Miền Trung chịu thương, chịu khó
Sinh ra là người con của miền Trung, nhưng quê hương tôi lại là vùng nắng cháy bỏng rát. Hiếm hoi ký ức tuổi thơ tôi có đôi lần nước lũ tràn về, cả phố bồng bềnh giữa biển nước. Khi ấy tôi còn quá nhỏ để hiểu rằng tại sao mỗi lần như thế là ngoại tôi lại thở dài, ánh mắt nhìn xa xăm trĩu nặng. Tôi trưởng thành, đi qua những mùa vụ trắng tay sau cơn lũ của bà con nông dân, giờ đây ký ức hiếm hoi ấy lại dội về qua những thước hình được chia sẻ ào ạt trên trang mạng xã hội về khúc ruột miền Trung đang oằn mình chiến đấu với thiên nhiên khắc nghiệt.
Miền Trung là vùng đất hẹp, mặt hướng về biển Đông, lưng quay về dãy Trường Sơn hùng vĩ. Có lẽ với đặc điểm địa hình như thế, miền Trung quanh năm hứng chịu thiên tai, hạn hán chưa qua, bão lũ lại kéo tới.
Sống cùng “mối đe dọa” ngầm, quen với đói nghèo, cơ cực, người miền Trung thật phi thường khi oằn cong để đỡ cho hai đầu đất nước. Không được mẹ thiên nhiên ưu ái, nên không có gì là lạ khi người miền Trung chọn cách ứng xử “ăn chắc, mặc bền”, chắt chiu, dành dụm từng giọt mồ hôi, nước mắt của họ. Hãy nhìn vào những thước hình đang tràn ngập trên mạng xã hội, tôi tin dù bạn hay tôi cũng sẽ hiểu được phần nào nỗi đau người miền Trung đang gánh chịu...
Cơn lũ qua đi, niềm đau ở lại
Mẹ thiên nhiên hiền hòa là thế khi trao tặng con người biết bao điều quý báu, nhưng cũng dữ dội là thế khi trút xuống nhân loại những cơn mưa kèm theo con nước hãi hùng nhấn chìm tất cả mọi thứ, bởi lẽ con người nhỏ bé lắm nên đôi khi bất lực trước thiên nhiên rộng lớn!
Những ngày qua, nước lũ đã nhấn chìm 29 sinh mạng, làm 30 sinh mạng khác bị thương và trên 121.000 ngôi nhà và nhiều trạm xá, bệnh viện, trường học, giao thông, thủy lợi bị ngập, hư hại. Lũ tràn về, gió thét gào, mặt biển dậy sóng ào ạt và văng vẳng đâu đó là tiếng người gọi nhau í ới giữa biển trời trắng xóa, ảm đạm.
Dẫu biết rằng cuộc đời mỗi người trôi qua không ai tránh được những cơn mưa. Nhưng có lẽ đối với những người dân các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An là quá “bất công”. Bao công sức chắt chiu, tằn tiện của họ đã bị cơn đại hồng thủy cuốn phăng không thương tiếc.
Mấy ai cầm được nước mắt trước hình ảnh đứa trẻ vừa mới chào đời chưa tới mười ngày đã phải cùng mẹ chen chúc tránh lũ, mấy ai không nhói lòng khi đập vào mắt họ là hình ảnh của chú bò-gia sản của cả gia đình đang ngoi ngóp thở với chiếc mũi được gia chủ cột dây kéo hếch lên. Đau lòng là thế, xót xa là thế, dẫu cho đồng bào cả nước san sẻ hay đồng cảm với những người con miền Trung thì khó lòng xoa dịu được nỗi đau thương và mất mát mà họ đang gánh chịu từng ngày...
Miền Trung không đơn độc
Tôi thấy mình vẫn còn hạnh phúc lắm, đủ đầy lắm khi những thước hình về miền Trung trong cơn bão lũ cứ hiển hiện trước mắt. Trong nguy nan, cái nắm tay nào cũng là cái nắm chặt, người miền Trung cần lắm những cái nắm tay như thế. Miền Trung lũ lụt, cả nước lũ lòng. Giờ đây, cả nước đang hướng về miền Trung thân yêu, sẻ chia và tiếp thêm sức mạnh.
Đâu chỉ giới nghệ sĩ như MC Phan Anh hay ca sĩ Tuấn Hưng, đâu chỉ các cơ quan của Đảng và Nhà nước nhiệt tình hưởng ứng chương trình ủng hộ vì miền Trung yêu dấu, mà còn nhiều tấm lòng vàng khác từ người già đến các em học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau, cùng nhau đóng góp để làm sáng lên tinh thần “tương thân tương ái” của cả dân tộc.
“Sống trên đời sống, cần có một tấm lòng…”
Hãy dành chút thời gian cho nhau, hãy dùng trái tim của mình để chia sẻ, để lau khô những giọt nước mắt, để xoa dịu những nỗi đau. Dẫu biết rằng cơn lũ qua đi, niềm đau ở lại, nhưng hãy để những hành động thiết thực nhất của mỗi chúng ta giúp đồng bào miền Trung tìm thấy được ánh nắng mặt trời sau những ngày mưa bão, để biết rằng cuộc sống này vẫn còn ý nghĩa nhân sinh.
Minh Uyên