Những mảnh đời kém may mắn…
Đến thăm dãy nhà trẻ của Trung tâm, nhìn các em vô tư đùa vui, chúng tôi ngỡ như mình đang ở trong lớp học mầm non. Hiện nay, khu nhà trẻ của Trung tâm đang nuôi dưỡng 41 cháu, trong đó có 3 cháu đang tạm lánh. Các cháu đều có chung hoàn cảnh bị bố mẹ bỏ rơi từ những ngày đầu mới lọt lòng, nhiều cháu bị bỏ rơi ngay trước cổng Trung tâm. Cháu bé nhất tại Trung tâm mới được gần 10 tháng tên Nguyễn Thanh Toàn. Chị Lê Thị Bình Minh, nhân viên chăm sóc tại khu nhà trẻ cho biết: “Cũng như bao đứa trẻ khác, Toàn bị mẹ bỏ rơi khi vừa lọt lòng. Không may mắn như các em khác, Toàn lại có tật ở cả 2 chân. Thương số phận kém may mắn của em, các “mẹ” ở Trung tâm đều tận tình, thay nhau trực để chăm sóc”. Đối với những đứa trẻ ở đây, sự an ủi duy nhất của các em chính là tình yêu thương của các “mẹ” vẫn ngày đêm bế ẵm, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, vỗ về bù đắp phần nào những thiếu thốn của số phận.
Chị Lê Thị Bình Minh đang cho bé Thanh Toàn uống sữa.
Không chỉ những em bé vô tội, mà còn nhiều người già có số phận kém may mắn. Có người không gia đình, con cái, cũng có người không may lâm bệnh nên bị chính con cái, người thân ruồng rẫy…họ tìm đến Trung tâm như chỗ dựa về vật chất lẫn tinh thần trong những năm cuối đời.
Tình người chứa chan..
Vừa đưa chúng tôi thăm từng dãy nhà, ông Trần Đắc Thông, Giám đốc Trung tâm, vừa kể: “Tất cả trường hợp vào đây đều có hoàn cảnh đặc biệt và rất đáng thương. Có những đứa trẻ bị bỏ rơi ngay từ lúc mới lọt lòng, mỗi đêm đều khóc vì khát sữa mẹ. Các cụ ở đây do tuổi cao sức yếu nên đau yếu liên miên. Hằng đêm, các y tá cứ phải thay nhau trông và chăm sóc. Nhiều cụ cũng không còn tỉnh táo, lúc nhớ lúc quên... nhưng bằng lòng thương cảm những người làm việc tại trung tâm vẫn hết lòng chăm sóc, phục vụ đối tượng.
Hơn 14 năm gắn bó với Trung tâm, chị Lê Thị Bình Minh từng nhận “làm mẹ” của hàng chục đứa trẻ. Dẫu chẳng phải do chính mình rứt ruột sinh ra nhưng chị chăm sóc chúng bằng tình yêu thương của người mẹ dành cho những đứa con thơ. Chị vẫn nhớ như in đêm mình “nhặt” được bé Trần Nhật Quang trước cổng Trung tâm. Nhìn gương mặt đỏ hỏn của cháu, tôi không kịp suy nghĩ gì chạy thẳng vào Bệnh viện để cắt dây rốn. Vừa chạy tôi vừa cầu mong cháu không bị nhiễm trùng. Bằng lòng thương cảm, chị em chúng tôi đều cố gắng bù đắp tình thương cho các cháu. Nhìn các cháu khôn lớn mỗi ngày là niềm hạnh phúc, là niềm vui của chị em chúng tôi”- Chị Bình Minh tâm sự. Với đặc thù công việc, thời gian bảo mẫu bên cạnh các bé ở Trung tâm còn nhiều hơn thời gian dành cho con cái ở nhà. Nhưng nghề bảo mẫu không đơn thuần là công việc mà còn là cái nghiệp gắn với chữ “tâm”. Chỉ những người biết cảm thông, yêu thương, xem đối tượng như người thân trong gia đình để chăm sóc thì mới “bám trụ” được.
Những cơn gió đầu đông khẽ ùa về, nhưng không khí tại Trung tâm vẫn ấm áp lạ thường. Ở khu nhà người già, những mái đầu bạc quây quần trong những căn phòng như một gia đình lớn của những người già, không nơi nương tựa. Các cụ đều tìm thấy nơi đây sự ấm áp. Sống lâu bên nhau, tình người trở nên khắng khít, gắn bó! Những câu chuyện vui đùa diễn ra giữa những người già đồng cảnh ngộ, thi thoảng lại rộ lên tiếng cười. Cụ bà Hồ Thị Lan, chia sẻ: Tôi vào trung tâm sống đã được hơn 30 năm. Ở đây, tôi được cán bộ xem như người thân chăm sóc tận tình, ăn uống bảo đảm ngày 3 bữa, lúc ốm đau được chăm sóc, thăm hỏi, thuốc men kịp thời và có nhiều người đồng cảm để bầu bạn, chuyện trò nên tôi thấy khỏe và vui hơn. Trung tâm chính là ngôi nhà chung ấm áp, tôi sẽ gắn bó ở đây đến cuối đời”.
Còn rất nhiều những mảnh đời bất hạnh, những người kém may mắn tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, do vậy, rất cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội nhằm giúp họ vơi bớt mặc cảm, cô đơn và cảm nhận được sự ấm áp trong ngôi nhà chung của mình.
Duy Nam