Khó khăn trong xuất khẩu lao động ở Thuận Nam

(NTO) Xuất khẩu lao động (XKLĐ) được huyện Thuận Nam coi là hướng đi quan trọng để giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giúp người lao động (NLĐ) thoát nghèo nhanh và bền vững. Tuy nhiên, hoạt động này đến nay vẫn còn nhiều khó khăn. Năm 2015, toàn huyện có 2 lao động tham gia XKLĐ, đạt 13,3% kế hoạch năm. Năm 2016, huyện được giao 15 chỉ tiêu XKLĐ. Với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã, đến cuối quý III, huyện cũng chỉ thực hiện được 3 chỉ tiêu, tương đương 20%.

Theo ông Trịnh Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã Phước Ninh, các lao động tại địa phương thường không muốn “ly hương” do tư tưởng rụt rè, ngại xa gia đình, trong thời gian dài để ra nước ngoài. Bên cạnh đó, địa phương chủ yếu là lao động phổ thông, trong khi thị trường lao động nước ngoài đòi hỏi ngày càng cao và khắt khe về chất lượng lao động, đó cũng là nguyên nhân từ nhiều năm nay địa phương chỉ có 2 người XKLĐ nước ngoài.

Ngoài ra, một tồn tại phổ biến hiện nay, đó là đối với thị trường lao động nước ngoài phù hợp với NLĐ huyện Thuận Nam (lao động phổ thông, may mặc, xây dựng, chi phí thấp...) thì lại có thu nhập thấp, ngang bằng với thị trường lao động tại TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương khác trong nước, nên chưa tạo được sự hấp dẫn NLĐ. Ngược lại, những thị trường lao động có thu nhập cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản... thì NLĐ không đủ khả năng tài chính để lo chi phí. Chưa kể thời gian chờ đợi để được nước ngoài tuyển dụng (Nhật Bản) là tương đối lâu, có người không đủ kiên nhẫn để chờ đợi, có người tìm được việc làm khác, ổn định hơn nên bỏ cuộc. Anh Trượng Đại Vinh Hiển, xã Phước Ninh, đăng ký XKLĐ ở Nhật Bản vào đầu năm 2016, cho biết: Để được XKLĐ, tôi phải học tiếng Nhật 7 tháng ở một trung tâm tại TP. Hồ Chí Minh, đồng thời phải học nghề theo yêu cầu từ phía doanh nghiệp Nhật Bản. Tính ra, tôi phải mất hơn 1 năm và bỏ ra gần 200 triệu đồng mới có thể XKLĐ thời hạn 3 năm bên Nhật Bản. Gia đình không có điều kiện, anh đành phải hủy!

Mặt khác, về mặt tâm lý, NLĐ thường lo lắng: Khi hết thời hạn lao động ở nước ngoài, trở về, họ sẽ sống và làm việc như thế nào?. Chính điều này tạo cho họ sự không an tâm. Bởi lâu nay những người làm công tác XKLĐ chỉ mới có kế hoạch đưa lao động đi, chứ chưa có kế hoạch cho NLĐ hết hạn trở về. Trong khi đó, thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng thường xuyên đăng tải những vụ lừa đảo, mất an toàn trong hoạt động XKLĐ, tạo tâm lý nghi ngờ, lo sợ ở NLĐ và gia đình …

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Lam, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Thuận Nam, cho biết: Trong 3 tháng cuối năm, huyện Thuận Nam phấn đấu đưa thêm 4-5 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Để đạt được mục tiêu này, huyện tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin về các đơn hàng của các doanh nghiệp có uy tín, hoạt động hiệu quả đến người dân thông qua hệ thống truyền thanh; phối hợp với các doanh nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh trực tiếp xuống các xã, thôn để tuyên truyền, tư vấn cho người dân về công tác XKLĐ; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp dịch vụ tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn huyện. Ngoài ra, UBND huyện phối hợp chặt chẽ với các xã rà soát, lập danh sách NLĐ làm việc có thời hạn ở nước ngoài đầy đủ để phục vụ công tác quản lý lao động, can thiệp, hỗ trợ khi rủi ro phải về nước trước thời hạn… Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ chú trọng công tác đào tạo nghề hơn nữa để NLĐ có nhiều cơ hội đi lao động ở những thị trường nước ngoài có thu nhập cao, ổn định và khi trở về, người lao động cũng không lo thất nghiệp.