(NTO) “Tôn sư trọng đạo”, “Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Trong những ngày của tháng 11, trên khắp mọi miền Tổ quốc, không chỉ những người làm nghề dạy học, hay những học sinh đang còn ngồi trên ghế nhà trường mà cả những người đã trưởng thành đều bồi hồi, xúc động hướng về những kỷ niệm đã qua của thời cắp sách đến trường với những tình cảm thiêng liêng về thầy, cô giáo, những người đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp cao cả: sự nghiệp trồng người để cho bao thế hệ học sinh trưởng thành.
Từ xưa đến nay, bất kể thời kỳ nào, người thầy giáo cũng luôn được xã hội kính trọng và tôn vinh. Như những con tằm nhả những sợi tơ vàng óng ánh, như những con ong cần mẫn, chắt chiu hương hoa làm nên những giọt mật ngọt cho đời, thầy, cô giáo luôn là những người ươm mầm xanh trí tuệ, chắp cánh cho những ước mơ của học trò được bay cao, bay xa.
Mỗi người sinh ra trong đời, ai cũng gắn bó với một nghề nhất định. Có thể người chọn nghề, có khi nghề chọn người. Nghề nào cũng có những vất vả, nhọc nhằn, gian truân và hạnh phúc riêng, mà nếu chỉ có chuyên môn, nghiệp vụ của nghề không thôi thì chưa đủ mà cần có lòng đam mê và trên hết là tình yêu đối với nghề. Như nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa của Nguyễn Thành Long, sống một mình trên đỉnh núi Yên Sơn (Sa Pa) cao 2.600m so với mặt nước biển, quanh năm suốt tháng sống lặng lẽ giữa chốn cây cỏ và mây mù lạnh lẽo mà không hề cảm thấy cô đơn. Chỉ có tình yêu nghề, yêu cuộc sống giúp anh nhận ra rằng: Điều hạnh phúc của mình là đem lại niềm vui cho mọi người. Từ nhân vật anh thanh niên này, tôi lại nghĩ đến nghề dạy học.
“Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý” - lời dạy của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thật sự có ý nghĩa lớn lao, vừa là một vinh dự, đồng thời cũng là một trách nhiệm nặng nề, nếu không vững tâm, bền chí và một tình yêu thương học trò bao la thì rất khó hoàn thành nhiệm vụ này. Đối với nhiều nghề, sản phẩm ra đời có khi chưa bền, chưa đẹp thì có thể sửa chữa cho hoàn thiện hơn. Nhưng với nghề dạy học, sản phẩm ra đời là con người không chỉ có tri thức mà còn có nhân cách làm người thì không hề đơn giản. Người thầy đâu chỉ có chuyên môn, nghiệp vụ tốt là đủ, mà cần cả một nghệ thuật sư phạm, bởi “giáo dục một người thầy ta được một thế hệ”.
Có người nói nghề dạy học thì thật nhàn nhã vì chẳng tranh đua hơn thiệt với đời. Có thể họ đúng ở một phương diện nào đấy nhưng với lương tâm, trách nhiệm của một nhà giáo chân chính thì suy nghĩ trên không chỉ nông cạn và hời hợt, mà còn là một sự xúc phạm đối với nghề dạy học. Người thầy giáo không chỉ dạy cho học trò kiến thức trong sách vở mà quan trọng hơn là dạy làm người–làm người hữu ích với bản thân, cho gia đình và xã hội. Phải đặt mình vào vị trí của các em để lắng nghe những tâm tư tình cảm mà các em chia sẻ đôi khi với ba mẹ và người thân chưa chắc các em đã giải bày. Phải hòa mình vào các em để nghe các em đang nghĩ gì, đang cần gì và mơ ước những gì... đâu thể cứ áp đặt những gì trong giáo án đã được soạn sẵn bắt các em phải nghe và làm theo. Rất nhiều bài học mà chẳng có giáo án nào soạn được. Nếu bài học nào cũng được soạn sẵn bằng những lớp lang bài bản và cứ thế mà lên lớp thì đâu cần một người thầy. Chỉ cần một rô-bốt dạy học là được. Và như vậy, nghề dạy học có nhàn nhã?!
Có thể mượn câu nói của nhà văn Hộ trong truyện ngắn Đời thừa của Nam Cao về nghề văn để nói về nghề giáo: “Tuy khổ thì khổ thật, nhưng thử có người giàu bạc vạn nào thuận đổi lấy cái địa vị của tôi chưa chắc tôi đã đổi”. Tôi luôn tin chắc rằng, trong những nghề được yêu quý nhất thế gian, chắc chắn có nghề dạy học. Tuy không giàu có về vật chất nhưng là tỷ phú về tinh thần. Mỗi ngày được bước chân lên bục giảng là một lần được tương tác với bao tâm hồn thơ ngây, hồn nhiên, trong sáng của tuổi học trò; được khám phá bao điều mới mẻ, thú vị từ bài giảng. Gieo những hạt giống tâm hồn cho các em bao ước mơ, khát vọng. Sự nghiệp trồng người bao giờ cũng cao quý, như kỹ sư thiết kế bao tâm hồn, như Prômêtê chịu xích xiềng để lấy lửa, thổi vào học trò cháy những khát vọng niềm tin. Đó chẳng phải là hạnh phúc sao, có tiền bạc nào mua được?
Rồi một ngày kia, ta sẽ già, tóc sẽ bạc, bao lớp học sinh ra trường, trưởng thành... sao thấy lòng hạnh phúc vô biên. Chợt thấm thía câu nói của Nhà giáo dục học người Tiệp Khắc vĩ đại Comenxki: “Dưới ánh mặt trời, không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”.
Đặng Quang Sơn