Lỗi tại...hoàn cảnh

Nghe chuyện mưa lũ miền Trung, bác cán bộ nghỉ hưu chép miệng: Thiệt khổ, cái vùng nắng nóng khô hạn vốn đã quá khó khăn nay lại lũ lụt nặng, đúng là "hoạ vô đơn chí". Tôi góp thêm: Đã khó lại hoàn cảnh, dân miền Trung khổ đơn khổ kép bác ạ. Nghe hai chữ “hoàn cảnh” bác như dựng dậy: Vậy mà có kẻ làm ăn gian dối cứ đổ cho hoàn cảnh (lũ lụt) để làm giàu, chúng đúng là…

1. Chuyện thường ngày ở cơ quan: Đi làm việc trễ giờ

Như thường lệ, sáng thứ hai ngày đầu tháng, cơ quan tổ chức chào cờ kết hợp triển khai việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và quán triệt một số nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện. Ngay sau lễ chào cờ, nhận thấy số công chức, viên chức vắng mặt khá nhiều, Thủ trưởng cơ quan yêu cầu Văn phòng điểm danh nắm danh sách số cá nhân đi làm việc trễ giờ của từng tập thể. Kết thúc chương trình chào cờ, sếp yêu cầu từng cá nhân báo cáo lý do trễ giờ làm việc. Cô có con nhỏ báo cáo tại bé quấy, khóc; cậu nhà xa báo tại trời mưa đường xấu, hư hỏng nặng, người và xe đông không đi nhanh được; anh nhà làm nông thì tại sáng chạy nước chống lụt cho rẫy táo cạnh nhà nên đi làm trễ; có cậu còn khá trẻ thì do lỗi tại cái đồng hồ quên báo thức… Nghe từng người trình bày, Thủ trưởng kết luận: Thế ra các đồng chí đi làm trễ đều tại “hoàn cảnh”, còn những người đi làm việc đúng giờ là vì không hoàn cảnh!!! Nghe câu chuyện đi làm việc trễ giờ ở Việt Nam, anh bạn Việt kiều sống và làm việc tại CHLB Đức trong dịp về thăm quê nhận xét: Ở nước mình sướng thiệt, bên đó mà đi làm trễ thì… cúp lương, thậm chí sa thải!

2. Chỉ tại học qua “loa”

Ngày mới chuyển công tác về cơ quan tỉnh, tôi được cơ quan cử đi học lớp Anh văn vào ban đêm. Lớp học đa số là công chức, viên chức thuộc các cơ quan tỉnh. Tự thấy trình độ ngoại ngữ còn hạn chế nên dù mưa, gió tôi vẫn đến lớp đầy đủ, chịu khó học hành. Ngày đầu khai giảng người học kín cả phòng nhưng theo thời gian số học viên thường xuyên theo học chỉ hơn nửa lớp. Ngày thi, học viên không thiếu một ai và kết quả thì ai yếu quá mới thi lần hai, còn hầu như đậu hết. Thấy lạ, tôi dò hỏi anh bạn cùng học: Có người chỉ có mặt lúc khai giảng và thi nhưng sao họ đậu nhỉ? Nhìn tôi từ đầu đến chân rồi cậu ta thốt lên: Tớ xem có phải cậu ở hành tinh khác đến không. Này nhé, bạn xem cơ quan mình có nhu cầu sử dụng ngoại ngữ không hầu như là ta với ta, tiếng Việt chưa thông nói chi tiếng Tây! Cái việc phải học ngoại ngữ là bởi chức danh công việc yêu cầu phải có chứng chỉ, thế nên học cho đủ bộ sưu tập. Trường hợp cơ quan kiểm tra trình độ ngoại ngữ cứ đổ cho việc học qua “loa” nhanh quên hoặc lâu quá không sử dụng nó mai một.

Chuyện học qua “loa” để đáp ứng chuẩn hóa quy định được lãnh đạo đơn vị biểu làm họ “tiến-thoái lưỡng nan”. Anh chia sẻ: Số anh chị em công tác thời bao cấp nay cho đi học đạt chuẩn trình độ nhưng năng lực thực hiện nhiệm vụ đạt yêu cầu thì quá ít. Họ cho rằng đi học tốn kém, không giúp đỡ được gia đình, lương thấp không thu nhập thêm, ảnh hưởng đến kết quả học tập; người thì tuổi lớn học vô thì khó mà ra quá nhanh; lại còn việc giảng viên lên lớp nói nhanh như gió, nghe-chép bài không kịp, nghiên cứu tài liệu thì không hiểu… vậy nên Bằng thì được cấp nhưng kiến thức đã “gửi” lại thầy. Thế nên, việc xây dựng đơn vị xứng tầm quan tâm đầu tư của tỉnh, kỳ vọng của ngành và mong muốn của người dân đang là bài toán khó giải.

3. Lỗi tại “hoàn cảnh”

Hoàn cảnh hay khách quan đang là cái cớ để người ta lấy đó che chắn cho sự yếu kém, thiếu trách nhiệm của chính mình. Lỗi tại… hoàn cảnh hiện diện ở mỗi cá nhân, tập thể, mọi lúc, mọi nơi và nó chính là nguy cơ cản trở sự tiến bộ mỗi cá nhân, sự phát triển của tập thể. Và để "nhận lỗi" là của chính mình rất cần sự dũng cảm, lòng tự trọng của mỗi cá nhân, bên cạnh đó pháp luật cũng phải có những quy định cụ thể để không còn lỗi tại “hoàn cảnh”.