Tại Ninh Sơn, ông Nghiêm Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã Ma Nới cho biết: Mưa lớn chưa gây thiệt hại nhưng do nước đầu nguồn đổ về nhiều nên khu vực qua bờ tràn thôn Hà Dài và một số điểm lên khu dân cư thôn Tà Nôi đang tạm thời bị chia cắt trong ngày 3-11; một số học sinh tại hai khu vực trên đã được thông báo cho nghỉ học. Chính quyền xã cũng đã chủ động và liên tục thông báo, cảnh báo để người dân không lưu thông qua lại ở các khu vực trên.
Theo ông Dương Đăng Minh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ninh Sơn, trước tình hình mưa kéo dài liên tục, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn huyện đã lên kế hoạch bố trí cán bộ trực ban để theo dõi và nắm bắt tình hình, có hướng xử lý và hỗ trợ các địa phương kịp thời. Hiện nay, hồ thủy lợi Cho Mo trên địa bàn xã Mỹ Sơn đang tiến hành xả nước hai cửa với lưu lượng 20m³/s.
Khu vực bờ tràn thôn Hà Dài, xã Ma Nới (Ninh Sơn) thường xuyên bị chia cắt khi có mưa lũ.Ảnh: Nguyễn Sơn
Ở huyện miền núi Bác Ái, mặc dù các phương án phòng, chống lụt bão đã được địa phương chủ động triển khai ngay từ đầu mùa mưa, tuy nhiên với địa hình đồi núi bị chia cắt, nhiều vùng đất sản xuất có độ dốc lớn nên vấn đề đáng quan tâm nhất chính là sạt lở trên những tuyến đường và lũ về bất ngờ qua các khu vực bờ tràn. Trao đổi với phóng viên trưa ngày 3-11, ông Phạm Quỳnh Bảo Châu, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Bình, cho biết: Sáng sớm cùng ngày tại đoạn đường liên thôn nối từ thôn Bạc Rây 1 đi thôn Bạc Rây 2 đã xảy ra tình trạng sạt lở, gây chia cắt giao thông khu vực hai thôn. Địa phương vẫn đang tiếp tục có mưa, các khu vực đập tràn nước đổ về lớn, chính quyền địa phương đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh để cảnh bảo cho người dân.
Nông dân xã Phước Nam (Thuận Nam) khẩn trương cắt lúa chạy lũ. Ảnh: TL
Bên cạnh đó, do mưa lớn kéo dài nên lưu lượng nước tại một số hồ trên địa bàn huyện Bác Ái cũng đã tăng nhanh. Để đảm bảo an toàn hồ đập và vùng hạ lưu, Trạm Thủy nông huyện Bác Ái đã bắt đầu điều tiết xả nước để đề phòng lũ. Theo đó, ba trong số bốn hồ trên địa bàn huyện là hồ Phước Trung, hồ Phước Nhơn và hồ Trà Co đã tiến hành xả nước điều tiết, trong đó hồ Phước Nhơn mặc dù không có thiết kế cửa xả lũ, nhưng có thiết kế cửa tràn và hiện mực nước qua cửa tràn trong ngày 3-11 là trên 17cm; riêng hồ Phước Trung xả nước ở hai cửa với lưu lượng 4,5m³/s, còn tại hồ Trà Co lượng nước về đạt mức 75m³/s và đang tiến hành xả ở mức 80m³/s.
Tại Ninh Phước, do mưa và nước lớn đầu nguồn đổ về làm sạt lở trên 400m bờ hữu sông Dinh phía hạ lưu đập Nha Trinh, thuộc xã Phước Sơn. Nhiều đoạn đã xuất hiện vết nứt có nguy cơ sạt lở thêm. Huyện Ninh Phước đã chỉ đạo UBND xã Phước Sơn cắm biển báo ở khu vực nguy hiểm để người dân phòng tránh. Đối với các xã miền núi và gần các hồ chứa nước Lanh Ra, Bầu Zôn, Tà Ranh… sẽ thông báo với chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan biết ít nhất 6 giờ trước khi xả lũ để chính quyền địa phương phổ biến đến người dân, chủ động phòng tránh và tổ chức di dời ở vùng hạ lưu. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai các xã: Phước Vinh, Phước Thái, Phước Hữu, thị trấn Phước Dân chủ động có kế hoạch phối hợp với đội cứu hộ, cứu nạn của huyện trong công tác sơ tán dân sống khu vực hạ lưu, dọc ven suối, ven các dòng chảy… đến nơi an toàn khi bão lũ xảy ra.
Tuyến đường 709 bị mưa lũ gây ngập, khó khăn cho việc đi lại của người dân
hai xã Nhị Hà, Phước Ninh (Thuận Nam). Ảnh: V.M
Trong khi đó, tại huyện Ninh Hải, công tác phòng chống lụt, bão cũng được tích cực triển khai. Ông Trần Hữu Nhân, Trưởng phòng NN&PTNT, cho biết: Tuy lượng mưa trên địa bàn không lớn nhưng do hồ Bà Râu xả lũ đã ảnh hưởng tới 2 xã Tân Hải và Phương Hải. Huyện đã triển khai các phương án phòng chống lụt bão, trong đó tập trung triển khai phòng chống lũ tại các xã: Xuân Hải, Tân Hải, Hộ Hải và Phương Hải, riêng 3 hồ trên địa bàn huyện (Thành Sơn, Ông Kinh, Nước Ngọt) giao cho Ban CHQS huyện cùng lực lượng dân quân tự vệ của địa phương triển khai phương án bảo vệ, nếu tình hình nguy cấp sẽ có thêm lực lượng tăng cường của Lữ đoàn Đặc công 5.
Ở huyện Thuận Bắc, mưa lớn và nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ra ngập lụt ở hai xã Công Hải và Bắc Phong. Tại xã Bắc Phong, hàng chục ha lúa bị ngập sâu. Đặc biệt, tại hai thôn Mỹ Nhơn và Gò Sạn do nước ở hệ thống kênh Bắc dâng cao đã làm nước tràn vào nhà của 40 hộ dân khoảng 20cm… Mưa lớn cũng đã gây sạt lở bờ kè thôn Kà Rôm (xã Công Hải) dài 30m; sạt lở tại suối Kiền Kiền thuộc thôn Kiền Kiền 2 và khu vực cầu Me Cháy dài 250m thuộc thôn Kiền Kiền 1 (xã Lợi Hải).
Ông Nguyễn Châu Cảnh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thuận Bắc, cho biết: Để chủ động ứng phó với mưa lũ, huyện đã chỉ đạo cho các xã tập trung theo dõi tình hình mưa lũ trên địa bàn để triển khai các biện pháp phòng chống kịp thời. Đối với những khu vực trũng thấp thường xuyên xảy ra lũ lụt, lũ quét, huyện đã cử lực lượng xuống địa bàn theo dõi tình hình, có phương án phòng, chống tại chỗ... Tập trung huy động lực lượng, phương tiện về các địa phương di dời dân tại các khu vực xung yếu, nơi có nguy cơ ngập lụt cao đến nơi an toàn. Phân công lực lượng trực tiếp hướng dẫn không đi qua đập tràn trong nước lũ.
Đường giao thông thôn Hiệp Kiết, xã Công Hải (Thuận Bắc) bị ngập do mưa lớn.
Ảnh: Tiến Mạnh
Ông Trần Văn Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, cho biết: Theo dự báo trong những ngày tới, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông, nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ quét trên các sông suối, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ tại vùng trũng, thấp. Để chủ động phòng, chống lụt bão hiệu quả, các ngành, địa phương cần bám sát Công điện 4470/CĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện công tác phòng chống áp thấp nhiệt đới và mưa lũ trên địa bàn tỉnh và các bản tin dự báo thời tiết để triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”. Đối với các hồ chứa nước, hiện nay lưu lượng nước đang đổ về lớn, tổng dung tích 20 hồ chứa 150,6/192,2 triệu m3, đạt 78,35% dung tích chứa, một số hồ đã đầy và tiến hành xả. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các hồ, thực hiện việc vận hành điều tiết nước đảm bảo an toàn công trình, vùng hạ du và các kênh; phân công và bố trí người trực 24/24 giờ tại các hồ chứa nước để có phương án điều tiết và xả lũ khi cần thiết, bảo đảm an toàn cho người và các công trình hồ đập.
Nhóm PV