Chăm sóc dinh dưỡng

NUÔI CON BẰNG SỮA MẸ

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất, phù hợp nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đặc biệt trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa (hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn), thực phẩm khan hiếm thì sữa mẹ càng quý.

Những ích lợi của nuôi con bằng sữa mẹ

- Sữa mẹ là loại thức ăn, thức uống tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vì chứa nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, lại có chất kháng khuẩn giúp phòng bệnh cho trẻ.

- Sữa mẹ giúp trẻ em phát triển khỏe mạnh và thông minh.

- Sữa mẹ không mất tiền để mua và luôn có sẵn.

- Sữa mẹ an toàn và sạch vì được lấy trực tiếp từ bầu vú của bà mẹ.

- Bú sữa mẹ giúp tăng cường sự gắn bó tình cảm giữa mẹ và con.

- Cho trẻ bú làm giảm sự căng thẳng, lo âu của bà mẹ, nhất là trong hoàn cảnh xảy ra thiên tai, thảm họa.

Những nguy hiểm khi sử dụng sữa công thức (sữa bò, sữa bột) trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa (hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn…)

- Sữa công thức không thể thay thế được những ích lợi của sữa mẹ.

- Cho trẻ ăn sữa công thức làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như tiêu chảy và các bệnh truyền nhiễm khác do điều kiện vệ sinh không tốt. Đặc biệt nguy hiểm trong những hoàn cảnh khẩn cấp, khi xảy ra thiên tai thảm họa (hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn…) vì:

+ Môi trường không bảo đảm vệ sinh;

+ Thiếu điều kiện đun sôi nước (thiếu nước sạch, thiếu nhiên liệu, thiếu dụng cụ đun nước) để pha sữa một cách hợp vệ sinh;

+ Nước và các dụng cụ khác dùng pha sữa có thể bị nhiễm khuẩn.

Vì thế, sữa mẹ là thức ăn tốt nhất, phù hợp nhất đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đặc biệt là trong hoàn cảnh khẩn cấp khi có thiên tai, thảm họa xảy ra

- Cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh; nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu; tiếp tục cho trẻ ăn bổ sung hợp lý và bú sữa mẹ đến 24 tháng hoặc lâu hơn.

- Trong hoàn cảnh xảy ra thiên tai, thảm họa, bà mẹ cần được hỗ trợ để được nghỉ ngơi, thư giãn, không quá lo lắng; chú ý ăn no, uống đủ và cho con bú thường xuyên, đây là những biện pháp để giúp tái tiết sữa và duy trì đủ nguồn sữa mẹ để nuôi con.

 Sử dụng thước đo vòng cánh tay (Muac) để phát hiện và xử trí kịp thời trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng

Sự nguy hiểm khi trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng không được phát hiện kịp thời

- Trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng là tình trạng trẻ bị suy kiệt nặng vì thiếu năng lượng và chất đạm do bữa ăn của trẻ bị thiếu các chất dinh dưỡng kéo dài trong điều kiện xảy ra thiên tai, thảm họa (như hạn hán nặng, kéo dài; lũ lụt; xâm nhập mặn).

- Nếu trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng không được phát hiện sớm, trẻ sẽ bị các biến chứng như phù nề, nôn (ói), sốt, viêm đường hô hấp, tiêu chảy có thể làm mất nước và rối loạn cân bằng điện giải rất nguy hiểm. Trường hợp này cần phải nhập viện cấp cứu để được cứu sống trẻ. Điều trị ở bệnh viện, mất rất nhiều công sức và tốn kém.

- Khi trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng được phát hiện kịp thời, việc điều trị phục hồi có thể thực hiện ngay tại gia đình.

Dấu hiệu trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng

Trẻ có các biểu hiện gầy yếu, mệt mỏi, thờ ơ, buồn bã, không tự chơi, hay buồn ngủ, chán ăn hay bỏ ăn.

Các bà mẹ và người chăm sóc trẻ hãy quan tâm báo ngay cho nhân viên y tế thôn/ấp, hoặc y tế xã nếu trẻ có các biểu hiện trên.

Phát hiện sớm trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng bằng thước đo vòng cánh tay (Muac)

Sử dụng thước đo vòng cánh tay (Muac) để kiểm tra số đo chu vi vòng cánh tay của trẻ (đo bên tay không thuận của trẻ, thường là bên tay trái) để đánh giá tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính của trẻ, là một dụng cụ đơn giản để xác định tình trạng dinh dưỡng của trẻ trong hoàn cảnh xảy ra thiên tai, thảm họa.

Mọi cộng tác viên, y tế thôn bản đều được cung cấp và được hướng dẫn, tập huấn sử dụng thước đo vòng cánh tay (Muac) đúng cách. Các bà mẹ cũng cần được các cộng tác viên hướng dẫn thực hành đo vòng cánh tay trẻ tại nhà để sớm phát hiện trẻ suy dinh dưỡng nếu có.

- Khi vòng cánh tay trẻ nhỏ ở khoảng giữa cánh tay, nếu từ 11,5-12cm là trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính vừa. Đưa trẻ đến trạm y tế để được cán bộ y tế hướng dẫn cách chăm sóc và sử dụng gói bột Đa vi chất dinh dưỡng vào mỗi bữa ăn hàng ngày.

- Khi vòng cánh tay trẻ nhỏ hơn 11,5cm là trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng, cần đưa trẻ ngay đến trạm y tế để được cán bộ y tế hướng dẫn cách chăm sóc và hướng dẫn điều trị cho trẻ tại nhà bằng sản phẩm dinh dưỡng.

- Bà mẹ nên đưa con đi cân trẻ dưới 24 tháng hàng tháng để theo dõi cân nặng của con mình.

Phòng chống thiếu máu do thiếu sắt và thiếu đa vi chất cho phụ nữ mang thai và bà mẹ đang cho con bú

Tầm quan trọng của sắt đối với sức khỏe

- Sắt là một trong những vi chất dinh dưỡng rất quan trọng đối với sức khỏe.

- Sắt đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ mang thai và bà mẹ đang cho con bú vì nó giúp trẻ sinh ra và lớn lên khỏe mạnh, thông minh.

- Sắt đóng một vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng, phát triển thể chất của trẻ em và thanh thiếu niên, vì nó giúp cơ thể phát triển một cách khoẻ mạnh và hài hòa.

Hậu quả của thiếu máu do thiếu sắt

- Thiếu sắt là nguyên nhân chính dẫn đến thiếu máu ở phụ nữ và trẻ em.

- Giảm khả năng lao động: dễ mệt mỏi, khả năng lao động giảm.

- Ảnh hưởng tới năng lực trí tuệ làm mất ngủ, mệt mỏi, kém chú ý, kém tập trung, dễ bị kích thích.

Ảnh hưởng đối với phụ nữ có thai và trẻ sơ sinh:

- Bà mẹ dễ bị tai biến khi đẻ, đẻ non, dễ bị băng huyết, gây nguy hiểm đến tính mạng mẹ và con.

- Thiếu máu dinh dưỡng trên bà mẹ mang thai gây ra suy dinh dưỡng bào thai, trẻ sơ sinh nhẹ cân, yếu, trẻ bị suy dinh dưỡng ngay từ lúc được sinh ra.

- Thiếu máu dinh dưỡng làm tăng tỷ lệ mắc bệnh của mẹ và con, là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong bà mẹ.

Dấu hiệu thiếu máu do thiếu sắt

- Thiếu máu nhẹ: thường mệt mỏi, buồn ngủ, kém tập trung.

- Thiếu máu nặng: thường hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, làm việc mau mệt, khó thở khi lao động gắng sức, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn.

- Da xanh xao, niêm mạc mắt lợt màu, lưỡi nhạt trắng, tóc móng khô, giòn dễ gảy, chân có khi phù nhẹ.

Phòng chống thiếu máu do thiếu sắt cho phụ nữ mang thai và bà mẹ đang cho con bú

Trong điều kiện thiên tai, thảm họa (lũ lụt, hạn hán nặng và kéo dài, xâm nhập mặn), bữa ăn không đủ chất dinh dưỡng, phụ nữ có thai, bà mẹ đang cho con bú có nguy cơ cao bị thiếu máu do thiếu sắt và thường kèm theo thiếu cả các vi chất dinh dưỡng khác như acid folic, canxi, kẽm, vitamin A.

- Phụ nữ đang mang thai, bà mẹ đang cho con bú cần đến trạm y tế để nghe tư vấn về phòng chống thiếu máu do thiếu sắt và nhận viên đa vi chất dinh dưỡng.

Cần uống đều đặn mỗi ngày một viên đa vi chất dinh dưỡng theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

- Ăn đủ 4 nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, các loại đậu hạt), chất béo (dầu, mỡ), chất tinh bột (gạo, nếp, bắp, khoai, bo bo) và các loại rau, củ quả. Nên tận dụng đất quanh nhà để làm ô dinh dưỡng gia đình, chăn nuôi gia súc, gia cầm để có thêm thức ăn và nên dùng những thực phẩm sẵn có ở địa phương vừa rẻ, tươi và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi

Triệu chứng thiếu máu và vi chất dinh dưỡng

- Thiếu máu nhẹ ở trẻ em làm trẻ ít hoạt động, biếng ăn, tăng cân chậm, nhận thức chậm, trí nhớ kém, giảm thành tích học tập, trong lớp hay ngủ gật.

- Triệu chứng thiếu máu nặng hoặc kéo dài làm trẻ lờ đờ, kém linh hoạt da xanh, niêm mạc nhợt (niêm mạc mắt, lợi), tóc, móng tay khô dễ gảy, đầu lưỡi có những đám tập trung các hạt sắc tố đỏ sẫm, lòng bàn tay nhợt nhạt, nhịp thở nhanh, mạch nhanh.

- Có khi trẻ phù nhẹ, lở loét da.

- Trẻ em kém phát triển cả về thể chất và trí tuệ kém linh hoạt, tiếp thu kém, giảm khả năng học tập. Giảm sức đề kháng cơ thể. Dễ bị các bệnh nhiễm khuẩn tấn công.

Phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi

- Cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh; nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu; tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ kết hợp với ăn bổ sung hợp lý đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn; cho trẻ ăn bổ sung (bột, cháo) trộn với gói bột đa vi chất dinh dưỡng theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

- Ăn đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm: Bữa ăn của trẻ cần các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng (như các loại rau có màu xanh sẫm, các loại quả chín có màu vàng, đỏ, các loại thịt, cá, trứng, tôm, cua, lươn, ếch…) và chất béo (như dầu ăn, mỡ) để giúp trẻ hấp thu tốt vitamin A, vitamin D.

- Bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ trong độ tuổi 6-59 tháng, 2 lần/năm. Ngoài ra, trẻ em dưới 5 tuổi thuộc trường hợp có nguy cơ cao (suy dinh dưỡng nặng; sau viêm phổi, tiêu chảy kéo dài, sau bệnh sởi) được bổ sung 1 liều vitamin A theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

-Trẻ từ 24-60 tháng tuổi cần uống thuốc tẩy giun 2 lần/năm. Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường phòng chống nhiễm giun.

- Sử dụng muối iốt và các sản phẩm có bổ sung iốt trong bữa ăn hàng ngày của trẻ.

Trong hoàn cảnh khẩn cấp do ảnh hưởng của thiên tai kéo dài, bổ sung bột đa vi chất dinh dưỡng cho bữa ăn của trẻ theo hướng dẫn của cán bộ y tế là một giải pháp rất hữu hiệu. Người chăm sóc trẻ sẽ được cán bộ y tế hướng dẫn để tiếp tục theo dõi diễn biến của trẻ và tư vấn về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ.