Đọc sách là một văn hóa
Thuật ngữ “Văn hóa đọc” là khái niệm mới được dư luận xây dựng lên, mặc dù vậy, song song cùng với sự phát triển của xã hội, thuật ngữ văn hóa đọc ngày càng được đề cập nhiều hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đọc sách vẫn luôn được khẳng định là một nhu cầu thiết yếu với những thế mạnh riêng của chính nó, một cách thưởng thức văn hóa sang trọng và có chiều sâu; là phương cách tốt nhất để làm giàu có vốn liếng ngôn từ của con người. Khối lượng kiến thức thu thập được từ việc đọc chính là một thước đo đánh giá tầm vóc tri thức của mỗi người.
Đọc sách đồng nghĩa với việc bạn đang khám phá những kiến thức, những điều mới mẻ, thú vị. Bạn phải suy nghĩ cùng tác giả, bạn phải tưởng tượng, liên tưởng đến những gì đang diễn ra, tự đặt mình vào trong hoàn cảnh của câu chuyện để học hỏi, trải nghiệm. Và khi đọc bạn sẽ tự đặt ra câu hỏi như tại sao lại thế này, tại sao lại thế kia, chúng giống nhau gì, khác nhau gì… Chính điều này giúp hình thành cho bạn tư duy tốt, khả năng nhìn nhận vấn đề lôgic và toàn diện. Không những thế, việc đọc sách còn giúp bạn học được cách phân tích vấn đề của tác giả và áp dụng vào cuộc sống của mình. Khi có nền tảng tốt về tư duy, về nhìn nhận, phân tích vấn đề, bạn sẽ có những sáng tạo bất ngờ, thú vị trong những tình huống khó khăn. Đây chính là lợi ích tuyệt vời bậc nhất mà sách đem lại cho con người.
Trong thời buổi công nghệ phát triển chóng mặt như hiện nay thì việc học và làm việc trên máy tính là sự lựa chọn hàng đầu của các bạn trẻ. Đây là việc tốt để cập nhật thông tin, tiếp cận công nghệ nhưng nó ảnh hưởng rất nhiều đến sự tập trung, hiệu quả làm việc của các bạn. Bạn đã từng bao giờ lên mạng để học nhưng lại lan man sang facebook, check mail, đọc tin tức… và nhận ra thời gian trôi qua thật nhanh mà mình chưa học được gì. Khi đọc một cuốn sách thì ít nhất bạn sẽ không có phương tiện để lan man sang những vấn đề khác, tất cả sự tập trung của bạn sẽ hướng vào câu chuyện, vào những tình tiết nhỏ đang thu hút bạn. Thói quen này sẽ hình thành cho bạn khả năng tập trung cao độ trong học tập, làm việc. Hãy dành 15-20 phúp trước khi làm việc để đọc vài trang sách bạn sẽ nhận thấy hiệu quả không ngờ mà nó đem lại.
Thực trạng văn hóa đọc sách
Nhiều ông bố bà mẹ mong muốn tạo cho con mình một thói quen tốt là ham mê đọc sách từ thuở ấu thơ. Không chỉ dừng lại ở việc thu nhận thông tin, người ta đến với sách để thưởng thức vẻ đẹp của kiến thức thông qua lăng kính sáng tạo của tác giả. Trong một bài viết, giáo sư Trần Bạch Đằng nêu một ý kiến rất xác đáng rằng: “Không thể lấy lăng kính “hàn lâm” để nhìn việc đọc sách của công chúng, mà phải lấy lăng kính của công chúng soi lại việc viết sách của chúng ta…”. Rõ ràng, khi nêu ra khái niệm văn hóa đọc có nghĩa là chúng ta đang ngày một đề cao tính nghệ thuật, tính thưởng thức văn hóa đích thực trong việc đọc sách, vượt lên trên khái niệm đọc đơn thuần. Tóm lại, “Không có sách thì không có tri thức”!
Ý nghĩa là thế nhưng thực trạng văn hóa đọc sách ở Việt Nam hiện nay thật đáng lo ngại qua một số thống kê cụ thể như: có đến 32,27% công chức chỉ dành có 30 phút một ngày cho việc đọc sách, còn tầng lớp cán bộ lãnh đạo, quản lý chỉ có trên 10% đọc sách 2 giờ một ngày, con số quả là rất ít. Hiện nay, ở các nước phát triển như: Israel, Pháp, Nhật Bản, trung bình 1 người dân đọc từ 20 cuốn sách/năm. Các nước trong khu vực như: Singapore, số sách người dân đọc trung bình là 14 cuốn/năm; Malaysia là 10 cuốn/năm. Còn ở Việt Nam, trung bình 1 người chỉ đọc 4 cuốn sách/năm, trong đó 2,8 cuốn là sách giáo khoa, 1,2 cuốn là sách khác !
Chúng ta cần phải bắt đầu từ gốc rễ, phải xây dựng hạ tầng cơ sở cho văn hóa đọc. Muốn vực dậy và phát triển văn hóa đọc, phải thay đổi cả hệ thống giáo dục và nhận thức. Không phải cứ in ra nhiều sách là xây dựng được văn hóa đọc. Một khi việc đọc sách được phổ cập rộng rãi từ nhỏ tới lớn, hình thành và phát triển theo cả một chặng đường dài và cả quãng thời gian sống, con người mới phát triển và định hình được văn hóa đọc cho cá nhân mình. Lúc đó tự bản thân mỗi người sẽ thấy việc đọc cần thiết như ăn cơm, uống nước hằng ngày.
Tri thức được coi như là tiêu chuẩn đánh giá mọi giá trị xã hội. Tri thức và kỹ năng trở thành cái căn bản của sự sinh tồn và phát triển, chính vì thế mà việc đọc sách cần phải được coi trọng, vì sách giúp cho con người nâng cao tri thức, tích luỹ kinh nghiệm để vận dụng vào cuộc sống. Maxime Gorki nói: “Sách vở biến chúng ta thành con người hạnh phúc”. Để có được cái lạc thú của việc đọc sách, để đi đến đỉnh cao của tri thức, mỗi người chúng ta hãy cố gắng cúi mình trước những trang sách ấy đi.
Minh Uyên