Cây xanh đô thị

(NTO) Mình ở quê. Cuối tuần, ông bạn lớn tuổi trên phố ghé thăm, mới biết qua họp Chi hội Người cao tuổi khu phố, một vài ý kiến đề nghị nên thay thế… hoa sữa hiện có, để trồng các loại cây khác cho phù hợp với điều kiện… khí hậu địa phương. Bởi vì nhiều người, nhất là các “cụ” sống ở các tuyến đường Ngô Gia Tự, Quang Trung (nối dài), Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm và các cụm dân cư mới hình thành ở phường Đài Sơn, Thanh Sơn, Kinh Dinh (Tp. Phan Rang–Tháp Chàm)… không dễ chịu chút nào khi từng ngày, từng giờ, nhất là khi đông về luôn… hít thở mùi hương nồng, hăng hắc khó chịu của hoa sữa.

Cán bộ và Nhân dân phường Mỹ Bình trồng cây xanh các tuyến đường nội phường. Ảnh: Văn Miên

Như một quy luật bất biến, khi nền kinh tế phát triển thì buộc kết cấu hạ tầng kỹ thuật ở các đô thị phải được đầu tư xây dựng ngang tầm để đảm đương tốt nhiệm vụ của nó. Còn nhớ tháng 4-1992, khi tỉnh ta được tái lập, lãnh đạo tỉnh đã ưu tiên đầu tư hạ tầng cho Phan Rang-Tháp Chàm, thị xã tỉnh lỵ với quy mô lớn của một đô thị vùng cực Nam Trung Bộ này, có tầm nhìn hướng tới tương lai! Phố thị như thay da đổi thịt (và… đổi đời) với vóc dáng mới, hoành tráng hơn nhiều so với trước. Nhiều con đường mới mở, nhiều cụm dân cư hình thành. Từ đó, cây xanh đô thị như một nhu cầu thiết yếu cho bộ mặt phố thị và sinh hoạt của cư dân. Nghe nói… lúc đó việc chọn lựa giống cho cây xanh đường phố được bàn bạc rất kỹ, để có sự thống nhất cao trước khi quyết định. Và vượt qua các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao, cũng như vẻ mỹ quan đô thị, hoa sữa đã được chọn làm cây xanh để trồng trên các tuyến phố mới mở. Tôi nghe nói, lúc đó, để lấy giống… phải ra tận thủ đô Hà Nội, nơi mà xuất xứ của cây hoa sữa từ thuở… rất xa xưa, chứ chẳng phải chuyện chơi!

Tôi cũng chắc rằng trước năm 1975, các tỉnh thuộc khu vực Trung Bộ và Nam Bộ rất ít nơi trồng hoa sữa, loại cây có mùi hương thật “quý phái” như… các nhạc sĩ hay viết. Hoa sữa còn có tên khác là mùi cua hay mò cua, với tên khoa học là Alstonia Scholaris, họ trúc đào, thân mộc, gỗ xốp, phù hợp với khí hậu nhiệt đới, rất nhanh phát triển. Cây trưởng thành có chiều cao từ 15-30m, lá chùm, hoa nở trắng từ tháng 8 đến tháng 12 hàng năm, hương thơm đậm đặc “điếc” lỗ mũi. Đây là lý do chính để hiện nay, các “cụ” đề xuất phải... cưa hoa sữa ngay, nếu không sẽ… ảnh hưởng đến sức khoẻ (?). Có người còn viện dẫn lý do, từ vài năm trước, cư dân các tỉnh từ Quảng Nam ra tới Quảng Trị, Quảng Bình… năn nỉ chính quyền phải… dẹp sạch hoa sữa chứ không phải đợi đến bây giờ!

Vốn là người sinh ra và lớn lên ở thành phố này đã… 60 năm cuộc đời, tôi xin trân trọng được đưa ra suy nghĩ của mình. Trước đây, thành phố có nhiều con đường rất đẹp, mang dáng dấp của một phố thị xưa với hàng cây xanh ven đường râm mát. Có loại được trồng từ thời… Pháp để lại như cây sao, lim xẹt, xà cừ… hoặc sau này có bằng lăng tím, osaka đỏ, bọ cạp nước, sò đo cam… rất tuyệt vời, mà đâu cần phải là hoa sữa… ngát hương.

Lục tìm tài liệu liên quan như Nghị định 64/2010/NĐ-CP ngày 11-6-2010 của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị, danh mục các cây xanh được trồng tại các thành phố, được biết cây hoa sữa không nằm trong danh mục cây xanh cấm trồng, nhưng với khuyến cáo kèm theo là trồng khu vực ven đô, xa khu dân cư, với mật độ cây thưa để không ảnh hưởng đến môi trường… Và thế là, vấn đề còn lại thuộc về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác quản lý đô thị, vì đó là cây xanh đường phố, chứ không phải là hoa lá vườn nhà, thích thì trồng, không thích thì chặt bỏ. Phải không, thưa các cụ!