raglai phòng chống tảo hôn”, "PN hạn chế sử dụng túi ni lông"...; xây dựng 3 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng nhằm tư vấn, giải quyết các mâu thuẫn, góp phần hỗ trợ, bảo vệ kịp thời những hội viên, PN bị bạo lực gia đình. Các phong trào đã dần đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả. Đặc biệt, nhờ thực hiện mô hình theo tiêu chí “3 sạch” (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ), đến nay, 100% gia đình hội viên đều có hố xử lý rác và vận động nhiều chị em cùng thực hiện, việc giữ gìn vệ sinh trong gia đình và cộng đồng cũng được PN quan tâm thực hiện. Mỗi gia đình hội viên đều trồng ít nhất 1 cây xanh hoặc trồng hoa trước nhà, hình thành con đường hoa ở thôn Phú Thạnh, con đường cây xanh tại 2 thôn Phú Thủy và Mỹ Hiệp.
Chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Chủ tịch Hội PN xã Mỹ Sơn, cho biết: Thông qua những cách làm, mô hình giúp nhau giảm nghèo đã phát huy được tinh thần “tương thân, tương ái” giúp đỡ PN, trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Phát huy những kết quả đạt được, Hội tiếp tục duy trì, tìm hiểu và hướng dẫn cho chị em nhân rộng các mô hình hiệu quả, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất...
Kim Thùy