Chủ động phòng, chống mưa lũ và những bài học kinh nghiệm

(NTO) Theo đánh giá ban đầu của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCTT&TKCN) tỉnh, ghi nhận rõ nhất là sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác chỉ đạo phòng chống và ứng phó kịp thời với mưa, lũ. Nhờ đó, đợt mưa lũ vừa qua, tỉnh ta đã hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản. Đây là kinh nghiệm quý cần được duy trì, phát huy.

Chủ động ứng phó

Ngay khi có thông tin về tình hình mưa lũ, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị, địa phương triển khai kịp thời, quyết liệt công tác ứng phó với mưa lũ. Từ tỉnh đến các sở, ngành, đơn vị, địa phương cử các đoàn công tác kiểm tra, làm tốt công tác phối hợp, triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lớn, lũ quét, sạt lở và TKCN. Các sở, ngành, đơn vị, địa phương chấp hành, triển khai nghiêm túc Công điện số 4470/CĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống áp thấp nhiệt đới và mưa lũ trên địa bàn tỉnh; duy trì trực ban 24/24 giờ, nắm bắt đầy đủ diễn biến mưa lũ; phân công lãnh đạo tới các hiện trường trọng điểm trực tiếp chỉ huy, điều hành. Chủ động, linh hoạt, huy động, tập trung lực lượng, phương tiện, trang bị; phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng để sơ tán, di dời dân và TKCN tại các vùng ngập lụt, lũ quét, sạt lở; ứng cứu ở các khu vực bị cô lập, chia cắt, góp phần quan trọng trong việc hạn chế, giảm thiệt hại. 

 
Cảng cá Ninh Chử (Ninh Hải) khẩn trương khắc phục hậu quả sau mưa lũ.  Ảnh: V.M

Qua thống kê ban đầu, đợt mưa lũ kéo dài từ ngày 2-11 đến ngày 6-11 đã gây ra sạt lở đất ở vùng núi, hệ thống giao thông, ngập úng cục bộ tại vùng trũng, thấp, ảnh hướng đến đời sống dân sinh trên địa bàn tỉnh. Mưa lũ đã làm ngập 2.695,4ha diện tích lúa và hoa màu, trong đó có 200ha bắp đang chuẩn bị thu hoạch của huyện Bác Ái bị thiệt hại hoàn toàn; 62 nhà bị sập đổ, tốc mái, cuốn trôi; 250 nhà bị ngập lụt. Một số tuyến đường tỉnh lộ, đường liên xã, thôn của một số địa phương bị sạt lở, gây ảnh hưởng đến giao thông; một số hệ thông kênh mương thủy lợi, bờ sông bị xói lở, cuốn trôi. Tổng mức thiệt hại ước khoảng 30 tỷ đồng. Riêng huyện Ninh Sơn có 308 hộ, 1.460 khẩu của xã Ma Nới (thôn Hà Dài 164 hộ, 812 khẩu; thôn Tà Nôi 144 hộ, 648 khẩu) bị chia cắt do nước lũ... Trong đợt mưa lũ này, các ngành, đơn vị, địa phương đã tổ chức hỗ trợ, giúp dân sơ tán, di dời trên 440 hộ dân khu vực ngập lụt, sạt lở đến nơi an toàn, đảm bảo an toàn tính mạng của Nhân dân và giảm thiểu thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước.

 
Đoàn viên thanh niên xã Phước Tiến (Bác Ái) hỗ trợ người dân di dời tài sản trong mưa lũ. Ảnh: NS

Khắc phục, ổn định sản xuất

Đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, cho biết: Với sự nỗ lực, kịp thời của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các ngành, các cấp… đã góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra. Về nhiệm vụ thời gian tới, trước mắt UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tập trung khắc phục các tuyến đường giao thông, công trình bị hư hỏng, sạt lở; ngành NN&PTNT phối hợp với các địa phương rà soát lại thiệt hại về sản xuất; chỉ đạo thực hiện các biện pháp đồng bộ để khôi phục sản xuất. Đối với diện tích lúa và hoa màu không thể khôi phục thì xem xét chuyển đổi trồng các loại cây khác. Các công trình thủy lợi bị xói lở thì triển khai các biện pháp trước mắt và có các giải pháp lâu dài để khôi phục. Đối với các địa phương bị ngập thì có giải pháp hữu hiệu để giúp đỡ Nhân dân ổn định lại sản xuất. Hiện nay, tỉnh ta vẫn đang trong mùa mưa, lũ, trước mắt, các sở, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Công điện số 4470/CĐ-UBND ngày 3-11-2016 của Chủ tịch UBND tỉnh. Hiện nay, nhiều địa bàn vùng núi vẫn có mưa nên lượng nước tiếp tục đổ về các hồ đập, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi trước khi xả lũ phải báo cáo UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN và thông báo đến chính quyền địa phương trước 6 giờ để có biện pháp di dời dân vùng hạ du hồ chứa, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân. Theo dõi sát tình hình diễn biến mưa lũ và áp thấp nhiệt đới, để có dự báo và cảnh báo cho Nhân dân biết chủ động phòng tránh.

 
Sau lũ, nông dân Khu phố 8 (Thị trấn Phước Dân, Ninh Phước)
ra đồng chăm sóc lúa vụ mùa. Ảnh: Sơn Ngọc

Bài học kinh nghiệm

Đồng chí Trịnh Minh Hoàng cho biết thêm: Qua đợt mưa lũ này, tỉnh ta cũng đã rút ra một số bài học kinh nghiệm trong PCTT&TKCN, đó là: Luôn chủ động trong chỉ đạo, điều hành ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và TKCN; chủ động trong dự báo, cảnh báo, nắm chắc tình hình khí tượng, thủy văn và diễn biến mưa lũ; chủ động trong thông tin, truyền tin, chủ động kiểm tra, cập nhật các khu vực có nguy cơ, trên cơ sở đó chủ động tổ chức sơ tán, di dời, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân khi có mưa lũ, bão; chủ động thực hiện tốt công tác chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ”. Quá trình chỉ đạo, tổ chức ứng phó, TKCN và khắc phục hậu quả phải quyết liệt, đồng bộ, thống nhất. Công tác tổ chức chỉ huy, chỉ đạo ứng phó, TKCN phải nhanh nhạy, kiên quyết, phù hợp với diễn biến thực tiễn; kịp thời huy động các nguồn lực, các lực lượng, phương tiện của các đơn vị.

Về lâu dài, để chủ động ứng phó thiên tai có hiệu quả, các ngành, đơn vị, địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác chuẩn bị và sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư thiết yếu đáp ứng yêu cầu ứng phó sự cố, thiên tai, TKCN. Các địa phương, đơn vị bị ảnh hưởng, khi thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và TKCN cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo và phù hợp với diễn biến của mưa lũ, sự cố trên từng địa bàn; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ khi tham gia ứng cứu, TKCN các tình huống đột biến, đặc biệt là công tác TKCN và khắc phục hậu quả khi bị ngập lụt, sạt lở, lũ quét.