Ngày nghỉ, tôi tìm đến nhà chú Hai. Nghe kể lại việc ba nhắc nhở, nhìn tôi hồi lâu, chú nhận xét: Cháu giống cha mình như hai giọt nước, hồi nhỏ, ba cháu học giỏi lại lỳ lợm. Có lần, trời mưa đi học gặp con rắn nằm ở vũng nước ven bờ, ổng bắt giấu vào cặp, giờ ra chơi thả ra làm đám con gái hết hồn la toáng, cũng may đó là loại rắn nước không cắn người và không nọc độc. Sau này vào bộ đội, nghe bạn bè nói cha con rất dũng cảm, ai cũng khâm phục. Thấy tôi nghe vẻ hờ hững, chú vào đề: Nơi công sở khác hẳn bởi có những người không tốt nhưng vỏ bọc hết sức hoàn hảo, khó mà nhận diện được thủ đoạn của họ, cháu phải bản lĩnh như ông ấy. Rồi như để chứng minh, chú kể: Có cậu trưởng phòng khá trẻ, là cấp uỷ viên và Ban chấp hành công đoàn cơ quan, điều hành công tác bằng chuyển văn bản cho cấp dưới thực hiện, mình chỉ việc ký trình cấp trên, nhưng năm nào cũng có sáng kiến và xếp loại hoàn thành xuất sắc. Để rồi cô bé tạp vụ cơ quan nhận xét: Lãnh đạo như chú ai chẳng làm được!? Cậu làm trưởng phòng cả chục năm, nay theo quy định mới hết thời hạn bổ nhiệm, cơ quan tổ chức thi đánh giá chức danh trưởng phòng, cậu rớt xuống làm chuyên viên. Vốn năng lực chuyên môn yếu, trách nhiệm hời hợt nên năm đó dù là chuyên viên, tập thể đánh giá xếp loại cậu “hạn chế về năng lực”. Chuyện có lên, có xuống sẽ qua đi nếu không có việc cậu tham gia làm giám khảo thi tuyển viên chức. Cơ quan phân công trưởng phòng mới (vốn trước đây là cấp dưới) làm giám thị 1, cậu là giám thị 2. Sau khi kiểm tra bài của thí sinh nộp đầy đủ, trưởng phòng mới giao cậu bỏ vào phong bì và tự mình nộp cho Hội đồng coi thi. Vốn là người tỉ mỉ, chu đáo từ việc nhỏ nhất nhưng không ngờ khi Hội đồng coi thi kiểm tra thiếu một bài thi. Hậu quả mất bài thi là hết sức nghiêm trọng, trưởng phòng mới cùng đồng nghiệp bỏ cả trưa hôm đó bới tung mọi vật có thể ở các phòng thi và thật bất ngờ khi nó bị vo tròn nằm trong thùng rác của trường. Qua sự việc, mọi người có chung nhận định tác giả “đánh cắp” bài thi là ai. Từ câu chuyện chú kể, tìm hiểu thêm tôi mới biết bản thân chú cũng từng có thời gian bị chuyển sang lĩnh vực công tác khác mà mình không có chuyên môn. Tôi thực sự ngạc nhiên bởi người dày dạn, trách nhiệm hết mình với việc chung, không màng địa vị, chức quyền như chú cũng bị ai đó tìm cách loại bỏ. Tôi đem suy nghĩ của mình hỏi thì chú cười khuyên bảo: Nơi công sở cũng như ngoài xã hội luôn tồn tại người tốt, chưa tốt, chỉ khác nhau kẻ cơ hội nơi công sở có trình độ nên thủ đoạn hết sức khéo léo, tinh vi. Đó là những cá nhân sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình, bởi vậy chúng ta cần tỉnh táo để đấu tranh góp phần xây dựng tập thể, cơ quan nơi mình công tác trong sạch, vững mạnh.
Thì ra bản lĩnh mà cha tôi dạy là như thế!? Tôi thưa với chú rằng mình không đồng tình lắm, chú cười hết cỡ rồi như nói đủ cho hai chú cháu nghe: Người tốt cho ta sống hạnh phúc hơn và những kẻ chỉ biết vun vén lợi ích của mình giúp ta sống bản lĩnh hơn. Có lẽ đó là thực tế và tôi chép lại chuyện cứ như đùa “bản lĩnh” để mọi người cùng suy ngẫm.
Thanh Tâm