Vướng mắc trong việc dạy và học ngoại ngữ các cấp học trong tỉnh

(NTO) Qua 5 năm triển khai thực hiện Kế hoạch 1679/KH-UBND ngày 12-4-2012 của UBND tỉnh về triển khai Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, đến nay tuy vẫn còn những hạn chế, nhưng nhìn chung việc dạy và học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh ta đã đạt được những kết quả nhất định.

Nhiều chuyển biến tích cực

Trường THCS Lê Hồng Phong (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) là một trong những đơn vị triển khai hiệu quả Đề án Dạy học ngoại ngữ. Ngay từ khi bắt đầu thực hiện đề án, nhà trường đã chỉ đạo Tổ Tiếng Anh thực hiện theo các công văn hướng dẫn của ngành Giáo dục và Đào tạo. Cô giáo Nguyễn Thị Minh Trang, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trong những năm học vừa qua, nhờ được trang bị một số máy móc, thiết bị như: tranh ảnh, máy cassette, Laptop, máy chiếu nên thời gian qua kết quả bộ môn tiếng Anh cuối năm từ lớp 6 đến lớp 9 đối với lớp thí điểm đạt khá cao, riêng các lớp tham gia chương trình mới đại trà ở những năm học sau cũng có nhiều kết quả khả quan.

 
Tiết học tiếng Anh của Trường THCS Lê Hồng Phong, Tp. Phan Rang- Tháp Chàm.

Còn tại Trường TH Tấn Tài 3 (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), việc dạy học tiếng Anh đã có những tiến bộ vượt bậc trong những năm học qua. Cô giáo Lâm Thị Phú, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để học môn tiếng Anh đạt hiệu quả, nhà trường chú trọng tới 4 kỹ năng cho HS, đó là: Nghe, nói, đọc và viết, trong đó khuyến khích HS nghe những bài hát và xem những bộ phim tiếng Anh, tìm hiểu câu từ cần thiết để hiểu được nội dung, ngoài ra nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu bằng tiếng Anh với tình nguyện viên người nước ngoài để HS dạn dĩ hơn trong việc giao tiếp, có cơ hội đối thoại bằng tiếng Anh. Nhờ những giải pháp tích cực nên việc dạy học tiếng Anh trong nhà trường đã đạt nhiều kết quả tích cực. Nếu như năm học 2011-2012, HS khá, giỏi môn tiếng Anh đạt 65%, HS trung bình đạt 35% thì trong 2 năm học gần đây HS khá, giỏi đạt 100%. Đặc biệt có nhiều HS tham gia các cuộc thi tiếng Anh qua Internet và đạt nhiều giải thưởng ở cấp thành phố, cấp tỉnh và cấp quốc gia.

Theo đánh giá của đồng chí Nguyễn Bá Ninh, Giám đốc Sở GD&ĐT, qua 5 năm triển khai thực hiện Kế hoạch 1679/KH-UBND đã đạt được những thành quả bước đầu đáng ghi nhận. Ở cấp TH, trong điều kiện khó khăn của tỉnh và là môn học tự chọn, môn tiếng Anh đã được đưa vào dạy học và tăng dần quy mô trường lớp. Ở cấp phổ thông, Ninh Thuận là một trong 36 tỉnh, thành phố của cả nước tham gia chương trình dạy học tiếng Anh thí điểm (Chương trình tiếng Anh hệ 10 năm) theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT về việc triển khai Đề án Ngoại ngữ quốc gia đến năm 2020. Nhìn chung, môn tiếng Anh đã tạo được phong trào học tập tốt, chất lượng dạy học được nâng lên, số lượng HS tham gia các cuộc thi chọn HS giỏi, thi trên Internet ngày càng nhiều và được phụ huynh, HS, xã hội quan tâm hưởng ứng, đội ngũ giáo viên phổ thông đã được tăng cường bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn và phương pháp dạy học nên năng lực ngôn ngữ và chất lượng dạy học được nâng lên. Đã đầu tư, trang bị những thiết bị dạy học tối thiểu cho các trường phổ thông và các trung tâm trong toàn tỉnh để phục vụ cho dạy học ngoại ngữ.

Còn nhiều khó khăn, hạn chế

Theo thống kê, hiện nay tỉnh ta có 115/152 trường dạy học tiếng Anh ở cấp TH; ngoài việc tổ chức dạy học tiếng Anh hệ 7 năm cho tất cả HS THCS và THPT còn tổ chức dạy học tiếng Anh theo hệ 10 năm ở 19/64 trường THCS, 4/19 trường THPT. Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc dạy học tiếng Anh, tuy nhiên đến nay công tác này vẫn còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, ở cấp TH không có biên chế giáo viên giảng dạy môn tiếng Anh nên việc tổ chức dạy học tiếng Anh ở cấp TH chưa đúng quy định và đảm bảo lộ trình kế hoạch đã đề ra. Hiện nay các trường TH hầu hết đều phải hợp đồng giáo viên dạy tiếng Anh. Chia sẻ về vấn đề này, đồng chí Cấn Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, cho biết: Hiện nay, ở 16 trường TH tại huyện Bác Ái là “điểm trắng” về dạy học tiếng Anh, nguyên nhân là do điều kiện kinh tế của người dân khó khăn nên không thể huy động được sự đóng góp của cha mẹ HS để hợp đồng giáo viên dạy tiếng Anh. Việc không được học tiếng Anh ở cấp TH là trở ngại và thiệt thòi rất lớn đối với HS khi các em lên cấp THCS sẽ không bắt kịp được chương trình tiếng Anh ở cấp học này. Vì vậy, đối với một huyện đặc thù như Bác Ái, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh để HS TH trên địa bàn có thể được học tiếng Anh.

Trang bị phương tiện nghe nhìn hiện đại góp phần nâng cao chất lượng dạy và học môn ngoại ngữ.
Trong ảnh; Tiết học Tiếng Anh của học sinh Trường THPT Nguyễn Du, huyện Ninh Sơn. Ảnh: Sơn Ngọc

Tương tự như huyện Bác Ái, tại các địa phương khác việc dạy học tiếng Anh tại các trường TH vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng không được triển khai do còn thiếu kinh phí và biên chế giáo viên. Bên cạnh đó, tuy đã được bồi dưỡng, tập huấn nhiều, nhưng do được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau nên trình độ năng lực của giáo viên dạy tiếng Anh chưa đáp ứng yêu cầu dạy học theo chương trình mới (so với yêu cầu của Kế hoạch còn hơn 50% giáo viên chưa đạt chuẩn năng lực). Chất lượng dạy học môn tiếng Anh trong trường phổ thông còn thấp, trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thi THPT, thi Olympic tiếng Anh và Olympic đạt kết quả chưa cao.

Đồng chí Nguyễn Bá Ninh cho biết thêm: Thời gian tới sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn về biên chế, kinh phí hợp đồng giáo viên để tổ chức dạy học tiếng Anh ở tất cả các trường TH. Tiếp tục mở rộng quy mô dạy học theo chương trình tiếng Anh 10 năm ở các trường phổ thông. Đặc biệt, sẽ từng bước đưa môn tiếng Anh là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT chuyên và khuyến khích trong kỳ thi vào lớp 10 THPT…