Quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh: Thực trạng và giải pháp

(NTO) Trong những năm qua, cùng với đà phát triển chung của tỉnh và các địa phương, tình trạng bất cập về trật tự xây dựng, đặc biệt do nhu cầu bức xúc về nhà ở nên tình trạng xây dựng không phép, trái phép còn khá phổ biến, nhất là trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để đưa trật tự xây dựng vào nền nếp theo tinh thần Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 10-10-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh”, góp phần tạo nên diện mạo đô thị văn minh và nông thôn ngày càng khang trang hơn?.

Nhà xây dựng trái phép tại khu đô thị mới Đông Bắc (khu K1) Tp. Phan Rang-Tháp Chàm,
sau khi có quyết định xử phạt đã chấp hành ngừng thi công.

Nhìn lại thực trạng…

Đồng chí Phùng Văn Công, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng, cho biết: Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của ngành Xây dựng năm 2016: “Tăng cường quản lý trật tự xây dựng và nâng cao hiệu quả công tác xử lý vi phạm trật tự trên địa bàn tỉnh”, ngay từ đầu năm, Thanh tra sở đã phối hợp với các địa phương kiểm tra xử lý, đề nghị xử lý vi phạm và giám sát việc thực hiện của các địa phương trong việc xử lý công trình vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, từ tháng 5-2016, Sở Xây dựng đã thống nhất với các huyện, thành phố thiết lập đường dây nóng về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh và đề nghị các địa phương phổ biến rộng rãi đến từng tổ dân phố, thôn để mọi người được biết.

Trong năm, Thanh tra Sở Xây dựng đã tích cực phối hợp với các địa phương thực hiện kiểm tra, xử lý việc xây dựng công trình không phép, sai phép của các tổ chức (theo phân cấp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng của Sở Xây dựng) trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đã kiểm tra 45 công trình xây dựng, phát hiện xử lý vi phạm 3 công trình sai phép, với số tiền phạt 65,5 triệu đồng và 1 trường hợp xây dựng sai phép đình chỉ thi công; 1 trường hợp xây dựng sai quy hoạch chi tiết tại Khu Dịch vụ Văn hóa quần thể Quảng trường-Tượng đài-Bảo tàng tỉnh. Riêng Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, đối với việc xây dựng công trình, nhà ở trái phép của các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn, từ đầu năm đến nay, Thanh tra sở đã phối hợp kiểm tra 403 công trình xây dựng, qua đó phát hiện 138 công trình vi phạm (chiếm 34,24% trên tổng số công trình kiểm tra), giảm 10 công trình vi phạm so với cùng kỳ năm 2015 (tỷ lệ giảm 6,75%). UBND Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 76/138 trường hợp; vận động và cưỡng chế phá dỡ 7/138 trường hợp; chấp hành ngừng thi công 20/138 trường hợp; các trường hợp còn lại đang xử lý. Còn đối với các huyện, từ đầu năm đến nay, có 123 trường hợp nhà ở xây dựng vi phạm, chủ yếu là khu vực nông thôn…

Tuy nhiên, thực tế rất đáng quan tâm là việc xử lý công trình vi phạm thời gian qua chưa quyết liệt, chưa triệt để, hầu hết số vụ vi phạm chỉ dừng lại ở hình thức ra quyết định đình chỉ và quyết định xử phạt vi phạm hành chính… Đơn cử trong 138 công trình vi phạm trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm thì có đến 76 công trình chỉ xử phạt vi phạm hành chính (chiếm 55,07%), mặc dù đa số quyết định xử phạt người dân không chấp hành nhưng UBND thành phố chưa ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và chỉ đạo việc thực hiện phá dỡ công trình xây dựng vi phạm đã xử phạt, nên tính răn đe, giáo dục chưa cao, dẫn đến đa phần công trình xây dựng vi phạm đã được người dân tiếp tục hoàn thiện đưa vào sử dụng, một số khác đang tiếp tục thi công nhưng các xã, phường không quyết liệt ngăn chặn... Còn tại địa bàn các huyện, tuy có quan tâm chỉ đạo công tác quản lý quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng, đất đai nhưng việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng và đất đai chưa thật sự kiên quyết, triệt để theo quy định. Có chăng cũng chủ yếu xử phạt vi phạm về đất đai và chỉ dừng lại ở hình thức phạt tiền, chưa thực hiện cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm, nên hiệu lực, hiệu quả chưa cao.

Việc cấp giấy phép xây dựng tạm vẫn còn bất cập như các khu vực đã có quy hoạch nhưng không rõ tiến độ triển khai, việc thực hiện thiếu thống nhất, mỗi địa phương vận dụng một cách khác nhau, ảnh hưởng đến quyền lợi nhiều hộ dân đã sinh sống ổn định tại các khu vực này. Việc cấp giấy phép xây dựng nhà ở khu vực nông thôn đã có quy hoạch xây dựng được phê duyệt gặp nhiều khó khăn, chủ yếu mới thực hiện được đối với một số hộ dân xây dựng nhà ở tại các thị trấn, các khu trung tâm hành chính xã...

Giải pháp đặt ra

Để công tác quản lý trật tự xây dựng trong thời gian đến thực sự đi vào nền nếp, nhiệm vụ trọng tâm là cần có sự tập trung cao độ trong điều hành, quyết liệt trong chỉ đạo của chính quyền các địa phương; phát huy được vai trò phối hợp của các đoàn thể, ngành liên quan. Việc xử lý các công trình vi phạm cần phải nghiêm túc, kịp thời và kiên quyết, nhằm lập lại trật tự trong xây dựng, bảo đảm tuân thủ các quy định về xây dựng theo quy hoạch và xây dựng theo giấy phép xây dựng. Các cấp chính quyền, Mặt trận, đoàn thể cần có kế hoạch triển khai sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng đến từng địa bàn dân cư; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự xây dựng, đất đai và các quy định có liên quan nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong chấp hành pháp luật về xây dựng. Thực hiện việc rà soát các quy hoạch xây dựng trên địa bàn, điều chỉnh, lập mới các đồ án, quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500, nhất là các khu vực đất nông nghiệp nằm xen kẽ trong các quy hoạch chỉnh trang khu dân cư để giải quyết nhu cầu đất ở cho người dân; thực hiện tốt việc theo dõi, cập nhật về tình hình xây dựng các công trình, cấp giấy phép xây dựng đúng quy định pháp luật. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo cho quá trình thực hiện đầu tư xây dựng công trình, nhà ở người dân đúng theo quy hoạch xây dựng, thiết kế kiến trúc được duyệt; kịp thời ban hành các quyết định xử lý, xử phạt theo quy định, kiên quyết phá dỡ các công trình xây dựng vi phạm theo pháp luật quy định; kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với cán bộ thuộc quyền quản lý được phân công làm nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng và người đứng đầu UBND các địa phương khi có biểu hiện buông lỏng việc quản lý trật tự xây dựng, để xảy ra nhiều sai phạm. Tập trung rà soát, có giải pháp thiết thực xử lý đúng pháp luật các vụ việc vi phạm còn tồn đọng. Kiện toàn, tổ chức bộ máy quản lý trật tự xây dựng, bố trí cán bộ, công chức chuyên trách có đủ năng lực, trình độ chuyên môn làm công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn các xã, phường, thị trấn; bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý trật tự xây dựng tại phòng chuyên môn của UBND các huyện.