Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Ninh Thuận: Đậm tính nhân văn

(NTO) Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Ninh Thuận (Trung tâm) trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, có trụ sở đóng tại thị trấn Phước Dân (Ninh Phước). Trung tâm được thành lập theo Quyết định số 1139/2015/QĐ-UBND ngày 25-5-2015 của Chủ tịch UBND tỉnh, đồng thời có sự giúp đỡ hiệu quả từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF Việt Nam).

 
Phụ huynh đưa học sinh đến Trung tâm.

Với mục đích đem lại niềm vui cho những bậc phụ huynh có con, em bị khuyết tật trên toàn tỉnh, giúp các em được học văn hóa, giáo dục kỹ năng sống, hướng nghiệp để có thể hòa nhập với cộng đồng, trở thành những công dân có ích. Việc thành lập Trung tâm được xem là một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp chăm sóc và giáo dục trẻ em khuyết tật trong tỉnh mang đậm tính nhân văn.

Trung tâm có khuôn viên rộng 2ha, bao gồm: Khu hành chính–quản trị; Khu học tập và phục vụ học tập; Khu nhà ở và khu nhà ăn; 20 phòng chức năng và làm việc, trong đó 1 phòng chẩn đoán, đánh giá, tư vấn; 3 phòng can thiệp sớm, 1 phòng Tâm Vận Động, 2 phòng học dạy lớp tiền học đường… Có 5 giáo viên chuyên ngành Sư phạm Giáo dục đặc biệt, 1 giáo viên Tâm lý giáo dục, 3 giáo viên chuyên ngành khác. Trung tâm hiện có trên 2.500 đồ dùng, đồ chơi phục vụ công tác dạy và học. 7 bộ công cụ sử dụng cho hoạt động chẩn đoán, đánh giá. Trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi chủ yếu từ nguồn vận động như: UNICEF Việt Nam, một số tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, từ giáo viên tự làm…

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Trung tâm đã đánh giá tâm lý cho 43/43 trẻ, trong đó giao được kết quả báo cáo đánh giá tâm lý cho 23/43 trẻ, đạt 53,5%. Đang thực hiện chương trình can thiệp sớm cho 22 trẻ khuyết tật dưới 6 tuổi (gồm các em bị những dạng tật như: tự kỷ, khiếm thính, khuyết tật trí tuệ, trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt…). Theo đánh giá ban đầu, phần lớn các em có sự tiến bộ so với trước khi đến Trung tâm. Về dịch vụ giáo dục cá nhân cho trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt, Trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ đối với trẻ các khuyết tật nặng từ 7-13 tuổi chưa được đi học và chưa có kỹ năng tự phục vụ; hiện có 4 trẻ đang thực hiện hỗ trợ giáo dục cá nhân tại Trung tâm gồm 1 trẻ khiếm thính, 1 trẻ khuyết tật trí tuệ, 1 trẻ tự kỷ và 1 trẻ bị bệnh down. Đối với dịch vụ thực hiện công tác hỗ trợ giáo dục hòa nhập tại cơ sở, năm học 2015-2016, Trung tâm đã hỗ trợ giáo dục hòa nhập cho 2 trường tiểu học có học sinh khuyết tật học hòa nhập…

Trong thời gian tới, Trung tâm rất cần giúp đỡ nhiều hơn nữa về mọi mặt của các cấp, các ngành và các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, để tiếp tục khẳng định là địa chỉ đáng tin cậy cho các bậc phụ huynh không may có con em bị khuyết tật trên địa bàn toàn tỉnh.