VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Chú trọng phát triển kinh tế biển!

(NTO) Ninh Thuận là địa phương giàu tiềm năng kinh tế biển và là một trong số 14 tỉnh, thành phố có bờ biển của khu vực miền Trung. Với bờ biển dài 105,8 km, ngư trường Ninh Thuận có thể khai thác quanh năm, được xác định là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước với tổng trữ lượng cá, tôm tương đối lớn, khả năng khai thác trên 50.000 tấn/năm với nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao có thể phục vụ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Vùng biển nội tỉnh còn là nơi sinh sống của nhiều loài hải sản đặc thù, có nguồn giống bố mẹ dồi dào và môi trường nước biển trong sạch là địa bàn lý tưởng để sản xuất các loại giống có chất lượng cao, nhất là tôm giống. Hiện có nhiều nhà đầu tư đã và đang đến Ninh Thuận để sản xuất tôm giống cung cấp cho khu vực và cả nước như: Công ty Cổ phần Thủy sản Việt Úc, Công ty TNHH Uni-President, Công ty TNHH giống Thủy sản Nam Dương, Công ty TNHH giống Thủy sản Hisenor Việt Nam… có quy mô đầu tư sản xuất từ 2 tỷ đến 9 tỷ con post/năm. Những năm qua tỉnh cũng đã có nhiều chủ chương, chính sách nhằm khai thác lợi thế biển phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, nhất là đầu tư tương đối hoàn chỉnh hạ tầng phục vụ khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá, trong đó cảng cá Cà Ná đang đầu tư trở thành Trung tâm nghề cá của tỉnh và khu vực, cảng Ninh Chử được xây dựng thành nơi neo đậu an toàn cho tàu thuyền khu vực miền Trung. Các cảng cá nêu trên đảm bảo thu hút và cung cấp nguyên liệu hải sản cho công nghiệp chế biến xuất khẩu, tiêu dùng trong nước và tạo điều kiện phát triển các dịch vụ.

Ngư dân thôn Khánh Hội (Tri Hải, Ninh Hải) đầu tư tàu thuyền công suất lớn vươn khơi bám biển khai thác hải sản.
Ảnh: Sơn Ngọc

Du lịch biển cũng là lợi thế so sánh của tỉnh. Dọc dài bờ biển 105,8 km có nhiều bãi tắm đẹp nổi tiếng như Ninh Chử, Cà Ná, Bình Tiên, Vĩnh Hy,... Không những vậy, dọc bờ biển từ An Hải đến Mũi Dinh có rất nhiều đồi cát rộng, đẹp sát biển, nổi bật là đồi cát Nam Cương, Mũi Dinh…Với tiềm năng như đã nêu có thể nói sẽ rất thuận lợi cho việc hình thành các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp có tính cạnh tranh cao với quy mô diện tích lớn. Riêng với quy mô của đồi cát Nam Cương, Mũi Dinh rất phù hợp để phát triển các loại hình du lịch văn hoá, thể thao mạo hiểm, xây dựng trường đua môtô trên cát… sẽ tạo nét khác biệt, đặc sắc riêng có của tỉnh.

Với những lợi thế nêu trên, các năm qua tỉnh ta đã có nhiều chủ trương thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển. Theo thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế biển đạt bình quân trên 13%/năm, đóng góp vào GRDP của tỉnh chiếm tỷ trọng 25,2% tính đến năm vừa qua. Chỉ tính trong 9 tháng năm nay, sản lượng khai thác thủy sản đạt trên 76.000 tấn, tăng 9,5%; sản xuất tôm giống sản lượng ước đạt trên 16 tỷ con, tăng 7,8% so cùng kỳ năm trước. Về lĩnh vực du lịch, cùng thời gian trên các cơ sở du lịch trong tỉnh đã thu hút trên 1.624 ngàn lượt khách, tăng 16,5% so cùng kỳ và đạt 98,4% so kế hoạch năm, trong đó khách trong nước tăng 18,1%, khách quốc tế tăng 16,5%...

Để khai thác hiệu quả hơn nữa kinh tế biển, theo tinh thần Nghị quyết của Tỉnh ủy “Về phát triển kinh tế biển giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo”, mục tiêu tỉnh ta đặt ra là tập trung xây dựng và phát triển các ngành kinh tế biển theo hướng toàn diện và hiện đại. Phấn đấu đến năm 2020 Ninh Thuận trở thành tỉnh có kinh tế biển phát triển bền vững, đồng bộ, có năng lực cạnh tranh cao, là trung tâm năng lượng sạch, là khu vực trọng điểm du lịch quốc gia và là trung tâm sản xuất giống thủy sản của cả nước… Trước mắt, tỉnh tập trung ưu tiên đầu tư phát triển 3 nhóm ngành: khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản; phát triển du lịch biển; phát triển công nghiệp biển, ven biển để vừa tạo bức phá, đồng thời tạo động lực phát triển cho các ngành kinh tế khác.

Có thể nói, bằng định hướng cụ thể và quyết tâm của toàn Đảng bộ, kinh tế biển của tỉnh sẽ có bước phát triển mới với nhiều thành tựu mới trong tương lai không xa...