Đồng chí Phạm Ngọc Thương, Chủ tịch UBND thị trấn Khánh Hải, cho biết: Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác, đánh bắt hải sản của ngư dân, từ năm 2012 đến nay, UBND thị trấn và Đồn Biên phòng Ninh Chử xây dựng kế hoạch triển khai cho các chủ phương tiện tham gia và thành lập được 12 Tổ đoàn kết khai thác hải sản (ĐKKTHS) trên biển, mỗi tổ có từ 3-7 tàu thành viên, mỗi tàu có từ 5-18 thuyền viên. Các thành viên trong tổ thường là thành viên trong gia đình, họ hàng hoặc bạn bè thân thiết cùng hợp tác làm ăn. Mỗi tàu trong tổ đều được trang bị khá hiện đại như: máy tầm ngư, máy định vị, bộ đàm liên lạc… Với những thiết bị này, khi tàu thuyền nào dò tìm được cá hay gặp sự cố trên biển, các tổ viên có thể liên lạc chặt chẽ với nhau để chia sẻ hoặc giúp đỡ kịp thời.
Tàu thuyền các Tổ ĐKKTHS neo đậu tại Cảng Ninh Chử sau khi đánh bắt hải sản trở về.
Mỗi Tổ ĐKKTHS trên biển có chung nghề khai thác nhằm trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, thông tin ngư trường, hỗ trợ nhau mỗi khi có sự cố, gặp rủi ro trên biển. Ông Lê Văn Bảy, Tổ phó Tổ ĐKKTHS trên biển số 5, chia sẻ: Tổ tôi có 28 thuyền viên, thành lập từ tháng 10-2013. Từ khi tham gia vào Tổ ĐKKTHS trên biển, với sự hỗ trợ nhau của các tàu thuyền trong tổ, nên mỗi chuyến ra khơi khai thác hiệu quả hơn.
Vừa đánh bắt ở Trường Sa mới về, ông Nguyễn Văn Mười, Tổ trưởng Tổ ĐKKTHS trên biển số 9, cùng với các tàu thành viên trong tổ rất vui, vì chuyến đánh bắt “thuận buồm, xuôi gió”, đoàn tàu đã trúng đậm. “Làm nghề biển gần 20 năm nay, nhưng mỗi khi vươn khơi đánh bắt dài ngày thì tôi và anh em luôn lo sợ khi gặp rủi ro trên biển. Được UBND thị trấn Khánh Hải và Đồn Biên phòng Ninh Chử khuyến khích, năm 2015, tôi và 6 tàu thành viên đã tham gia Tổ ĐKKTHS trên biển. Mỗi khi vươn khơi, tôi và anh em trong tổ không còn lo lắng nữa. Chi phí cho mỗi chuyến đánh bắt trong khoảng một tháng tiết kiệm từ 15-20 triệu đồng. Khi tham gia Tổ ĐKKTHS trên biển, tàu của tôi có thể gửi hải sản cho tàu trong tổ đem về đất liền, từ đó có thể yên tâm tiếp tục bám biển dài ngày. Cùng với đó, anh em trong tổ còn thường xuyên liên lạc với các đồn Biên phòng, cung cấp thông tin tình hình trên biển kịp thời, giúp các đơn vị chức năng xử lý hiệu quả các trường hợp vi phạm pháp luật và bảo vệ chủ quyền biển, đảo”-ông Nguyễn Văn Mười vui vẻ bộc bạch.
Ngư dân mua bán hải sản tại cảng cá Ninh Chử (Khánh Hải, Ninh Hải).
Đồng chí Phạm Ngọc Thương cho biết thêm: Tổ ĐKKTHS trên biển còn tham gia tuyên truyền, vận động các tàu thuyền chấp hành các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; tham gia cứu hộ, cứu nạn trong các tình huống thời tiết xấu hoặc tàu thuyền gặp nạn trên biển. Bên cạnh đó, Tổ ĐKKTHS trên biển còn phối hợp với các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự trên biển, giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Với những hiệu quả thiết thực mang lại, dự kiến năm 2017, UBND thị trấn Khánh Hải sẽ thành lập thêm 2 Tổ ĐKKTHS trên biển.
Với sự hoạt động hiệu quả của các Tổ ĐKKTHS trên biển đã góp phần đưa nghề cá ngày càng phát triển, tạo thêm việc làm và thu nhập ổn định cho lao động biển địa phương; đồng thời, các thành viên còn là “chiến sĩ” góp phần bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tồ quốc.
Phan Hiếu