CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Tên gọi một đằng, làm một nẻo!

(NTO) Có thể nói, sau thông tin mập mờ của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) về nước mắm chứa asen (thạch tín) vượt ngưỡng chẳng khác nào như “cơn bão” gây hoang mang cho cả các cơ sở sản xuất nước mắm và người tiêu dùng. Cơ sở sản xuất thì điêu đứng trước nguy cơ không bán được sản phẩm, còn người tiêu dùng thì gần như “bán tín bán nghi” về món gia vị vốn được cho là không thể thiếu trong mỗi bữa ăn gia đình từ chế biến thức ăn đến món chấm!...

Tuy nhiên, đến khi Bộ Y tế đã chính thức công bố 100% mẫu nước mắm được lấy ngẫu nhiên không chứa asen vô cơ độc hại vào ngày 22-10 trên cơ sở kết luận của đoàn kiểm tra liên ngành gồm đại diện các bộ: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm đối với việc sản xuất, kinh doanh nước mắm tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Đồng thời, lấy 247 mẫu ngẫu nhiên với 210 nhãn hiệu sản phẩm nước mắm khác nhau của 82 cơ sở sản xuất (cả theo phương pháp truyền thống và công nghiệp) trên thị trường và một số siêu thị.

Sản phẩm nước mắm truyền thống của ngư dân xã Cà Ná (Thuận Nam) Ảnh: Sơn Ngọc

Như vậy, trắng đen đã quá rõ ràng. Tâm lý người tiêu dùng đã bớt e ngại với các sản phẩm nước mắm truyền thống, việc bày bán và tiêu thụ các sản phẩm nước mắm đến nay đã dần dần ổn định. Điều đáng trách ở đây là vì sao Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) lại có những thông tin gây thiệt hại cho cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống, tạo hoang mang cho người tiêu dùng mà theo “tên gọi” của Hội là… “Bảo vệ người tiêu dùng”?. Thiệt hại về vật chất có thể thống kê nhưng thiệt hại về “tinh thần” rõ ràng là phải cần nhiều thời gian mới trở lại niềm tin ban đầu đối với người tiêu dùng. Được biết, theo thống kê hàng năm người tiêu dùng đã tiêu thụ loại gia vị “nước cốt cá” được cho là sản vật của biển, đạt đến đẳng cấp “quốc hồn, quốc túy”… không dưới 50 triệu lít nước mắm nguyên chất (nước mắm truyền thống) trong tổng số trên 200 triệu lít nước mắm nói chung, trong đó một số nhãn hàng nước mắm truyền thống đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới... Tất nhiên, việc “bảo vệ” được cho là “nhầm” đối tượng này, hay nói khác hơn là “tên” gọi của Hội một đằng nhưng làm một nẻo, tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật mà thôi.

Tuy nhiên, qua vụ việc nêu trên đã đặt ra vấn đề mà các cơ sở sản xuất nước mắm trong tỉnh nói riêng cần quan tâm đó là xây dựng thương hiệu. Chỉ tính riêng xã Cà Ná (Thuận Nam) có trên 95% dân số sống bằng nghề biển, với gần 270 hộ làm nghề chế biến nước mắm truyền thống và hấp cá. Đây được xem là cụm làng nghề sản xuất nước mắm chủ lực của tỉnh. Theo đánh giá của nhiều người tiêu dùng, nước mắm Cà Ná thơm ngon không kém gì so với những thương hiệu “tên tuổi” như nước mắm Phan Thiết, Phú Quốc… bởi nguyên liệu chính để làm nước mắm là cá cơm, bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm…, có khác chăng chỉ là “bí quyết” riêng về cách muối chượp mà thôi. Tuy nhiên, cái khó vẫn là “đầu ra” còn nhiều hạn chế, chưa khai thác hết công suất thực tế. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa xây dựng được thương hiệu chung “Nước mắm Cà Ná”, chưa có chỉ dẫn địa lý nước mắm xuất xứ Cà Ná mỗi khi xuất bán ra thị trường. Mặc khác, các kênh tiếp thị, phân phối chưa thực sự hiệu quả. Đó là chưa kể việc cạnh tranh giá bán giữa các nhà mắm dễ dẫn đến thiếu niềm tin về chất lượng đối với người tiêu dùng. Cũng do chưa có thương hiệu chung… nên khi xảy ra “sự cố” thông tin như vừa qua dể làm “tổn thương” đến nghề sản xuất truyền thống này.

Để xây dựng được nhãn hiệu chứng nhận “Nước mắm Cà Ná” đòi hỏi phải thay đổi trong cách thức tổ chức sản xuất, phân phối sản phẩm ra thị trường. Để làm được điều này, những người chế biến nước mắm nhỏ lẻ khó có thể thực hiện được mà phải cần có hỗ trợ tích cực từ ngành chức năng của tỉnh.