Chuyện “xếp hàng” và văn hóa xếp hàng

(NTO) Tôi cứ nghĩ chuyện xếp hàng nơi công cộng để thực hiện một giao dịch nào đó là hết sức bình thường, nhưng khi nghe cô bạn đi công tác nước ngoài về kể từ xếp hàng đến văn hóa xếp hàng là khoảng cách xa vời. Rồi cô giải thích: Văn hóa xếp hàng nâng tầm văn minh mỗi cá nhân, cộng đồng và cả một dân tộc, quốc gia. Và được nghe bạn kể chuyện mình đã chứng kiến và trải nghiệm tôi mới hiểu thêm rằng “xếp hàng” không đơn giản như bản thân suy nghĩ.

 
Cảnh xếp hàng ra ga và xếp hàng chờ lên tàu tại Nhà ga tàu cao tốc Shinkansen ở Nhật Bản.

Trong lần cô có người nhà phải đi thành phố Hồ Chí Minh khám bệnh, chưa biết giải quyết ra sao thì được bạn mách nước: Muốn khỏi xếp hàng lấy phiếu khám bệnh mình sẽ giúp. Nghe nói, bây giờ bệnh viện tuyến trên luôn quá tải, nhất là ở thành phố, nếu không muốn ngày lấy phiếu, ngày khám bệnh thì phải có mặt từ hai ba giờ sáng xếp hàng lấy phiếu khám bệnh. Bởi thế, được bạn giúp mừng hết cỡ: Cậu có người nhà là bác sĩ bệnh viện hả?–“Không, nhưng tớ có bác xe ôm, gửi biếu bác vài trăm ngàn là có phiếu khám ngay buổi sáng”. Thế thì còn gì bằng, đêm đón xe khách tại Phan Rang, sáng tới thành phố, khám bệnh xong tối về lại, cứ như đi chơi vậy. Nhưng sao tin được bác xe Honda thồ? Tôi nghi ngờ, cô bạn vỗ vai: Bồ yên tâm đi, tớ đã từng nhờ nhiều rồi nên quen. Xếp hàng lấy phiếu khám bệnh ở thành phố bây giờ cũng là nghề làm ăn, họ có mặt xếp hàng từ một, hai giờ sáng, thu nhập ngày cả triệu đồng. Nhưng mình bác xe ôm thì xếp hàng thế nào để có phiếu khám cho cả hàng chục bệnh nhân? Tôi hỏi, bạn cho biết: Việc này thì chịu! Thì ra, có cung ắt có cầu, dịch vụ xếp hàng lấy phiếu khám bệnh thật là tiện ích cho những người ở xa, bận công việc. Nghe chuyện bạn kể, tôi liên tưởng đến cảnh rồng rắn, chen chúc nhau khi xếp hàng mua vé tàu xe dịp tết Nguyên đán, ngày lễ lớn hay vé xem các sự kiện thể thao, giải trí lớn của đất nước. Ai cũng cố bằng mọi cách để mình có được vé và cảnh xô đẩy nhau, tranh giành chỗ, mất trật tự thường xuyên xảy ra. Nhưng chán ngán nhất là người có nhu cầu thực sự xếp hàng chờ chực cả buổi đến lượt mình thì đã hết vé. Bên trong quầy bán báo hết, bên ngoài luôn có người (cò vé) sẵn sàng “để lại” vé mới mức giá cao. Việc xếp hàng chen lấn cố giành cho được đối với mỗi cá nhân đã trở thành việc thường ngày không chỉ việc mua vé tàu xe, vé giải trí nơi công cộng mà có trong nhiều quan hệ xã hội.

Có dịp qua Nhật Bản, dù biết trước người Nhật nổi tiếng về văn hóa xếp hàng nhưng mình vẫn thật sự khâm phục họ. Ở bất cứ đâu, dù mua hàng trong siêu thị, ăn uống tại nhà hàng, lên xuống xe ô tô, tàu cao tốc… mọi người đều theo thứ tự trước, sau và giữ trật tự im lặng đến không ngờ. Tại mỗi sân ga đón tàu cao tốc Shinkansen, chúng tôi dễ dàng bắt gặp nhiều đoàn người ngồi ngay ngắn, trật tự chờ lên tàu, không hề có cảnh đi lại, nói chuyện ầm ĩ mất trật tự. Trên các tuyến đường giao thông, dù ở thành phố hay thôn quê, đâu đâu cũng thấy những dòng xe nối đuôi nhau chạy như xếp hàng, trật tự, đúng tốc độ cho phép. Các bác tài không sử dụng còi điện, còi hơi như kiểu “chơi nhạc” tùy hứng ở ta mà người nước ngoài nhận xét và không có cảnh đường bị ùn tắc do lái xe giành đường, vượt ẩu.

Từ xếp hàng đến văn hóa xếp hàng, người Nhật nâng lên tầm văn minh, ở đó cho thấy sự tôn trọng bản thân, ý thức tập thể, tinh thần tự tôn dân tộc. Và mỗi chúng ta, ai lại không muốn được thế giới tôn vinh “Văn hóa xếp hàng của người Việt!”. Điều đó sẽ là hiện thực khi mỗi cá nhân đặt lợi ích của mình trong lợi ích tập thể và trên hết là quê hương, dân tộc, đất nước mình.