Để chữ cho con

(NTO) Là đồng bào dân tộc Raglai, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng gia đình ông Tà Yên Thành (thôn Tà Lú 2, xã Phước Đại, Bác Ái) vẫn luôn nỗ lực để nuôi dạy 5 con học hành đỗ đạt, nêu gương sáng gia đình hiếu học ở địa phương.

 
Vợ chồng ông Tà Yên Thành.

Giữa chút se lạnh tháng 11, chúng tôi tìm đến nhà ông Tà Yên Thành, vừa may mắn gặp ông từ đồng ruộng trở về. Trò chuyện với chúng tôi, ông Thành không giấu được niềm tự hào khi nói về các con của mình. Thời gian trước, kinh tế gia đình còn khó khăn, vào những ngày không đến trường, các con đều thay nhau phụ giúp cha mẹ công việc đồng ruộng, tuy vậy các con rất hiếu học, chỉ có thời gian học vào ban đêm, nên lúc nào các con cũng học đến tận khuya, đứa lớn dạy lại cho đứa nhỏ, rồi học bài, làm bài cùng nhau. Con trai đầu Ca Dá Sơn, sinh năm 1984, tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, hiện đang là giáo viên Trường PTDTBT TH Phước Đại A. Nối tiếp người anh trai, em gái Ca Dá Thị Lợi (sinh năm 1988) cũng chọn học cùng trường với anh, hiện đang là giáo viên Trường TH Phước Thắng; con trai thứ 3 Ca Dá Tuấn (sinh năm 1990) học Trung cấp chuyên ngành Lâm nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, hiện đang công tác tại xã Phước Bình; con gái thứ 4 Ca Dá Thị Lê (sinh năm 1993) hiện đang học năm 3, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh và cô gái út Ca Dá Thị Mai (sinh năm 1994) hiện đang là sinh viên năm 2, Trường Đại học Lâm Nghiệp (Đồng Nai). Tự hào là vậy, nhưng ít ai biết để các con thành đạt như hôm nay, vợ chồng ông Thành phải lao động vất vả tảo tần. Với hơn 9 sào đất rẫy, hằng ngày, ông phải thức dậy từ 3 giờ sáng để ra đồng, tranh thủ cày từng luống đất, đến trưa lại đi cắt cỏ cho đàn trâu 5 con.

“Khi đã dốc hết sức lực chăm lo việc đồng áng nhưng vẫn không đủ chi phí nuôi con ăn học, mình lại bán trâu, bán đất lo tiền học phí, chi phí sinh hoạt học tập cho các con. Bên cạnh đó, nhờ Nhà nước có chính sách hỗ trợ sinh viên vay vốn nên việc học tập của các con không bị gián đoạn, vợ chồng chúng tôi rất vui"-ông Thành tâm sự.

Giờ đây, bước sang tuổi 58, với cuộc sống kinh tế khá ổn định, các con đã thành đạt, nhưng ông Tà Yên Thành vẫn hăng say với công tác xã hội. Ông Thành là người có uy tín, rất được bà con kính nể. Ông luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động của địa phương, giữ lối sống giản dị, gần gũi với bà con lối xóm. Ông luôn phối hợp với nhà trường, cùng các thầy, cô giáo đến nhà vận động các em học sinh ra lớp, tham gia Tổ hoà giải ở cơ sở; đến tận hộ gia đình để tuyên truyền các chủ trương, chính sách, vận động bà con tham gia xây dựng nông thôn mới, hiến đất làm đường, đóng góp ngày công... Để gương mẫu trong phong trào, gia đình ông hiến 1 sào đất làm sân phơi, 20m2 đất làm nhà cộng đồng thôn Tà Lú 2...

Trong căn nhà nhỏ giản dị mà ngăn nắp, những tấm bằng khen của các con là công sức và ước vọng cháy bỏng của gia đình. Giấc mơ con chữ của vợ chồng ông Tà Yên Thành đã được các con thấu hiểu, hiếu thảo dồn sức thực hiện và đạt được thành quả tốt đẹp.