Thực tế cho thấy, hiện nay việc bảo đảm bình đẳng giới giữa nam và nữ về thực chất đang còn nhiều thách thức. Theo số liệu điều tra quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ vào năm 2010 cho thấy, 34% phụ nữ từng kết hôn cho biết đã từng bị chồng mình bạo hành thể xác hoặc tình dục, 58% cho biết đã từng chịu ít nhất một trong ba hình thức bạo lực về thể chất, tinh thần và tình dục trong đời. Đặc biệt, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là tình trạng xâm hại, bạo lực với trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc toàn xã hội. Trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em gái. Ngoài ra, trẻ em gái không những là nạn nhân bạo lực gia đình mà còn là đối tượng dễ bị buôn bán và bạo lực ngoài môi trường gia đình. Theo các chuyên gia, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là là nguy cơ tiềm tàng phá vỡ sự ổn định, bền vững của gia đình, trật tự an toàn xã hội và vi phạm nghiêm trọng tới quyền con người. Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái không chỉ gây ảnh hưởng về mặt thể xác, tinh thần cho nạn nhân, mà còn dẫn tới thiệt hại về kinh tế cho gia đình và xã hội. Theo kết quả nghiên cứu “Ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gia đình gây ra với phụ nữ tại Việt Nam” của Liên Hợp Quốc, những chi phí và thiệt hại về kinh tế do bạo lực gây ra chiếm gần 1,5 % GDP năm 2012 của Việt Nam. Tuy nhiên, chi phí xã hội còn cao hơn do bạo lực đối với phụ nữ ảnh hưởng đáng kể đối với sự gắn kết xã hội và khả năng phục hồi của cộng đồng. Bạo lực dẫn tới kìm hãm tăng trưởng kinh tế và gia tăng đói nghèo của quốc gia.
Nước ta được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua, đặc biệt là trong lĩnh vực lao động, việc làm, chăm sóc sức khỏe. Để đạt được điều này, Việt Nam đã chú trọng ban hành và tổ chức thực hiện một số chính sách, pháp luật nhằm tạo chuyển biến tới toàn xã hội về nhận thức và hành động về bình đẳng giới. Tuy nhiên, như đã nói trên công tác này vẫn còn nhiều thách thức trong việc đảm bảo bình đẳng giới thực chất giữa nam và nữ, khoảng cách giới vẫn còn tồn tại trong nhiều lĩnh vực cuộc sống. Do vậy, Tháng hành động năm nay với chủ đề như đã nêu là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông đẩy mạnh các hoạt động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Được biết, Tháng hành động sẽ diễn ra từ ngày 15-11 đến 15-12 với các thông điệp: Bình đẳng giới là chìa khóa để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là vi phạm pháp luật!; Chung tay xây dựng một xã hội không còn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái!; Hãy lên tiếng khi bạn chứng kiến bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái!...
Hy vọng qua Tháng hành động sẽ có sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng để đẩy lùi bạo lực trên tinh thần “.Hãy hành động để chấm dứt ngay bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái!” như thông điệp đưa ra.
HH