(NTO) Có thể nói, chí ít cũng qua gần 3 năm “khát” nước, làm cho sản xuất bị đình trệ ở nhiều vùng nông thôn do thiếu nước. Chỉ tính qua 2 vụ đông xuân và hè thu năm nay, toàn tỉnh đã có trên 15 ngàn ha đất canh tác phải ngừng sản xuất, trong đó riêng vụ hè thu ngừng trên 9.225 ha. Cho nên mưa lớn đều khắp trên địa bàn tỉnh trong những ngày qua không chỉ ”giải hạn” mà còn có ý nghĩa lớn lao hơn đó là hứa hẹn nhiều thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp trong năm tới 2017, bởi trong 20 hồ chứa nước lớn với dung tích chứa trên 192 triệu m3 đến nay trên 15 hồ đã tích đầy nước, các hồ còn lại đã chứa ít nhất cũng trên 80% dung tích thiết kế. Không những vậy mưa còn bổ sung lượng nước ngầm cần thiết cho các giếng khoan...Tuy nhiên, mưa lớn kéo dài cũng đã khiến một số khu vực trên địa bàn tỉnh bị ngập lụt, cô lập làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sản xuất của người dân. Thế nhưng, nhờ chủ động và ”vận hành” hiệu quả các phương án ứng phó và phòng chống mưa lũ nên đã hạn chế được tối đa những thiệt hại do lũ lụt gây ra, đặc biệt là không xảy ra thiệt hại về người. Theo thống kê chưa đầy đủ từ các địa phương, mưa lũ đã gây ngập trên 2.695 ha cây trồng, trong số này chủ yếu là lúa với trên 2.079 ha, cây màu gần 554 ha và nho, táo 82,4 ha. Riêng về nhà ở, có 62 nhà bị hư hỏng nặng (nhiều nhất là Bác Ái có 42 nhà, thấp nhất là Ninh Sơn 2 nhà) và 250 nhà bị ngập lụt, chủ yếu là Tp. Phan Rang - Tháp Chàm 200 nhà, còn lại là huyện Thuận Bắc 50 nhà khác...
Đoàn viên thanh niên xã Phước Tiến (Bác Ái) hỗ trợ người dân di dời tài sản trong mưa lũ. Ảnh: NS
Thông thường mưa lũ tuy đã đi qua nhưng hậu quả đã để lại không hề nhỏ đối với người dân vùng bị ngập lụt trong tỉnh. Để nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất của người dân các vùng bị ngập lụt, yêu cầu đặt ra là các địa phương cần khẩn trương khắc phục hậu quả về sản xuất như tập trung thu hoạch lúa vụ mùa, nhất là những đồng lúa chín bị ngã đổ cần tranh thủ mọi điều kiện tốt nhất để thu hoạch nhanh với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để hạn chế thiệt hại, nhất là về năng suất. Tiến hành tiêu thoát nước nội đồng để bảo vệ những trà lúa mới làm đòng...Song song với đó cần tăng cường thực hiện khâu vệ sinh môi trường trong khu dân cư sau mưa lũ. Đây là việc quan trọng cần được phối hợp triển khai hiệu quả trên tinh thần: Nước rút đến đâu, vệ sinh môi trường đến đó để hạn chế dịch bệnh có thể xảy ra, chủ yếu là các bệnh truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm, đặc biệt cần đề phòng dịch tả, lỵ, thương hàn... như khuyến cáo của ngành Y tế. Các địa phương và người dân cần phối hợp với nhân viên y tế phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ. Mặt khác, người dân cần chủ động đảm bảo vệ sinh môi trường quanh khu vực sinh sống, thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế tại địa phương; Thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm...Ngành Y tế tăng cường giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm có thể bùng phát sau mưa lũ...
Tin rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự vào cuộc tích cực của các ngành, địa phương và tinh thần tự lực, tự cường của người dân, hậu quả mưa lũ vừa qua sẽ nhanh chóng được khắc phục, góp phần để người dân ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, phòng tránh dịch bệnh.
HH