Các địa phương khẩn trương phòng, chống mưa lũ

THUẬN BẮC:

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tim kiếm cứu nạn huyện Thuận Bắc, tính đến chiều ngày 4-11, tình hình mưa lũ trên địa bàn huyện đã giảm, tại một số địa phương nước đã rút. Lượng nước hồ thủy lợi Bà Râu đã đạt 4,4 triệu m³, hồ Sông Trâu đạt 25,8 triệu m³. Hiện nay, các hồ thủy lợi Bà Râu đang tiến hành xả nước hai cửa với lưu lượng 30m³/s, hồ Sông Trâu xã nước hai cửa với lưu lượng 15,5 m³/s.

 
Hồ thủy lợi Bà Râu xả nước đảm bảo an toàn hồ đập.  Ảnh: Tiến Mạnh

Ông Nguyễn Châu Cảnh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Bắc cho biết: Để ứng phó với tình hình mưa lớn và các hồ thủy lợi xả nước, huyện đã chỉ đạo cho các xã vùng hạ lưu tiếp tục theo dõi tình hình xả lũ để chuẩn bị các phương án ứng phó kịp thời và tổ chức di dời dân đến nơi an toàn. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai cũng đã tập trung lực lượng, phương tiện di dời dân tại các khu vực xung yếu, các vùng bị ảnh hưởng xả lũ. Đồng thời, phân công người trực tại các khu vực thường xuyên xảy ra ngập úng dọc các sông, suối và các đập tràn để hướng dẫn người dân không đi qua các đập tràn khi nước lũ dâng cao.

THUẬN NAM:

Liên tiếp trong các ngày từ 28-10 đến 4-11, trên địa bàn huyện Thuận Nam có mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa đo được đến thời điểm cuối ngày 3-11 dao động từ 50-70mm. Theo nhận định rất có thể xảy ra lũ và ngập úng trên diện rộng. Do vậy, chính quyền địa phương đang thực hiện các biện pháp cấp bách nhất để ứng phó.

Theo báo cáo sơ bộ của UBND huyện Thuận Nam, tính đến 8 giờ 30 phút ngày 4-11, mưa lớn đã gây ngập úng cục bộ trên địa bàn các xã: Phước Nam, Phước Ninh, Nhị Hà, Phước Hà, Phước Dinh. Đã có 561 ha diện tích lúa, 4 ha diện tích rau màu các loại bị ngập úng, mức độ thiệt hại trên 70%. Mưa lũ cũng đã gây ngập, chia cắt các tuyến đường: Tỉnh lộ 709 (xã Phước Ninh, Nhị Hà và Phước Hà), đoạn qua tràn tại thôn Vụ Bổn (Phước Ninh) ngập sâu 1,1 m (không đảm bảo lưu thông); Tỉnh lộ 709 B (Phước Dân, Nhị Hà và Phước Hà): đoạn qua tràn tại các thôn Hậu Sanh (Phước Hữu), thôn 2 (Nhị Hà) ngập sâu hơn 0,5m. Các tuyến đường liên thôn mưa lớn gây sạt lở, sụp lún nhiều đoạn trên tuyến gây khó khăn cho lưu thông. Đặc biệt, mưa lớn đã làm tuyến đường ven biển (đoạn từ Mũi Dinh đến Cà Ná ) sạt lở 22 điểm. Ngày 2-11, Sở Giao thông vận tải đã tạm khắc phục cho lưu thông xe và tiếp tục theo dõi sạt lở của tuyến đường này. Hồ thủy lợi Tân Giang đang tiến hành xả nước ở ba cửa với lưu lượng xả từ 40-100m³/s; hồ Sông Biêu đang tiến hành xả hai cửa ở mức từ 20-40m³/s. Theo nhận định, do hầu hết các hồ, đập gần đầy nước, lại có mưa lớn liên tục trong ngày cộng với lượng nước từ thượng nguồn tiếp tục đổ về nên nguy cơ xảy ra lũ quét là rất cao.

 
Tuyến đường ven biển (đoạn từ Mũi Dinh đến Cà Ná) sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông. Ảnh: Thanh Xuân

 

 Diện tích lúa đang trong thời kỳ trổ bông ở xã Phước Nam bị ngập sâu. Ảnh: Hồng Lâm

Theo ông Khưu Lê Khắc Trí, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thuận Nam, trước tình hình mưa lớn kéo dài liên tục, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn (PCLB, TKCN) huyện đã khẩn trương triển khai đồng bộ nhiều biện pháp. Theo đó, thành viên Ban Chỉ huy PCLB, TKCN huyện theo địa bàn được phân công phối hợp với các địa phương trực tiếp xuống địa bàn nắm bắt tình hình, chỉ đạo các xã tổ chức kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng triển khai thực hiện việc sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn. Kiểm tra hiện trạng các hồ chứa, phát hiện kịp thời sạt lở để khắc phục; triển khai phương án đảm bảo an toàn hồ đập và vùng hạ du đập. Hệ thồng truyền thanh thường xuyên cập nhật, đưa tin về diễn biến lũ lụt để người dân trên địa bàn huyện biết chủ động đối phó khi có tình huống xảy ra…

 Tàu thuyền neo đậu an toàn tại Cảng cá Cà Ná.

Tại các xã vùng biển huyện Thuận Nam, công tác phòng, chống thiên tai cũng được triển khai kịp thời, chủ động triển khai bố trí lực lượng hướng dẫn các chủ tàu, thuyền neo đậu tại cảng an toàn. Ông Trịnh Công Thuấn, Phó Cảng cá Cà Ná, cho biết: Trước tình hình mưa to trong những ngày qua, cảng đã thành lập 2 tổ gồm 11 thành viên, phân công túc trực tại cảng 24/24 làm nhiệm vụ hướng dẫn, sắp xếp phương tiện tàu thuyền các neo đậu. Hiện nay, trên 900 chiếc tàu thuyền đánh bắt cá ở địa phương và tàu vãng lai được neo đậu an toàn tại cảng.

NINH SƠN - BÁC ÁI:

Ngày 4- 11, tình hình mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp trên địa bàn hai huyện miền núi Ninh Sơn và Bác Ái. Nhiều khu vực ở hai địa phương đã xảy ra tình trạng sạt lỡ, ngập úng gây ra một số thiệt hại. Huyện Ninh Sơn tiếp tục có mưa vừa và mưa to kéo dài tại nhiều khu vực, lượng nước trên thượng nguồn đổ về rất lớn, có khả năng xảy ra lũ quét cục bộ tại các khu vực ven sông suối và các vùng trũng thấp.

 
Hoa màu của người dân thôn Phú Thủy (xã Mỹ Sơn, Ninh Sơn) bị ngập úng do nước lũ về.

Tại khu vực cánh đồng thôn Phú Thủy, xã Mỹ Sơn, mực nước sông dâng cao gây ngập úng hơn 150ha lúa đang chuẩn bị thu hoạch, hơn 20ha cây mì và hàng chục ha hoa màu khác. Đồng chí Nguyễn Thành Khải, Chủ tịch UBND xã Mỹ Sơn cho biết diện tích lúa và hoa màu của bà con nông dân có thể mất trắng nếu mưa tiếp tục kéo dài trong vài ngày tới. Tại xã Nhơn Sơn, ước tính có khoảng 500 ha lúa và hoa màu bị ngập úng. Trước tình hình diễn biến phức tạp của mưa lũ, UBND xã Nhơn Sơn đã lên phương án sẵn sàng di dời 78 hộ dân ở ven sông Dinh về nơi tránh lũ an toàn.

 

 Các lực lượng chức năng tiến hành xử lý và thông xe tại khu vực sạt lở đèo Ngoạn Mục.

Vào lúc 9 giờ sáng ngày 4-11, mưa lớn kéo dài cũng đã gây sạt lở, ách tách giao thông tại khu vực Đèo Ngoạn Mục thuộc xã Lâm Sơn, đoạn km 217+360 (Trạm 57). Theo ghi nhận của phóng viên tại hiện trường, có ít nhất 3 điểm sạt lỡ với tổng khối lượng đất, đá khoảng 400m³. Đến hơn 10 giờ sáng cùng ngày, các lực lượng chức năng mới tiến hành xử lý, khắc phục và thông xe khu vực trên.

 
Mưa lũ làm sạt lở hàng chục mét bờ kè đoạn sông gần khu dân cư xã Phước Tiến (Bác Ái). Ảnh: Nguyễn Sơn - Kim Thùy

Tại huyện Bác Ái, mưa lớn cũng đã gây sạt lở nhiều tuyến đường liên xã và gây chia cắt một số khu vực dân cư. Trên tuyến đường từ Ninh Bình (Ninh Sơn) đi xã Phước Bình đã xảy ra 3 đoạn sạt lở, đặc biệt tại khu vực thôn Bạc Rây 1, đất đá sạt xuống mặt đường làm tắc nghẽn đoạn giao thông nối liền từ thôn Bạc Rây 1 đi Bạc Rây 2. Tại xã Phước Tiến nước lũ về cũng đã làm sạt lở hàng chục mét kè dọc bờ sông gần khu vực dân cư thôn Trà Co 1 và Trà Co 2.

Đến trưa ngày 4-11, tình hình mưa tại các địa phương đã giảm, Ban chỉ huy PCTT&TTCN các huyện Ninh Sơn, Bác Ái tập trung theo dõi và sẵn sàng lên các phương án ứng phó, di dời dân tại những khu vực xung yếu khi xảy ra lũ.

PHAN RANG - THÁP CHÀM:

Sau những trận mưa lớn trong 2 ngày qua, nhiều khu vực trên địa bàn Tp.Phan Rang- Tháp Chàm đã bị ngập cục bộ. Địa phương đang khẩn trương thực hiện các giải pháp chủ động phòng chống lũ. Tại phường Phủ Hà, mưa lớn đã gây ngập cục bộ tại nhiều khu vực, nhất là các khu vực nằm dọc bờ đê Sông Dinh thuộc khu phố 1,2. Đồng chí Lương Hoài Nam, Chủ tịch UBND phường cho biết: Hai ngày qua, do mưa lớn và nước nguồn đỗ về đã tràn vào nhiều nhà dân ở các khu vực này, trong đó một số hộ nước tràn vào gần 0,5 m. Trước tình hình đó, UBND phường Phủ Hà đã huy động lực lượng, vận động bà con chủ động di dời gần 1.000 gia súc, gia cầm, tài sản của gần 100 hộ dân lên khu vực cao. Những ngày này, toàn bộ lực lượng công an, quân sự được huy động trực 24/24 tại những vùng xung yếu, nhất là tại các khu vực nằm dọc bờ dê Sông Dinh; đồng thời chuẩn bị mọi phương tiện như xuồng, bao cát, áo phao… sẵn sàng di dời dân đến nơi tránh lũ an toàn.

 
Mưa lũ làm ngập nhiều nhà dân tại khu phố 2, phường Phủ Hà. Ảnh: Mỹ Dung

 
Tại phường Đô Vinh hiện có 90 hộ dân với 360 nhân khẩu thuộc khu phố 1 có nguy cơ bị ngập. Ngoài ra, khoảng 30 hộ dân nằm rải rác ở khu phố 3 và 4 bị ngập úng cục bộ. Thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, địa phương cũng đã chuẩn bị 52  áo phao, 3 chiếc xuồng kịp thời ứng cứu khi có lũ lụt xảy ra. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại của người dân, địa phương tổ chức di dời trên 1.000 gia súc, gia cầm và 90 hộ dân ở khu phố 1 đến Trường TH Đô Vinh 2 và các nhà dân kiên cố, cao tầng.

Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, Phó Chủ tịch UBND phường Đô Vinh cho biết: Để chủ động ứng phó với mưa lũ, tại mỗi khu phố, chính quyền địa phương huy động 30 cán bộ, dân quân tự vệ…, riêng khu phố 1 huy động 60 người trực 24/24 để theo dõi, nắm bắt tình hình, kịp thời di dời người dân đến nơi tránh lũ an toàn.

Do nước sông Dinh dâng cao đã gây ngập lụt khu vực dân cư thuộc tổ 6, khu phố 2, phường Tấn Tài (Tp Phan Rang-Tháp Chàm). Đây là khu dân cư nằm ở vùng trũng cách bờ đê sông Dinh khoảng trên 200 mét. Theo những người dân nơi đây cho biết nước đã dâng lên từ nửa đêm và đến 3 giờ sáng bắt đầu tràn vào các ngôi nhà nền thấp. Đến 8 giờ sáng nước ngập sâu từ 0,3 đến 0,5 mét trên đường hẻm chính nên  nhiều gia đình phải cho con em nghỉ học. Tổ 6 có gần 50 hộ dân, để tránh thiệt hại do lụt gây ra đã có khoảng trên 20 hộ có nhà ngập sâu phải di dời tài sản đi nơi khác.

 
Nước ngập sâu từ 0,2 đến 0,3m tại khu phố 2, phường Tấn Tài. Ảnh: Bạch Thương

 
Người dân khu phố 2 thuộc phường Tấn Tài di dời tài sản tránh lũ.

NINH PHƯỚC:

Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn huyện Ninh Phước, sáng ngày 4-11, nước lũ đã làm 4.800m2 đất trồng táo khu vực dọc sông Dinh thuộc xã Phước Sơn bị sạt lở và cuốn trôi. Theo thống kê sơ bộ, diện tích cây trồng trên địa bàn huyện bị ngập khoảng 468ha, trong đó cây lúa bị ngập 396ha; rau màu bị ngập 72ha (Phước Hải); chính quyền địa phương đã tổ chức di dời đến nơi an toàn các hộ dân khu vực ven sông, vùng trũng bị nước dâng ngập.

 
Nhiều hộ dân tại thôn An Thạnh 1, xã An Hải bị ngập trong nước.  Ảnh: Thế Quang
 
 
Xã Phước Thuận chuẩn bị con người, phương tiện tham gia cứu hộ người dân vùng lũ ven sông Dinh.
 
 
Nhiều diện tích hoa màu của nông dân ven sông Dinh bị chìm sâu trong nước lũ.
 
 
Nông dân xã Phước Thuận chủ động bơm nước cứu hoa màu. Ảnh: Sơn Ngọc

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, UBND huyện Ninh Phước yêu cầu các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn nghiêm túc triển khai việc chủ động phòng chống mưa lũ tại công điện số 4470/CĐ-UBND, ngày 3-11-2016 của UBND tỉnh và các bản tin về tình hình mưa lũ  trên địa bàn tỉnh; theo dõi sát tình hình, diễn biến và ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, tổ chức trực ban 24/24 giở để chủ động phòng tránh và xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra; UBND xã, thị trấn kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, kiểm tra dân cư sống tại khu vực ven cửa sông, trũng thấp, bị ngập lụt, khu vực thường xuyên bị chia cắt để kịp thời sơ tán dân đến nơi an toàn. Bố trí lực lượng kiểm soát đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại các tràn, đường ngập nước…