(NTO) Xế chiều, trời như sắp đổ cơn mưa. Rảnh rỗi, định giúp bà xã làm một số việc mà bà đã nhờ từ… tháng trước, mãi đến nay mới nhớ, chợt ông bạn hàng xóm “a-lô” mời sang nhà uống trà và chờ… cơn mưa đến. Rõ khổ, nói ra sợ “người yêu” buồn, chứ phải đi thôi, ngồi nhà với… vợ mãi, coi sao được nhỉ! Mới nhấp hớp trà thì mưa, lúc đầu mưa rả rích, rồi thì mưa miên man. Không nặng hạt, nhưng mưa như trùm một màn sương mỏng xám bầu trời. Nhìn khoảng sân trước nhà loáng nước, ông bạn đã trên sáu mươi chép miệng ngán ngẩm: Đã nói tháng này ông trời hay làm cơn mưa chiều, mà mẹ con chúng nó lại cứ rủ nhau lên phố mua sắm, rõ khổ. Ngày Nhà giáo năm nay sắp đến gần, lúc trưa đã nghe mẹ con râm ran bàn chuyện quà cáp biếu thầy, cô đứa cháu nội nhân ngày trọng đại này!
Tự nhiên tôi nhớ hồi xưa, khi lứa con cái chúng tôi đi học, lúc này đất nước mới sau chiến tranh, kinh tế còn nghèo, do vậy cuộc sống của mỗi gia đình cũng còn nhiều khó khăn, mãi lo toan, chăm chút cho cuộc sống nên mọi sự hiếu hỉ, quan hệ được biểu lộ trong một chừng mực nào đó, chứ không được… thông thoáng như bây giờ! Hồi đó, gia đình tôi ở trong khu tập thể của giáo viên, nên rất rõ “không khí” của ngày 20-11. Mới sáng sớm, các trò nhỏ tập hợp đâu đó rồi kéo thành đoàn vào thăm nhà thầy, cô. Trên tay, có em cầm cành hoa nhựa, bó hoa dại, tấm thiệp tự làm với những dòng chữ nguệch ngoạc lời chúc ngây ngô nhưng đáng yêu vô cùng; nhiều em xách các túi, bịch khoai lang, xoài, đu đủ, vài trái dừa… Ôi, những món quà quê rất đỗi bình thường nhưng sao mà thân thương đến vậy! Còn các thầy cô cũng đã trang trí chút ít nhà cửa, nấu chè, chuẩn bị bánh kẹo để đón học sinh. Rồi thầy trò cùng luộc khoai, chặt dừa, ăn chè, bánh, trái cây… Các em vừa ăn, vừa dành phần mang về, rồi chọc ghẹo nhau, thưa gửi đủ chuyện, ồn ào nhưng thật ngộ nghĩnh và vui… như tết, biết nói sao cho hết ý nghĩa? Ít năm sau, cũng cách tặng quà đã có phần khác, ngày càng ít dần đi những món quà quê “cây nhà lá vườn” của một thời chưa xa lắm!
Ngày xưa, tôi cũng có thời làm giáo viên, cho nên chợt nghĩ, những món quà giá trị, những phong bì đầy tiền sẽ chẳng để lại dấu ấn gì. Bởi giờ đây, có những phụ huynh lại tặng quà cho giáo viên với suy nghĩ được họ quan tâm là để bắc “cầu kiều”, để “mua” sự bình yên, an toàn cho con em mình. Điều đó thật đáng buồn! Có những bậc cha mẹ còn bàn bạc về chuyện tặng quà cho thầy, cô như thế nào trước mặt các em, như hỏi ai dạy môn nào quan trọng, không quan trọng để… chọn quà cho phù hợp, thấy mà buốt lòng. Thế mới hay, cho dù là cành hoa, tấm thiệp hay những món quà nho nhỏ đều phải xuất phát từ tấm lòng mà không có sự toan tính hay ẩn nấp động cơ nào khác. Người tặng luôn thành tâm, người nhận cũng vô tư, thoải mái và hạnh phúc vì mình được trân trọng, tôn vinh theo đúng nghĩa nhà giáo!
Ngày Nhà giáo đang đến gần, xin đừng làm vẩn đục tâm hồn con trẻ vì những toan tính của người lớn. Hãy để ngày 20-11 thực sự là những ngày vui, đúng nghĩa. Nếu mọi mối quan hệ lấy thước đo vật chất làm đầu, sẽ không bao giờ được bền chặt!
Minh Sĩ