Chuyện học tập suốt đời !

(NTO) Vài tuần trước, trong một dịp cùng nhóm bạn ghé thăm thành phố Nha Trang, chợt xảy ra “sự cố” nho nhỏ nhưng rất đáng… suy ngẫm. Số là chúng tôi di chuyển bằng tàu hỏa. Sẽ chẳng có gì để bàn nếu khi lên tàu, vài người khách nước ngoài đã ngồi “nhầm ghế” của chúng tôi. Vài người trong nhóm và đa số hành khách trên toa đều bối rối. Vốn tiếng Anh lâu nay đã “phủ bụi” của vài người trong nhóm (kể cả tôi) lại được dịp áp dụng, phải nói là chính tôi cũng khá ngạc nhiên vì mình còn “nhớ” và “nói” được vì lâu nay quá mê mải công việc chuyên môn và cũng hiếm dịp “áp dụng” nên dường như “quên hẳn”. Và tôi càng ngạc nhiên khi thấy anh kiểm soát vé xem chừng cũng chẳng “họ hàng”, “thân sơ” gì với tiếng Anh, chìa ngay tấm vé ra trước mặt vị khách nước ngoài, chỉ vào số ghế ra hiệu… để lấy chỗ ngồi cho một cụ già. Phải nói là, làm việc trong ngành dịch vụ mà “quên hẳn” ngoại ngữ thì thật là điều đáng lo ngại. Sau “sự cố” ấy, chúng tôi cũng có buổi “tự vấn” hẳn hoi, nhắc nhau từ nay phải thường xuyên trau dồi ngoại ngữ (kể cả trình độ chuyên môn nghiệp vụ) để làm “cẩm nang” sử dụng những lúc cần.

Thiết nghĩ việc thường xuyên trau dồi trình độ chuyên môn, ngoại ngữ; rèn luyện ý thức tự giác học thường xuyên, học suốt đời không phải là vấn đề “mới” song chưa được xem trọng. Những năm qua, phong trào xây dựng xã hội học tập được triển khai thực hiện rộng rãi trên địa bàn bàn tỉnh nói riêng, cả nước nói chung đã nhận được sự tham gia, hưởng ứng tích cực của cộng đồng, song đâu đó vẫn có sự “lơ đễnh” trong thực hiện. Để xây dựng xã hội học tập, mỗi cá nhân cần phải học và tự giác học thường xuyên, học suốt đời không chỉ về chuyên môn, ngoại ngữ, mà còn có kiến thức về tự nhiên, xã hội…; tiếp cận những cơ hội học tập, xem học tập là nhu cầu của cuộc sống, là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và vận động mọi người cùng thực hiện.

Trong xã hội học tập, các hình thức học tập rất phong phú, đa dạng và linh hoạt. Trong đó, phải kể đến giải pháp phổ biến và hiệu quả để xây dựng xã hội học tập được Bộ GD&ĐT đưa ra trong dịp phát động Tuần lễ học tập suốt đời vừa qua, đó là thúc đẩy đọc sách bằng nhiều cách. Đọc sách là hoạt động giúp con người nâng cao hiểu biết, tiếp thu tri thức, tăng cường khả năng giao tiếp và hình thành những ước mơ, có những ý tưởng sáng tạo. Thanh niên đọc sách sẽ thu nhận được những kiến thức về cuộc sống, về khởi nghiệp. Thông qua đọc sách người nông dân sẽ thu nhận được những kiến thức về khoa học-kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. “Đọc để học đam mê” với quyết tâm đẩy mạnh văn hóa học, để đọc sách không chỉ trở thành thói quen, mà còn là nguồn động lực thúc đẩy niềm đam mê học tập, góp phần hoàn thiện đạo đức, nhân cách con người. Trong thời đại kỷ nguyên số hiện nay, bên cạnh những ấn phẩm sách in, văn hóa đọc còn mở rộng với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện, tìm kiếm thông tin. Việc đọc sách điện tử là nhu cầu tất yếu của một xã hội phát triển. Dù là loại sách nào, mỗi cá nhân phải biết chọn lọc để tiếp thu, biến tri thức nhân loại thành kiến thức, kỹ năng của mình, phục vụ cho học tập, làm việc và làm phong phú đời sống tinh thần. Người đọc phải hướng đến sách như một nhu cầu tự thân để làm phong phú trí tuệ và tâm hồn mình, biết tôn trọng sách, tôn trọng những người sáng tạo nên sách để từ đó biết khai thác một cách đúng đắn những giá trị mà sách mang lại.