Các địa phương tập trung khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất sau mưa lũ

(NTO) Ngay sau khi mưa lũ đi qua, chính quyền, các lực lượng chức năng cùng người dân trong tỉnh bắt tay ngay vào việc khắc phục hậu quả do mưa lũ, nhằm nhanh chóng ổn định đời sống sinh hoạt và khôi phục sản xuất.

Tại huyện Bác Ái, qua thống kê sơ bộ, ngoài số diện tích cây trồng bị thiệt hại do ngập úng ở một số xã, thì địa phương có 42 căn nhà bị sập và hư hỏng nặng. Một số tuyến đường và bờ kè trên địa bàn 2 xã Phước Bình, Phước Tiến bị sạt lở và hư hỏng, nghiêm trọng nhất là tuyến đường 707 đoạn qua xã Phước Bình bị tắc nghẽn giao thông gần 3 ngày liền. Bà Cấn Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Bác Ái, cho biết: Sáng 8-11, ngành Giao thông tỉnh đã đưa xe và phương tiện lên hỗ trợ xã Phước Bình khắc phục tuyến giao thông bị sạt lở nghiêm trọng từ thôn Bạc Rây 1 đi thôn Bạc Rây 2, dự kiến sẽ thông xe trong ngày 9-11. Đối với số nhà bị sập và hư hỏng trong mưa lũ vừa qua, huyện đã thành lập các Đội thanh niên xung kích hỗ trợ dọn dẹp, di dời tài sản cho bà con. Trước mắt, địa phương cũng đã vận động một số hộ tạm dọn qua nhà người thân hoặc dựng nhà tạm để ở, địa phương sẽ huy động nguồn lực để có hướng khắc phục, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa lại nhà cửa cho người dân.

 
Nông dân xã Phước Hậu (Ninh Phước) thu hoạch táo sau mưa lũ.  Ảnh: V.M

Tại huyện Ninh Sơn, tại khu vực cánh đồng các thôn Nha Hố, Lương Cang (xã Nhơn Sơn), cánh đồng thôn Phú Thủy (xã Mỹ Sơn) diện tích lúa, hoa màu bị ngập nước cũng đã rút xuống. Sau khi nước rút, tranh thủ có nắng, nông dân hối hả ra đồng sản xuất. Tại khu vực xã Ma Nới, theo ghi nhận của của chúng tôi, hoạt động sinh hoạt, sản xuất của hơn 470 hộ dân hai thôn Hà Dài và Tà Nôi bị chia cắt do lũ trong những ngày qua đã trở lại bình thường. Thầy giáo Katơr Thanh, giáo viên điểm Trường TH thôn Hà Dài, cho biết: Điểm Trường Hà Dài có hơn 70 học sinh, do lũ về qua tràn quá lớn, chia cắt với đường vào trung tâm xã nên trong 3 ngày từ 3 đến 5-11, các em đều phải nghỉ học. Từ sáng 7-11, nước rút, bảo đảm an toàn nên các em đã trở lại học bình thường.

 
Nông dân huyện Thuận Nam thu hoạch lúa bị ngã đổ sau lũ . Ảnh: Hồng Lâm

Xã Phước Nam (Thuận Nam) là địa phương có diện tích lúa bị đổ nhiều nhất với trên 275ha. Hiện nông dân đang tập trung ở các cánh đồng tiến hành tháo nước và khẩn trương thu hoạch các trà lúa chín bị đổ ngã. Ông Trần Quốc Hoàn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thuận Nam, cho biết: Do ảnh hưởng của đợt mưa, lũ vừa qua, toàn huyện có trên 893ha lúa, hoa màu bị ngập úng. Cùng với đó, nhiều đoạn đường, khu dân cư bị ngập làm ách tắc giao thông, hư hỏng nặng. Ngay khi mưa ngớt, huyện đã vận động các doanh nghiệp và người dân chở đất gia cố lại, đảm bảo lưu thông an toàn. Riêng tuyến đường ven biển (đoạn từ Mũi Dinh đến Cà Ná) nhiều điểm bị sạt lở, huyện phối hợp với Sở Giao thông vận tải gắn biển cấm các loại phương tiện qua lại, hiện đang trong quá trình khắc phục.

Tại Ninh Hải, ngay sau khi cơn áp thấp nhiệt đới và mưa lũ trên địa bàn suy giảm, hàng trăm diện tích hoa màu, cây trồng bị thiệt hại đã được cán bộ và nông dân các địa phương nhanh chóng khắc phục, để tiếp tục sản xuất. Đồng chí Trần Hữu Nhân, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, cho biết: Sau khi hết mưa và nước rút, cán bộ xã, thôn cùng bà con nông dân huyện đã khắc phục các tuyến kênh mương để tháo dẫn nước ngập úng, khai thông cống rãnh. Điều đáng ghi nhận, nhân dân 2 xã Tân Hải và Phương Hải ở những vùng trũng, bị ảnh hưởng xả lũ của hồ Bà Râu đã dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường, vận chuyển rác thải ra khỏi khu dân cư, tránh tình trạng ô nhiễm môi trường, phòng tránh dịch bệnh. Huyện tiếp tục cử cán bộ theo dõi, cập nhật kịp thời các số liệu thiệt hại, cùng bà con khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.

 
Nông dân xã Phước Thuận (Ninh Phước) khẩn trương bơm nước cứu hoa màu.
Trong ảnh: Anh Võ Nguyễn Hòa Nhã sử dụng 2 máy bơm tháo nước cho 3 sào nho bị ngập úng. Ảnh: Sơn Ngọc

Theo báo cáo của huyện Thuận Bắc, mưa lũ đã làm sạt lở vách đất nhà của 9 hộ dân ở 2 xã Công Hải và Lợi Hải; cuốn trôi 1 cầu tràn khu vực cầu Móng thôn Bà Râu 2 (xã Lợi Hải); nhiều tuyến đường liên xã, nội thôn và giao thông nội đồng bị sạt lở; 50 hộ dân ở thôn Xóm Bằng (xã Bắc Sơn) bị ngập úng cục bộ; 233ha lúa bị ngập… Ước tính thiệt hại do mưa lũ gây ra cho các địa phương khoảng 1,9 tỷ đồng. Ông Nguyễn Châu Cảnh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, cho biết: Trận mưa lũ lớn trong nhiều ngày đã gây thiệt hại khá nặng cho địa phương. Để người dân sớm ổn định sản xuất và cuộc sống, huyện đã chỉ đạo các địa phương nhanh chóng khắc phục hậu quả và hỗ trợ cho người dân. Đối với những diện tích lúa và hoa màu bị ngập, huyện chỉ đạo cho các xã tập trung nạo vét, gia cố các tuyến kênh mương nội đồng để nông dân tiếp tục sản xuất. Những diện tích lúa bị hư hoàn toàn, vận động bà con cày ải để sản xuất vụ đông-xuân, với diện tích lúa bị ảnh hưởng nhẹ vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng, đắp lại bờ và tiếp tục chăm sóc lúa; tập trung công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Các công trình thủy lợi bị hư hỏng, sạt lở nhẹ, các xã huy động nhân lực tập trung khắc phục nạo vét, san lấp. Đồng thời, huyện cũng đã đề nghị UBND tỉnh, các ngành hỗ trợ kinh phí để sớm khắc phục một số hạng mục hạ tầng bị sạt lở, hỗ trợ nông dân về giống…

Cùng với các địa phương, các sở, ngành cũng đã triển khai nhanh các giải pháp khắc phục thiệt hại sau mưa lũ. Ngành Y tế đã chỉ đạo các đơn vị, nhất là các trạm y tế xã, phường tăng cường giám sát dịch bệnh tại cộng đồng để kịp thời xử lý, không để bùng phát thành dịch. Riêng đối với các vùng bị ngập nước, ngành cũng đã cung cấp hóa chất cho bà con để thau rửa nguồn nước sinh hoạt; tuyên truyền người dân dọn dẹp, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân sạch sẽ để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm. Tại thôn Phước Lợi (xã Phước Thuận, Ninh Phước), công tác phòng, chống dịch sau lũ được cán bộ y tế và người dân địa phương thực hiện hết sức khẩn trương. Nằm ở vùng trũng thấp nên Phước Lợi là địa bàn thường xuyên bị ngập nước khi có mưa lũ. Đợt lũ vừa qua đã làm khoảng 50 căn nhà và giếng nước của người dân bị ngập nước. Ngay khi nước bắt đầu rút, Trạm y tế xã đã cử cán bộ y tế xuống tận nơi tuyên truyền, vận động bà con vệ sinh môi trường; đồng thời, phân phát 300 viên Cloramin, 60 viên Aquatabs để xử lý nguồn nước sinh hoạt…

Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, cho biết: Tình hình dịch bệnh sau mưa lũ được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, sau mưa lũ, môi trường ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật, mầm bệnh phát triển, nhất là các bệnh như: sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, tiêu chảy, viêm da, tay chân miệng, cảm cúm… Ngoài sự vào cuộc của ngành Y tế, quan trọng vẫn là ý thức của người dân, cần thực hiện các biện pháp như: ăn chín, uống sôi, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ… để phòng bệnh.

Ngành Giao thông vận tải cũng đã tập trung chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung nhân lực, phương tiện cơ giới để khắc phục các đoạn đường bị sạt lở. Trước mắt, ngành tập trung ưu tiên các tuyến đường giao thông chính nhằm đảm bảo thông tuyến và bảo đảm an toàn cho người và phương tiện qua lại. Đến nay, đã khắc phục xong điểm sạt lở và thông tuyến đường 702 đoạn Ninh Chử-Bình Tiên-Hiệp Kiết; đồng thời đang triển khai các lực lượng khắc phục sạt lở tuyến đường 701 (đường Mũi Dinh-Cà Ná) và tuyến đường 707 (Ninh Bình-Phước Bình) dự kiến trong ngày 9-11 sẽ thông tuyến đảm bảo an toàn giao thông qua lại.

Để khắc phục thiệt hại mưa lũ, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống dân sinh, ngày 7-11, UBND tỉnh đã có Văn bản số 4505/UBND, chỉ đạo các sở, ban, ngành, nhất là Sở NN&PTNT (cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn), Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện, thành phố khẩn trương kiểm tra, rà soát toàn diện tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra để sớm sửa chữa, khắc phục kịp thời theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nhằm giúp Nhân dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Tình hình thời tiết, khí hậu trong thời gian tới vẫn diễn biến phức tạp, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố không được chủ quan, tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, mưa lũ trên địa bàn tỉnh để chủ động ứng phó kịp thời, hiệu quả.