VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Để phát triển chăn nuôi phù hợp biến đổi khí hậu!

(NTO) Chăn nuôi được đánh giá là một trong những thế mạnh của tỉnh với các loại vật nuôi đặc thù, có tính cạnh tranh như bò, dê, cừu. Trong vòng hơn 2 năm trở lại đây, mặc dù bị ảnh hưởng bởi hạn hán nhưng tổng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này vẫn tăng trưởng.

Theo thống kê, tính đến tháng 9 năm nay đàn dê trên 73.290 con, tăng 28,2%; đàn cừu trên 73.290 con, tăng 28,2%; đàn bò trên 97.970 con, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2015. Sự tăng trưởng này là do nhiều hộ gầy dựng lại đàn trong những tháng gần đây nhờ có mưa rải rác ở một số khu vực nên đã hồi sinh đồng cỏ tự nhiên sau thời gian khá dài chống chọi với tình hình nắng hạn, thiếu nguồn nước... Điều đáng nói là chăn nuôi tỉnh ta đã từng bước phát triển theo hướng trang trại tập trung gắn với quy hoạch đồng cỏ, bảo đảm thức ăn chăn nuôi, thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh... Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 50 trang trại chăn nuôi tập trung, chiếm 13,3% tổng đàn gia súc. Mô hình nuôi vỗ béo có hiệu quả cũng góp phần nâng cao chất lượng đàn gia súc. Tỷ lệ sind hóa đàn bò đạt 38,7%. Tỷ lệ đàn dê, cừu được lai tạo giống mới đạt 80%.

Đàn cừu chăn nuôi quy mô trang trại của nông dân xã Phước Nam (Thuận Nam). Ảnh: Sơn Ngọc

Có thể nói, khó khăn chính trong phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh là tình trạng biến đổi khí hậu, nhất là hạn hán kéo dài dẫn đến thiếu thức ăn xanh và nước uống cho đàn gia súc. Riêng 9 tháng năm 2016, tổng đàn gia súc toàn tỉnh bị chết do khô hạn trên 5.290 con, làm thiệt hại cho người chăn nuôi trên 11 tỷ đồng. Theo đánh giá của các chuyên gia, tác động của biến đổi khí hậu làm cho một số vật nuôi bị giảm sức đề kháng do biên độ dao động của nhiệt độ, độ ẩm và các yếu tố ngoại cảnh khác. Sự thay đổi các yếu tố khí hậu và thời tiết có thể làm nảy sinh một số bệnh mới đối với chăn nuôi gia súc... và có thể phát triển thành dịch hay đại dịch. Các hiện tượng thời tiết cực đoan còn ảnh hưởng đáng kể đến khả năng sinh sản của vật nuôi, đặc biệt là khi thời tiết nắng nóng và hạn hán. Biến đổi khí hậu cũng gây nhiều ảnh hưởng đến nguồn thức ăn của vật nuôi. Cụ thể là phần lớn các vùng của tỉnh sẽ bị thiếu thức ăn xanh do phân bố lượng mưa không đều nhất là vào mùa khô. Không những vậy còn tác động đến năng suất vật nuôi… Ngoài ra, đa số hộ chăn nuôi trong tỉnh có quy mô nhỏ, gây khó khăn trong cơ giới hóa và ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi. Nhiều hộ chăn nuôi thiếu kỹ thuật, thiếu thị trường… Đây cũng là “rào cản” cho sự phát triển.

Theo kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh 5 năm 2016-2020, riêng lĩnh vực chăn nuôi tỉnh ta xác định: Tăng tổng đàn chăn nuôi, chất lượng đàn vật nuôi và sản lượng thịt hơi các loại. Đến năm 2020, tổng đàn gia súc đạt 514 nghìn con, tăng 159 nghìn con so với năm 2015. Sản lượng thịt hơi các loại tăng từ 22,9 nghìn tấn năm 2015 lên 36,5 nghìn tấn năm 2020. Tỷ lệ sind hóa đàn bò đạt 50%; đàn dê, cừu lai tạo giống mới đạt 90%; tỷ lệ nạc hóa đàn heo 90%... Để thực hiện đạt mục tiêu đã nêu gắn với phù hợp điều kiện biến đổi khí hậu nhằm giảm những thiệt hại có thể xảy ra, vấn đề quan trọng là cần quy hoạch lại vùng cho từng vật nuôi trên cơ sở hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, chuyên canh, có quy mô trung bình, hiện đại gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, cần áp dụng công nghệ cao, tổ chức chăn nuôi khép kín các khâu trong chuỗi giá trị từ cung ứng đầu vào đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ vào chăn nuôi như nhập các giống vật nuôi (cừu, dê, bò) để cải thiện năng suất, chất lượng đàn, chọn tạo giống có năng suất, chất lượng cao, đặc sản; ứng dụng tiêu chuẩn và quy trình vệ sinh an toàn cho chế biến và giết mổ theo quy chuẩn ngành; lập hệ thống giám sát, phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh. Phát triển đồng cỏ chăn nuôi gia súc có sừng, tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện Bác Ái, Thuận Bắc, Thuận Nam, Ninh Sơn. Vấn đề cũng không kém phần quan trọng là tạo thương hiệu cho bò, dê, cừu vốn có tính cạnh tranh cao bằng việc xây dựng Chỉ dẫn địa lý cho vùng chăn nuôi bò,dê, cừu với chất lượng sản phẩm được tăng cường kiểm soát, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…để thu hút thị trường. Công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, phát triển kênh phân phối cần được thực hiện trong sự phối hợp với các nhà phân phối lớn, đồng thời các tổ nhóm, hợp tác xã liên kết với các nhà phân phối này cũng cần được quan tâm hỗ trợ về phát triển thị trường…

Thiết nghĩ, để cho ngành chăn nuôi “cất cánh” và thực sự là “mũi nhọn” cho nông nghiệp tỉnh nhà có rất nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, quan trọng vẫn là thay đổi nhận thức từ nhà quản lý đến người chăn nuôi để đồng bộ trong thực hiện, tạo dựng nền chăn nuôi áp dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị để mang lại lợi ích thật sự, lâu bền cho chính người chăn nuôi trực tiếp…