VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Để chăn nuôi thực sự là động lực phát triển kinh tế miền núi!

(NTO) Toàn tỉnh có 27 xã miền núi thuộc 6 huyện, với dân số trên 167 ngàn người, diện tích tự nhiên trên 258,4 ngàn ha. Tuy dân số chỉ có 28% nhưng lại chiếm 81% về diện tích so toàn tỉnh. Có thể nói, đây là một trong những lợi thế để phát triển nông nghiệp nói chung, đặc biệt là chăn nuôi. Để khai thác lợi thế đã nêu, tạo thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo ở các địa phương, những năm qua thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, kết hợp chăn nuôi trang trại và hộ gia đình gắn với quy hoạch phát triển đồng cỏ…đã tạo chuyển biến mới trong khu vực miền núi. Đặc biệt, mô hình chăn nuôi bò, dê, cừu, heo, gia cầm phát triển theo hình thức trang trại vừa và nhỏ xuất hiện nhiều nơi ở khu vực miền núi thông qua liên kết giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với các tổ nhóm của nông dân từ đầu tư vốn, giống đến thu mua sản phẩm, bước đầu mang lại hiệu quả. Có thể kể ra một số mô hình như: Mô hình liên kết xây dựng trang trại nuôi heo gia công với Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam ở Ninh Sơn, đã xây dựng được 13 trang trại nuôi heo công nghiệp với tổng đàn trên 10.000 con; Cơ sở giết mỗ gia súc Lê Thanh Tâm, Cơ sở kinh doanh mua bán gia súc Lê Duy Tuấn liên kết phát triển chuỗi giá trị bò, dê, cừu ở Ninh Sơn; chăn nuôi gà lấy trứng ở Ninh Phước...Đối với chăn nuôi hộ gia đình, thông qua các chính sách, chương trình, dự án đã hỗ trợ giống, xây dựng chuồng trại, vay vốn tín dụng ưu đãi cho các hộ gia đình vùng miền núi, góp phần để phát triển chăn nuôi. Đơn cử như: thông qua dự án IFAD tỉnh đã hỗ trợ người dân trên địa bàn các xã miền núi 1.077 con bò, 206 con dê và 265 cừu; Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình 135 hỗ trợ 82 con bò... Bằng những việc làm thiết thực đã khuyến khích các hộ nông dân, cơ sở sản xuất mở rộng đầu tư, tăng quy mô đàn gia súc. Chỉ tính đến năm 2015, tổng đàn gia súc khu vực miền núi trên 172.200 con, trong đó đàn bò trên 63.900 con; đàn dê, cừu trên 62.800 con và đàn heo 45.500 con; có 20 trang trại chăn nuôi tập trung theo mô hình công nghiệp, chiếm 87% số trang trại toàn tỉnh. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng làm nên diện mạo mới nông thôn miền núi, cải thiện một bước đời sống vật chất và tinh thần nhân dân miền núi, rõ nhất là thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015, tăng gấp 2 lần so với năm 2010; tỷ lệ đói nghèo giảm đáng kể...

Nông dân xã Mỹ Sơn phát triển chăn nuôi theo mô hình gia trại tăng thu nhập nâng cao đời sống gia đình,
góp phần xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Sơn Ngọc

Tuy nhiên, thực tế thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là sản xuất nông nghiệp nói chung còn manh mún, nhỏ lẻ, năng suất còn thấp. Việc ứng dụng kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất chưa được chú trọng. Chăn nuôi đại gia súc được xác định là thế mạnh nhưng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của vùng...

Tỉnh ta xác định đến năm 2020 phấn đấu khu vực các xã miền núi đạt quy mô tổng đàn gia súc trên 300.000 con, trong đó: bò, dê, cừu 226.000 con, heo 74.000 con. Để thực hiện mục tiêu đã nêu, đưa chăn nuôi trên địa bàn các xã miền núi phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá, từng bước trở thành ngành sản xuất chính trong cơ cấu ngành Nông nghiệp; phát triển chăn nuôi theo hướng bán công nghiệp, trang trại và đẩy mạnh chăn nuôi dưới tán rừng với quy mô hộ gia đình gắn với chủ động nguồn thức ăn, nước uống và phòng trừ dịch bệnh để bảo đảm tính ổn định và hiệu quả ngành chăn nuôi. Theo đó, giải pháp đặt ra là tập trung khai thác tốt nhất lợi thế về nguồn phụ phẩm từ ngành trồng trọt (mía, mì, bắp), quỹ đất rừng và diện tích đồng cỏ tự nhiên và quy hoạch đất trồng cỏ để bảo đảm nguồn thức ăn có chất lượng, đi đôi lai tạo giống tốt để tạo đột phá trong phát triển chăn nuôi gia súc có sừng mà tỉnh có lợi thế như: bò, dê, cừu trên địa bàn các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Bắc. Đồng thời thu hút, phát triển mạnh chăn nuôi bò nhập ngoại gồm bò sữa, bò thịt, bò giống trên khu vực miền núi của tỉnh. Phát triển đàn heo theo hướng nạc hoá và hình thành trang trại chăn nuôi heo tập trung quy mô lớn theo mô hình công nghiệp, bán công nghiệp gắn với cơ sở giết mổ tập trung để vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vừa nâng cao giá trị thương phẩm cho nông dân trên địa bàn các huyện Ninh Sơn, Thuận Bắc. Chuyển diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ, với diện tích trên 1.500 ha (Ninh Sơn: 1.250 ha, Thuận Bắc: 160 ha, Bác Ái 100 ha) để đảm bảo nguồn thức ăn cho chăn nuôi...

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, tin rằng lợi thế về chăn nuôi các xã miền núi sẽ được khai thác đúng mức, tạo đột phá để nông dân cải thiện đời sống, làm giàu chính trên vùng đất của mình.