Theo Quy hoạch điện VII, đến năm 2020, tổng công suất các nhà máy nhiệt điện than của cả nước vào khoảng 72.000 MW, tương đương với việc tiêu thụ hơn 100 triệu tấn than và thải ra môi trường khoảng 30 triệu tấn tro, xỉ mỗi năm. Điều này sẽ là sức ép rất lớn về công tác bảo đảm môi trường của các nhà máy nhiệt điện chạy than.
Bãi thải của Nhà máy Duyên Hải 1 luôn được lu, lèn và tạo độ ẩm
để tránh phát tán bụi ra môi trường. Ảnh: VGP/Toàn Thắng
Minh bạch thông tin bảo vệ môi trường
Mới đây, trong đợt giám sát về công tác bảo vệ môi trường tại Công ty Nhiệt điện Duyên Hải (Tổng Công ty Phát điện 1, tại xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh), Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Để tạo niềm tin cho người dân trong việc bảo đảm môi trường tại các nhà máy nhiệt điện nói chung, trong đó có Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1, cùng với các biện pháp kỹ thuật phải tăng cường giám sát từ xa, công bố chính thức việc xả thải và tạo điều kiện để người dân tiếp cận, tham quan trực tiếp”.
Như vậy, yêu cầu đặt ra là cần phải minh bạch thông tin về bảo vệ môi trường để chính quyền, người dân địa phương được tham gia theo dõi giám sát, phát hiện kịp thời những vụ việc bất thường gây ảnh hưởng đến môi trường của các nhà máy nhiệt điện than.
Tại Trung tâm Điện lực (TTĐL) Duyên Hải, từ khi bắt đầu thi công đến khi đi vào vận hành, vấn đề môi trường đã được lãnh đạo tỉnh Trà Vinh đặc biệt quan tâm. Hiện UBND tỉnh Trà Vinh đã thành lập một tổ giúp việc chuyên theo dõi về vấn đề môi trường tại đây.
Cơ chế giám sát này cũng đã được mở rộng tới các ban ngành, đoàn thể và người dân của xã Dân Thành để người dân có thể tiếp cận thông tin, giám sát công tác xử lý tro, xỉ cũng như các biện pháp bảo vệ môi trường của Nhiệt điện Duyên Hải 1 và các nhà máy nhiệt điện khác trong TTĐL Duyên Hải.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, ông Âu Nguyễn Đình Thảo, Phó Giám đốc Công ty Nhiệt điện Duyên Hải cho biết tất cả các chỉ số quan trắc về môi trường tại bãi xỉ thải, khói, bụi, nước thải đều được theo dõi, giám sát bằng hình ảnh trực tuyến và gửi về Sở TN&MT, Sở Công Thương và các ngành chức năng của tỉnh.
Ông Nguyễn Hữu Thảo, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh cho biết rút kinh nghiệm từ việc vận hành các tổ máy trước, việc quản lý môi trường tại TTĐL Duyên Hải sẽ được kiểm soát tốt hơn.
Đánh giá về công tác bảo vệ môi trường tại TTĐL Duyên Hải, ông Đào Văn Chính, Chủ tịch UBND xã Dân Thành cho biết hiện nay xã không nhận được phản ánh nào của người dân về vấn đề môi trường. Với cơ chế giám sát hiện nay cũng như việc kiểm soát thời gian qua, vấn đề bảo vệ môi trường sẽ được kiểm soát tốt.
Tại Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (TTĐL Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận), rút kinh nghiệm từ sự cố phát tán tro xỉ gây ảnh hưởng đến môi trường, việc minh bạch thông tin về các biện pháp bảo vệ môi trường và cơ chế phối hợp, kiểm tra, giám sát của chính quyền, người dân địa phương cùng chủ đầu tư về môi trường bước đầu đã có sự chuyển biến tích cực. Qua đó, bức bối của người dân về ô nhiễm môi trường khu vực xung quanh nhà máy đã được giải tỏa.
Nước thải của Nhà máy Vĩnh Tân 2 được thu gom, xử lý và tận dụng
để tạo độ ẩm cho bãi tro xỉ. Ảnh: VGP/Toàn Thắng
Xử lý tro xỉ thải trong quá trình sản xuất
Mỗi năm Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 tiêu thụ khoảng 3,5 triệu tấn than, tương ứng với lượng tro xỉ thải ra vào khoảng 1,3 triệu tấn/năm, trong đó khoảng 90% là tro bay, còn lại là xỉ đáy lò.
Với diện tích trên 38 ha chứa khoảng 9,3 triệu m3 tro xỉ, dự kiến bãi tro xỉ này chứa lượng tro xỉ thải trong hơn 7 năm.
Tro bay phát sinh trong quá trình vận hành được thu giữ và chứa vào 3 silo. Tại các silo này, tro khô sẽ trộn với nước đạt độ ẩm tối đa đến 30% (nhằm ngăn ngừa phát tán bụi tro bay) rồi đổ vào xe chuyên dụng và vận chuyển ra lưu giữ tại bãi xỉ bằng đường vận hành riêng thuộc TTĐL Vĩnh Tân.
Ông Thiên Thanh Sơn, Phó Giám đốc Nhà máy Vĩnh Tân 2 cho biết theo kết quả phân tích mới nhất của Trung tâm Công nghệ môi trường tại TPHCM, các mẫu tro xỉ của nhà máy tại silo và bãi tro xỉ cho thấy hàm lượng các kim loại nặng và các chất vô cơ đều nằm trong giới hạn cho phép.
Ông Sơn cũng cho biết thêm, đơn vị đã ký hợp đồng với Công ty Đầu tư Mãi Xanh tiêu thụ toàn bộ tro xỉ của Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 để sản xuất vật liệu xây dựng trong thời gian 28 năm, bắt đầu từ đầu năm 2017.
Cùng với đó Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã trang bị các hệ thống thiết bị xử lý môi trường với công nghệ tiên tiến trên thế giới như hệ thống khử NOx (SCR), hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP), hệ thống khử SOx (FGD) và hệ thống xử lý nước thải, bảo đảm khí thải và nước thải của nhà máy sau khi xử lý đạt các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường hiện hành.
Bà Lê Thị Thưởng (xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) cho biết sau những phản ứng của người dân về ô nhiễm môi trường của Vĩnh Tân 2, vấn đề này đã cơ bản được khắc phục, xử lý. Cuộc sống, sinh hoạt của người dân khu vực quanh nhà máy đã không còn bị ảnh hưởng.
Trong buổi làm việc với một số cơ quan báo chí, ông Nguyễn Trung Trực, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận khẳng định qua các biện pháp xử lý của nhà máy, sự giám sát của các cơ quan chức năng và qua tuyên truyền, việc bảo vệ môi trường tại Nhà máy Vĩnh Tân 2 đã bước đầu nhận được sự đồng thuận của người dân.
Tại Nhà máy Duyên Hải 1 (TTĐL Duyên Hải, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh), so với thời điểm mới đưa vào vận hành thử nghiệm, môi trường tại bãi tro xỉ rộng 33 ha nay đã được cải thiện đáng kể.
Toàn bộ bãi tro xỉ của nhà máy đã được thiết kế chống thấm, có đê quây để không làm ảnh hưởng đến chất lượng nước ngầm trong khu vực. Cùng với việc san gạt, lu lèn, bãi tro xỉ cũng đã được lắp đặt đường ống phun nước tự động tạo ẩm.
Nhà máy cũng đang trồng cây xanh, sử dụng xe chuyên dụng để vận chuyển tro xỉ nhằm hạn chế tác nhân gây phát sinh bụi vào môi trường không khí khu vực xung quanh
Trong dài hạn, Công ty đã ký hợp đồng mua bán tro xỉ với 3 doanh nghiệp mua bán tro xỉ với số lượng khoảng 1,26 triệu tấn/ năm.
Hiện Công ty đã có văn bản gửi UBND tỉnh Trà Vinh và Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) xin phép sử dụng tro xỉ để san lấp mặt bằng các KCN.
Như vậy có thể thấy những giải pháp đã và đang thực hiện góp phần giải quyết những vấn đề “ nóng” liên quan đến công tác bảo vệ môi trường từ lượng tro xỉ phát sinh tại các nhà máy nhiệt điện than trong khu vực.
Nguồn www.chinhphu.vn