(NTO) Thời gian gần đây trên mạng xã hội tình trạng bạo lực học đường đã xuất hiện với “mật độ” khá dày, tính chất ngày càng phức tạp, nếu không muốn nói là rất manh động, đến mức không cần phải có mâu thuẫn từ trước hoặc bất đồng “sâu sắc” về hành vi giữa học sinh với nhau…ngược lại, chỉ cần vô tình liếc mắt, hay có cử chỉ mà “đối tác” thoạt nhìn cho rằng có… ý với mình vậy là sinh ra xung đột, đánh nhau!. Không chỉ “đơn đả độc đấu” mà kéo cả băng nhóm cùng “xử” với nhiều hành vi thô bạo, gây hậu quả không chỉ thể xác mà còn tác động đến tinh thần của học sinh bị hại. Mới đây, ở phường Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) đã xảy ra vụ việc: một nhóm 6 nữ sinh tuổi từ 11-16 đưa một bạn nữ ngụ cùng phường ra bờ kè ven biển đánh cảnh cáo và quay clip, tung lên mạng xã hội. Nguyên nhân chỉ với lý do đơn giản là do em này từng chạy xe ngang qua nhóm và dám... nẹt pô!. Đáng nói là với hành vi đưa những đoạn clip bạo lực lan truyền trên mạng xã hội không chỉ ảnh hưởng cá nhân người bị đánh, mà còn gây hoang mang cho nhiều người.
Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp giáo dục đã đưa Trường THPT An Phước trở thành điển hinh tiêu biểu
trong phong trào thi đua dạy tốt- học tốt của ngành GD&ĐT. Ảnh: Sơn Ngọc
Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, trong một năm học, toàn quốc xảy ra trên 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (bình quân 5 vụ/ngày); cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau... Những con số nêu trên tuy chỉ là tương đối nhưng đã tiếp tục dóng lên hồi chuông báo động về tình trạng bạo lực học đường ngày càng có xu hướng gia tăng ở tất cả các cấp học, hình thức đa dạng hơn và đặc biệt tính chất nghiêm trọng hơn..
Theo phân tích của các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực học đường nhưng nguyên nhân chính vẫn xuất phát từ tự thân học sinh và 3 môi trường giáo dục: gia đình, nhà trường và xã hội. Trong đó, có thể nói sự tiêm nhiễm và tác động từ xã hội thông qua du nhập của nhiều trò chơi điện tử, phim ảnh, sách truyện, game có xu hướng bạo lực…Thêm vào đó là sự buông lỏng quản lý và nuông chiều con thái quá của nhiều gia đình cộng với sự phát triển tâm - sinh lý chưa ổn định của lứa tuổi học sinh… Sự giáo dục còn nặng về kiến thức văn hóa, nhẹ về giáo dục con người “tiên học lễ , hậu học văn”...của nhiều nhà trường cũng tác động không nhỏ đến tính cách học sinh.
Để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường không chỉ là việc cần làm ngay mà cần có sự tham gia từ nhiều phía: cả nhà trường, gia đình, xã hội và chính bản thân mỗi học sinh. Trước tiên, cần tăng cường vai trò giáo dục cũng như định hướng của nhà trường và gia đình về những tác hại của bạo lực học đường, hướng dẫn cho học sinh những kỹ năng ứng xử đúng đắn với bạn bè, thầy cô, gia đình cũng như cộng đồng; đồng thời, cần có những biện pháp răn đe và xử phạt cần thiết. Đặc biệt, mỗi gia đình, các bậc phụ huynh cần quan tâm đúng mức đến con em, vừa tỏ thái độ nghiêm khắc và lên án các hành vi bạo lực, đồng thời, các thành viên trong gia đình cũng cần tạo môi trường lành mạnh, yêu thương, hành xử có văn hóa, không bạo lực để các em noi theo… Bên cạnh đó, cũng cần quản lý tốt việc tiếp cận của các em đối với các trò chơi điện tử, các ấn phẩm, các loại đồ chơi có xu hướng bạo lực nhằm hạn chế những tác động tiêu cực từ các loại hình này…
TD